Giảm mục tiêu tăng trưởng trong 2006
Các Website khác - 14/10/2005

Chính phủ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm sau là 8% hoặc cao hơn, so với kết quả dự kiến của năm nay là 8,4-8,5%. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trao đổi với báo giới về tình hình thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: "Việt Nam cũng phải lường tới một số tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới". Ảnh: Anh Tuấn
- Thưa Bộ trưởng, nếu năm nay tăng trưởng GDP đạt mức 8,5% thì phải chăng chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho 5 năm 2001-2005?

- Nếu đạt tốc độ 8,5% của năm 2005 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả 5 năm sẽ đạt con số 7,5%, đạt kế hoạch 5 năm đã được Nghị quyết Quốc hội khóa X thông qua.

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn năm sau cao hơn và vững chắc hơn năm trước. Cụ thể, năm 2001, tốc độ tăng trưởng GDP là 6,9%, năm 2002 đạt 7,1%, năm 2003 là 7,34%, năm 2004 con số này 7,8%. Chúng ta có thể hy vọng, con số này tiếp tục tăng dần trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Điều đáng mừng hơn, đầu năm 2005, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tốc độ tăng trưởng thấp, quý I tăng trưởng 7,51%, nhưng quý II đã tăng lên 7,9% và quý III đạt tốc độ cao nhất từ trước tới nay, với 8,9%. Năm 2005 cũng là năm đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 10 năm qua.

- Đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng theo. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả tăng trưởng kinh tế?

- Chúng ta phải lựa chọn giữa ổn định ở mức thấp với tăng trưởng cao. Khi nền kinh tế phát triển “nóng”, phải chấp nhận chỉ số lạm phát tăng cao. Ngay khi trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2005 ra Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị tốc độ tăng giá không cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Sau khi cân nhắc, Quốc hội đã đề ra chỉ số tăng giá không vượt quá 6,5%.

Tôi cho rằng, khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới, giá cả do nhiều yếu tố quyết định, nên không thể đề ra con số cứng nhắc được. Chính phủ chỉ có thể điều hành giá một số mặt hàng nhất định, như xăng dầu, điện, xi măng, sắt thép... - những ngành Nhà nước còn nắm được một thị phần nhất định.

Nhưng khi chúng ta kiềm chế giá cả những mặt hàng đó, tốc độ tăng trưởng lập tức bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi khống chế giá xi măng hay thép, lập tức các nhà máy không “chạy” hết công suất. Vì vậy, trong chừng mực nào đó, chúng ta phải chấp nhận giá do thị trường điều tiết.

- Liệu có phải giá cả tăng mà Chính phủ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2006 là 8% hoặc cao hơn, thấp hơn so với kết quả dự kiến 8,5% của năm nay?

- Đúng, giá cả gia tăng thời gian qua, ngoài nguyên nhân do sự phát triển của nền kinh tế, còn do mặt bằng giá thế giới quyết định. Việt Nam phải chấp nhận thiết lập một mặt bằng giá mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2006. Sau khi cân nhắc các yếu tố như giá đất đai và một số vật tư khác cũng như những khó khăn về thị trường, Bộ đề ra con số 8%. Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng GDP trong 5 năm qua, nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng Việt Nam cũng phải lường tới một số tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới.

- Vậy trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân dự kiến sẽ là bao nhiêu, thưa Bộ trưởng?

- Chính phủ đưa ra một số phương án để trình Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân được đưa ra là từ 7,5 đến 8%, cao hơn so với kế hoạch 5 năm 2001-2005.

- Để đạt được mức tăng trưởng đó, theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp quan trọng nhất?

- Giải pháp quan trọng nhất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới là phải huy động được nguồn lực cho phát triển, tăng tỷ lệ huy động vốn đầu tư cao hơn. Bình quân trong 5 năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trong tổng GDP là 37,5%. Để tăng trưởng cao hơn trong 5 năm tới, tỷ lệ này phải đạt 40%.

Muốn vậy, phải có chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đây là 2 khu vực kinh tế hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất và sẽ còn giữ vai trò quan trọng hơn trong những năm tới.

- Vậy Bộ trưởng có thể phác họa bức tranh chung của nền kinh tế 5 năm tới?

- Đây là thời kỳ phát triển khả quan. Năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra con số tăng trưởng 8%, bởi đây là năm chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp có thể chưa quen, nên sẽ gặp khó khăn về thị trường, trong khi cạnh tranh tăng lên từ phía các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng những năm sau đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ quen hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn, do đó tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng sẽ cao hơn.

(Theo Đầu Tư)