Hải quan điện tử vẫn thấp thỏm chờ luật
Các Website khác - 12/08/2005

Vừa khai báo qua hệ thống điện tử song doanh nghiệp vừa phải in 2 bản tờ khai để nộp cho hải quan. Các thủ tục này nhanh cũng phải mất 1-2 ngày. Giới chuyên môn cho rằng, mọi việc sẽ thay đổi khi Luật giao dịch điện tử ra đời. Khi ấy hải quan sẽ không sử dụng song song 2 hình thức khai báo.

gfdhgfhkl
Doanh nghiệp vẫn phải đến nơi để thông quan điện tử.

Mở đầu cuộc thảo luận về dự án Luật Giao dịch Điện tử sáng 11/8, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh, tốc độ sửa luật cần phải nhanh hơn nữa. Dù VN đã thực hiện việc thông quan điện tử song thủ tục kê khai vẫn còn nặng về văn bản hành chính. Song song với bản khai điện tử, doanh nghiệp còn phải in văn bản giấy để nộp cho hải quan. Khi Luật giao dịch điện tử ra đời, hải quan chỉ được dùng 1 loại văn bản điện tử mà thôi.

Không chỉ hải quan, ngành thuế cũng quy định chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng bút mực, doanh nghiệp không được sử dụng dấu có khắc sẵn chữ ký, không được sử dụng chữ ký điện tử in lên chứng từ giấy. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng chứng từ điện tử thì bên cạnh bản điện tử, doanh nghiệp phải tiến hành in chứng từ ra giấy, đóng dấu và ký như chứng từ thông thường.

Tại cuộc thảo luận nhiều vấn đề bức xúc cũng được các đại biểu đề cập như thế nào là khái niệm giao dịch điện tử, chữ ký số, lưu trữ văn bản và đối tượng nào được phép kinh doanh loại hình dịch vụ này. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Thế Vượng băn khoăn, hiện nay, chữ ký thường trên văn bản giấy còn bị làm giả. liệu chữ ký số có khắc phục được điểm yếu này. Ông phát biểu, nhiều doanh nghiệp thực hiện việc khai báo hải quan điện tử vẫn thấp thỏm lo lắng về tính an toàn của con dấu và chữ ký số.

Ông Nguyễn Đình Lộc, đại biểu TP HCM cũng đồng tình rằng nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra băn khoăn về tính an toàn của chữ ký, bởi các hoạt động giao dịch đều được thực hiện trong môi trường ảo. "Tôi đánh giá cao vai trò của điểm chỉ, nên chăng bên cạnh chữ ký có thêm dấu điểm chỉ bởi thực tế khi xử lý tranh chấp, tòa án vẫn yêu cầu dấu điểm chỉ", ông Lộc nói.

Một vấn đề khiến ông Lộc băn khoăn nữa là quy định về việc lưu trữ dữ liệu. Theo ông, cần phải quy định rõ đối tượng nào lưu trữ thông tin, giá trị pháp lý của nó đến đâu khi có xảy ra tranh chấp giữa các bên. Chẳng hạn như 2 bên ký hợp đồng làm ăn thì bên nào đứng ra quản lý dữ liệu, khi xảy ra tranh chấp hoặc một bên bị phá sản thì ai là người chịu trách nhiệm. "Theo tôi nên để một công ty trung lập đứng ra làm dịch vụ quản lý dữ liệu, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp thì dữ liệu này mất tích cùng với doanh nghiệp khác. Các đơn vị tham gia sẽ nộp một khoản phí nhất định cho nhà cung cấp dịch vụ", ông Lộc góp ý thêm.

Trước những thắc mắc của các đại biểu Quốc hội, tiến sĩ Mai Anh, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Luật cho rằng, dự thảo luật này đã đưa ra mổ xẻ nhiều lần và sau những lần sửa lên sửa xuống ấy, những nội dung câu chữ lại quay về vấn đề cũ. "Có thể câu cú, lỗi hành văn đôi khi vẫn còn chỗ chưa tốt, chúng tôi sẽ dần dần hoàn thiện", ông Mai Anh nói.

Về tính an toàn của chữ ký điện tử, ông cho rằng, mỗi loại chữ ký đều có chỗ an toàn và mất an toàn riêng. "Ban soạn thảo đã tham khảo cách thức làm của nhiều nước, và chúng tôi tin với những mã số, tính bảo mật cao, loại chữ ký này sẽ có tính an toàn hơn", ông Mai Anh khẳng định.

Giải thích về việc lưu trữ dữ liệu và tính pháp lý của nó khi xảy ra tranh chấp, ông Mai Anh cho rằng, những dữ liệu này theo quy định trong dự thảo luật được lưu trữ tối thiểu 5 năm và có giá trị làm chứng cứ. Còn nó có là chứng cứ có giá trị tại tòa án hay không sẽ được quy định trong nhiều luật khác.

Minh Khuyên