Mức tiêu thụ sản phẩm nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay khoảng 20kg, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (30kg) và rất thấp nếu so với Nhật Bản (80kg), Tây Âu (100kg).
(theo Hiệp hội nhựa)
Hiện nay, tỷ lệ doanh thu hàng nhựa ngoại nhập ở các siêu thị đã tăng từ mức 10 – 20% lên 30 – 50% tổng doanh thu nhóm hàng nhựa. Thời huy hoàng của hàng nhựa gia dụng nội địa có nguy cơ trở thành quá khứ khi hàng ngoại nhập ngày càng nhiều.
![]() |
Hàng nhựa ngoại có đủ các nhóm hàng tương đương hàng nhựa nội. (Ảnh: H.T) |
Chỉ tính riêng vị trí trưng bày ở các siêu thị Co.opmart, Maximark, Citimart… hàng nhựa nhập đã chiếm đến 30 – 50% diện tích các quầy kệ, so với tỷ lệ 20% hai năm trước.
Người tiêu dùng đang quen dần với sản phẩm nhập của các công ty thương mại Bài Thơ, Tuấn Anh, Song Như, Quảng Trị… Theo thống kê của hệ thống siêu thị Maximark, sản phẩm nhựa từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ khoảng 50%, Thái Lan 30%, còn lại là hàng Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc siêu thị Citimart nói: “Thực tế chỉ còn số ít người tiêu dùng mua hàng nội cho các nhu cầu thông dụng, phần lớn khách chuộng hàng nhập hơn vì ba yếu tố: mẫu mã mới lạ, màu sắc tươi sáng, bắt mắt và giá chỉ nhỉnh hơn hàng nội khoảng 5 – 10%”. Ông Hải cho rằng khách hàng không còn dừng ở mức độ công dụng sản phẩm mà còn chú ý đến thiết kế, hoa văn hợp với nội thất, với không gian trang trí nhà bếp, sân vườn…
Tại Maximark, tỷ lệ doanh số bán giữa hàng nhựa nội địa và ngoại nhập hiện là 50:50. “Hàng nhựa Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã cũng khá đa dạng, nhưng vẫn còn kém hàng nhập ở tốc độ thay đổi mẫu mới và tốc độ đưa ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu thay đổi của khách hàng”, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc Maximark giải thích. “Thông thường, mẫu hàng nhập nào bán chạy, một thời gian sau hàng nội cũng sẽ có. Vấn đề là hàng nội ra sau, cố gắng làm cho giống thì khách lại hết chuộng mẫu mã này”.
|
Bà Thảo cũng thắc mắc: “Tại sao các nhà sản xuất trong nước lại không tiên phong tung sản phẩm mới, khi trình độ công nghệ, tay nghề sản xuất của họ không thua kém các nhà sản xuất trong khu vực châu Á?”.
Đứng ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Thanh Hùng, phụ trách kinh doanh tiếp thị của công ty nhựa Đại Đồng Tiến lại cho rằng: “Do đặc thù của sản xuất nhựa là mỗi công ty chỉ có thể đáp ứng một số mẫu mã nhất định theo khuôn, nên trước nhu cầu phong phú của người tiêu dùng, xu hướng chung của thị trường hiện nay là có sự giao lưu và trao đổi sản phẩm giữa các nước”.
Ông Hùng cho biết trong lúc nhiều siêu thị, cửa hàng ở Việt Nam đang bày bán đủ loại sản phẩm bằng nhựa nhập từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… thì người tiêu dùng ở các nước khác lại đang xài sản phẩm của nhựa Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Tiền Phong, Tân Tiến…
Điều ông Hùng nêu có thể không sai, nhưng vấn đề là nhà sản xuất Việt Nam có giữ được khoảng sân còn lại của mình, hay từng bước lại bị thu hẹp thị phần nội địa như nhiều ngành sản xuất khác.
Theo Bích Thuỷ
▪ Khai thông đầu ra cho ngân hàng (03/09/2008)
▪ Nhà đầu tư ào ạt xả hàng, Vn-Index tuột dốc (28/08/2008)
▪ Vn-Index thờ ơ với tin xăng giảm giá (28/08/2008)
▪ Khách sạn đua làm bánh trung thu (28/08/2008)
▪ Giá xăng tiếp tục giam 1000 đồng , từ 10h sáng nay (27/08/2008)
▪ Nhà đất sốt “ảo” trong mùa... cô hồn (27/08/2008)
▪ Nở rộ dịch vụ tiện ích tại các công ty chứng khoán (26/08/2008)
▪ Dịp 2/9: Công ty du lịch và khách hàng cùng "đuối" (23/08/2008)
▪ Đầu tư 80 triệu USD sản xuất nhiên liệu xăng ethanol (22/08/2008)
▪ "Đèn xanh" đã bật? (22/08/2008)