Khai thông đầu ra cho ngân hàng
Các Website khác - 03/09/2008
Lãi suất đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp không dám vay, dẫn đến cung – cầu vốn không gặp nhau.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu. (Ảnh: H. Thúy)

Trong bối cảnh lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, tăng trưởng tín dụng chậm lại... làm thế nào để tìm đầu ra cho hoạt động ngân hàng (NH) là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp giao ban vào chiều 1-9 giữa lãnh đạo NH Nhà nước (SBV), UBND TPHCM và các NH trên địa bàn TPHCM.

Tăng trưởng tín dụng âm

Tính đến ngày 30-8, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TPHCM chỉ đạt gần 480.000 tỉ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước; riêng tháng 7-2008 tăng trưởng tín dụng âm 2,7%. Nguyên nhân là do NH thắt chặt điều kiện cho vay vì e ngại rủi ro. Nhưng những con số trên cũng cho thấy người vay không dám tiếp cận nguồn vốn.

Mặt khác, huy động vốn đến hết tháng 8-2008 chỉ tăng 0,68% cho thấy lãi suất đầu vào trên 18%/năm ở các kỳ hạn ngắn đã không phát huy hiệu quả (không loại trừ tiền nhàn rỗi trong dân đã cạn).

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc SBV- TPHCM, một số khách hàng tốt đã chuyển qua vay vốn NH nước ngoài vì lãi suất cho vay thấp hơn so với các NH trong nước. Kết quả kinh doanh của các NH đang có xu hướng chậm lại do chi phí đầu vào tăng, tốc độ luân chuyển vốn chậm hơn. Nhiều tổ chức tín dụng thừa vốn như NH Đầu tư và Phát triển VN dư đến 1.000 tỉ đồng, Sacombank, VIB Bank... cũng có số vốn dư thừa đáng kể, song lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu vốn nhưng không dám vay, dẫn đến cung - cầu vốn không gặp nhau. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng đầu ra của NH chủ yếu là DN. Nhiều tổ chức kinh tế vay vốn NH với lãi suất như hiện nay không bù đắp nổi chi phí. Lãi suất cho vay không giảm, DN khó tồn tại, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của NH.

Cho vay tiền đồng theo lãi suất ngoại tệ

Đại diện NH Á Châu (ACB), ông Phạm Văn Thiệt, cho biết NH này sẽ hỗ trợ người vay qua hình thức cho vay bằng tiền đồng nhưng lãi suất được tính theo lãi suất USD. Theo ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, NH phải cân đối chi phí các nguồn vốn, trong đó nguồn vốn tự có bổ sung từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn qua việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài đã giảm được khá nhiều chi phí đầu vào. Từ đó, NH tập trung cho vay xuất nhập khẩu bằng tiền đồng, lãi suất tính theo lãi suất ngoại tệ, giải quyết phần nào đầu ra của NH cũng như giảm được chi phí cho người vay.

Thực tế cho thấy, lãi suất vay vốn USD của các NH hiện chỉ khoảng 10%. DN thu về ngoại tệ bán lại cho NH. Sau đó, các NH dồi dào ngoại tệ lại bán cho NH bạn hoặc bán cho SBV vì chênh lệch mua – bán được phép là 2%. 

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối SBV, việc cho vay VNĐ theo lãi suất USD hoặc bán ngoại tệ cho NH bạn là một trong những giải pháp đầu ra phù hợp của các NH trong bối cảnh hiện nay. DN phải cam kết bán lại ngoại tệ cho NH, thỏa thuận tỉ giá hối đoái ngay tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn nên độ rủi ro thấp. SBV sẵn sàng mua ngoại tệ của các NH thương mại. Thông tin mới nhất là SBV đặt hàng các NH trong 3 tuần một số lượng lớn USD với giá 16.600 đồng/USD.

Nên tăng lãi suất dự trữ bắt buộc

Hiện thị trường có khoảng 10 NH đã và chuẩn bị giảm lãi suất đầu ra. Các NH còn lại vẫn đang nhìn nhau. Để người vay có thể tiếp cận vốn, nhiều NH cho rằng cần giảm mạnh lãi suất đầu ra và chỉ giảm nhẹ lãi suất đầu vào vì lo ngại thị trường chứng khoán khởi sắc, tiền sẽ đổ vào cổ phiếu. Đại diện Sở Giao dịch 2 NH Công thương VN đề nghị SBV tăng lãi suất dự trữ bắt buộc lên 5%/năm. Các NH sẽ giảm thêm chi phí đầu vào, từ đó đồng loạt giảm thêm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc SBV Trần Minh Tuấn cho biết đợt tăng lãi suất tín phiếu và dự trữ bắt buộc mới đây, ngân sách Nhà nước phải bù khoảng 1.900 tỉ đồng. Việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các NH phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Nếu tình hình lạm phát chuyển biến tích cực, lãi suất cơ bản sẽ giảm theo đà giảm của chỉ số giá tiêu dùng, lãi suất cho vay sẽ giảm theo.

Theo Thy Thơ