Hệ thống bán hàng VN: Nguy cơ thua ngay trên "sân nhà"
Các Website khác - 05/06/2006
Hệ thống bán hàng Việt Nam:
Nguy cơ thua ngay trên "sân nhà"


Các DN bán hàng trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi VN gia nhập WTO. Nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt, hoặc đang chuẩn bị vào VN. Các nhà sản xuất trong nước cũng chịu ảnh hưởng nếu hệ thống bán lẻ của VN bị thua sút.

Mua sắm tại Co.op Mart (TPHCM).
Cạnh tranh quyết liệt
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP.Hồ Chí Minh - so sánh năng lực cạnh tranh của hệ thống phân phối VN với các tập đoàn nước ngoài: "Nếu chênh lệch nhau "chín - mười" hay "tám - mười" thì ta còn có khả năng cạnh tranh với họ, đằng này chênh lệch lại quá lớn".

Tại TP.Hồ Chí Minh, năm 2003, UBND TP đã phê duyệt đề án quy hoạch nâng tổng số siêu thị (ST) lên 70 vào 2005, nhưng trên thực tế chưa làm được. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt tại VN như Metro cash&Carry, Bourbon, Parkson. Diamond Plaza... Parkson đã vạch ra kế hoạch phát triển 10 trung tâm (TT) mua sắm trong vòng 5 năm. Bourbon sẽ mở thêm 6 ST từ nay đến 2008...

Ông Phan Đình Thoái - Giám đốc thương xá Tax, cho biết: "Nhìn xung quanh Tax, ở những vị trí tốt tại trung tâm TP.Hồ Chí Minh, đã thấy bị "bao vây" bởi các trung tâm thương mại nước ngoài như Diamon Plaza, Parkson...".

Tác động dây chuyền
Trong cạnh tranh bán lẻ, một khi các nhà phân phối VN bị thua cuộc thì sản xuất cũng giảm sút theo. Hàng triệu người lao động trong các nhà máy và trong các đơn vị kinh doanh bị thất nghiệp. Sự thất bại của các nhà phân phối Trung Quốc ngay trên thị trường trong nước là một bài học cho VN.

Tại các ST, trung tâm thương mại (TTTM) của VN, có rất nhiều mặt hàng VN chất lượng cao. Ngược lại, có rất ít nhãn hiệu hàng hoá VN lọt được vào các ST, TTTM nước ngoài. Ông Phan Đình Thoái nhận xét, các thương hiệu hàng VN đang bị "đuổi" dần ra khỏi các TTTM nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu. Các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới thường gắn liền với tên tuổi của một số thương hiệu hàng hoá nổi tiếng.

Nhận thấy nguy cơ bị thua sút, các DN trong nước đang cố gắng mở rộng hệ thống kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đang hợp tác với các DN trong nước để mở rộng hệ thống Co.op Mart.

Tổng Cty Thương mại Sài Gòn cũng đang đầu tư trên cả trăm triệu USD xây dựng TTTM Bình Điền và nhiều điểm mua bán khác. Cty càphê Trung Nguyên cũng có kế hoạch mở một hệ thống siêu thị hiện đại G7 Mart...

"Tuy nhiên, chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực được đào tạo tốt để quản lý, điều hành hệ thống bán lẻ"- ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Giám đốc càphê Trung Nguyên - cho biết.

Trung Phương

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế TPHCM, cả nước hiện có khoảng 170 siêu thị và trung tâm thương mại và 600 cửa hàng tự chọn. Con số này còn rất nhỏ bé so với thị trường 80 triệu dân, có tổng doanh thu bán lẻ trên 21tỉ USD trong năm 2005 và sẽ đạt 30- 40 tỉ USD trong một tương lai rất gần. Doanh thu từ hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại chỉ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ, còn lại 90% được cung cấp bởi các chợ và cửa hàng bán lẻ.