Trong khi một số công ty sản xuất và kinh doanh gas tuyên bố giảm giá bán ra thị trường, thì tại nhiều đại lý cửa hàng vẫn chần chừ niêm yết giá bán mới. Thậm chí có nơi, mức giảm thấp hơn nhiều do với giá các hãng quy định đến tay người tiêu dùng,
Vượt qua cả dự đoán của các nhà nhập khẩu, giá gas thế giới giao tháng 4 bất ngờ giảm 100 USD/tấn và chỉ còn 430 USD/tấn. Các doanh nghiệp thông báo sẽ giảm 18.000-20.000 cho mỗi bình gas. Còn các đại lý thì quả quyết mức giảm tối đa đến tay người tiêu dùng chỉ được 15.000 đồng/bình 12kg.
![]() |
Giá gas đang giảm. Ảnh: A.T. |
Như vậy, kể từ ngày 30/3, một số công ty như Saigon Gas, Gia Đình Gas, VT Gas... chính thức niêm yết giá bán mới giảm 18.000 đồng/bình và giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 146.000 đồng/bình 12 kg. Một số công ty kinh doanh gas còn lại như Petrolimex Gas, Mobil Unique, Petronas thì thông báo niêm yết giá mới từ ngày 1/4.
Trước những biến động của giá gas trên thị trường, chỉ đại lý chính thức của các hãng gas điều chỉnh giá theo đúng chủ trương của công ty, không ít các đại lý cửa hàng lại phát giá tùy hứng.
Tháng 3, các nhà nhập khẩu thông báo giá gas đồng loạt giảm 18.000-20.000 đồng/bình (tùy loại) và khi ấy, gas Total sẽ có giá 190.000 đồng bình và được giao tận nhà. Thế nhưng, tại cửa hàng kinh doanh Gas Hồ Liễu (Nguyễn Trãi, Hà Nội), cửa hàng gas Ngọn lửa Thần (Tôn Đức Thắng), Lửa Việt (Khâm Thiên)... giá gas Total vẫn ở mức 195.000 đồng/bình. Không chỉ Total, một số loại gas khác như Petrolimex, Sell gas, Gia Đình gas, giá bán cũng chênh lệch so với mức mà các hãng công bố từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/bình. Khi khách hàng thắc mắc thì được nhân viên giảm thích: "Mức giá này do chính các doanh nghiệp quy định cho đại lý sau khi căn cứ vào chi phí vận chuyển, lưu kho, chứ đại lý không có quyền niêm yết giá bán...".
Chị Hồng, ở phố Tây Sơn, Hà Nội thắc mắc, là người thường xuyên theo dõi giá cả thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nên chị biết rất rõ tháng nào gas giảm, tháng nào gas tăng. Vậy mà chị vẫn đuối lý trước cách giải thích của nhân viên giao hàng. "Họ khăng khăng khẳng định đây là giá niêm yết của công ty, do đang cần nên tôi không thể đứng mà cãi lý được", chị nói.
Theo chị, các doanh nghiệp nên yêu cầu các đại lý khi giao hàng cho khách phải kèm theo bảng giá. Bởi giá gas được điều chỉnh theo tháng căn cứ vào biến động của giá thế giới, nếu các hãng phân phối không niêm yết công khai thì người tiêu dùng sẽ không biết đâu mà lần.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo các công ty kinh doanh gas khẳng định, mỗi lần điều chỉnh giá bán, họ đều thông báo cho các đại lý và quy định giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Ông Bùi Minh Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Kinh doanh các sản phẩm khí cho biết, hiện nay, công ty chỉ quy định giá bán buôn cho các doanh nghiệp kinh doanh. Giá này được căn cứ vào giá nhập khẩu và cân đối nguồn cung của Dinh Cố nhằm đảm bảo thấp hơn giá nhập khẩu 5%. Sau đó, các công ty này lại tính toán chi phí vận chuyển, lưu trữ kho bãi... và hình thành giá mới cho các đại lý cấp một, đại lý cấp hai. Còn giá bán đến tay người tiêu dùng lại được các đại lý căn cứ vào cung cầu thị trường và điều kiện kinh doanh.
Giải thích cho việc các đại lý bán với giá cao hơn mức mà các hãng công bố, ông Tiến cho rằng, trong cơ cấu giá thành mặt hàng gas, các nhà nhập khẩu luôn phải tính toán giá sao cho thị trường chấp nhận được. Chẳng hạn, tháng này, giá thế giới tăng lên 100 USD/tấn, nếu giá bán lẻ điều chỉnh theo mức tương đương thì người tiêu dùng không thể chịu được. Vì vậy, không ít doanh nghiệp chỉ dám tăng nhẹ thậm chí phải tung ra các chương trình khuyến mãi để giữ khách. Khoản lỗ này sẽ được trừ vào tháng sau nếu giá gas thế giới giảm.
Còn ông Hoàng Anh, Phó giám đốc Công ty Petrolimex khu vực phía Nam thì thừa nhận, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ quản lý được các đại lý hệ thống (đại lý cấp I) và hệ thông bán lẻ trực tiếp. Còn các đại lý tự do - được phép kinh doanh nhiều loại của nhiều hãng khác nhau thì rất khó quản lý.
Theo Giám đốc Công ty Gia Đình gas Nguyễn Minh Loan, do hệ thống phân phối gas quá dày đặc, người tiêu dùng khi cần đến sản phẩm chỉ cần gọi điện, sau vài phút là có hàng tới tận tay nên việc kiểm soát chất lượng giá cả rất khó khăn. Chính vì vậy, Nhà nước nên sớm ban hành quy chế kinh doanh gas hiệu quả để tránh tình trạng sang gas lậu, từ đó, sản phẩm đến tay người tiêu dùng được đảm bảo cả về chất lượng và số lượng.
Trước đó, Bộ Thương mại cũng có văn bản gửi các công ty kinh doanh đề nghị lành mạnh hóa các hoạt động kinh doanh gas bằng cách mỗi cửa hàng, đơn vị chỉ được bán một loại bình và niêm yết công khai giá bán. Thậm chí, một số khu vực còn ngừng cấp giấy phép kinh doanh gas để hạn chế tình trạng sang triết lậu. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại Hoàng Thọ Xuân, việc quản lý mạng lưới hoạt động kinh doanh gas đang là một thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước.
Phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, theo pháp lệnh giá, gas là mặt hàng thuộc diện bình ổn, Nhà nước không quản lý giá mà do thị trường tự điều tiết. Chỉ khi sốt giá cao thì Nhà nước mới sử dụng các biện pháp bình ổn như điều hòa cung cầu, kiểm soát hàng tồn kho, kiểm tra các yếu tố cấu thành giá... Tuy nhiên, các doanh nghiệp dù được toàn quyền quyết định giá bán song vẫn đảm bảo thấp hơn giá thế giới 5%.
Minh Khuyên
▪ Giá vàng tăng mạnh (30/03/2006)
▪ Kinh tế TP HCM tăng trưởng 9,5% (30/03/2006)
▪ Thái Lan muốn ASEAN chung mức thuế cho ôtô (30/03/2006)
▪ Dệt may kêu khó vì hết visa tự động (30/03/2006)
▪ Chưa ấn định phiên đa phương WTO tiếp theo (30/03/2006)
▪ Chứng khoán nghẽn lệnh giao dịch (30/03/2006)
▪ VN-Index tiến sát ngưỡng 500 điểm (30/03/2006)
▪ Tạm dừng thanh lý nhà chuyên dùng (30/03/2006)
▪ Quảng Ngãi: Dừng thi công tất cả cầu, cống tuyến đường Sơn Bua - Sơn Mùa (30/03/2006)
▪ Giá tăng, tôm chết, nuôi cá... theo giá! (30/03/2006)