Hết thời đua nhau lập ngân hàng
Các Website khác - 06/10/2008

Vốn điều lệ phải trên 3.000 tỷ đồng, cổ đông sáng lập phải có vốn tự có 500 tỷ đồng trở lên và ba năm liên tục có lãi.

Ngân hàng nhà nước đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 49 năm 2000 về quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng.

Vốn điều lệ phải trên 3.000 tỷ đồng

Theo Ngân hàng nhà nước, mục tiêu của nghị định mới là nhằm hạn chế việc ra đời các ngân hàng mới. Chính vì vậy, Ngân hàng nhà nước buộc phải đưa ra những hàng rào như số vốn điều lệ, tiêu chí cổ đông sáng lập... Để được cấp phép thành lập, vốn điều lệ phải trên 3.000 tỷ đồng. Đây có thể xem là điều kiện không cao đối với các ngân hàng quốc tế nhưng với các ngân hàng trong nước thì hầu như khó có thể với tới.

Điều kiện đối với cổ đông sáng lập thì phải có vốn tự có là 500 tỷ đồng trở lên và phải hoạt động ba năm liên tục có lãi. Những quy định như vậy là cực kỳ khắt khe đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Gần như các tập đoàn quốc doanh sẽ không thể có đủ số vốn này để tham gia thành lập ngân hàng.

Tới đây, những quy định để thành lập ngân hàng sẽ khắt khe hơn. (Ảnh minh họa: HTD)

Ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước nhận định: “Thực tế ở Việt Nam, nếu như loại bỏ các tập đoàn quốc doanh ra thì số lượng tập đoàn tư nhân có vốn 500 tỷ đồng hầu như là của hiếm, có thể nói là không có”.

Ông Nghĩa cũng không đồng tình ý kiến cho rằng Việt Nam có quá nhiều ngân hàng mà theo ông là nhiều ngân hàng quá nhỏ. Theo phân tích của ông Nghĩa, chất lượng hoạt động của ngân hàng mới là cái quyết định chứ không phải là quy mô. “Chúng ta thấy quy mô tầm cỡ như ngân hàng đầu tư của Mỹ là Goldman Sachs, Lehman Brothers, Morgan Stanley... cũng đã ngã gục hết cả. Chính vì chất lượng hoạt động của ngân hàng, chúng ta buộc phải nâng hàng rào lên cao. Hy vọng các ngân hàng lớn trên thế giới sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới” - ông Nghĩa nhận định.

Theo ông Nghĩa, trong 10-20 năm nữa các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp những khó khăn rất lớn khi quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cả về mặt công nghệ... còn rất yếu. Các ngân hàng nước ngoài có mặt và triển khai rất nhanh chóng. Khi đó, có thể việc mua bán và sát nhập ngân hàng sẽ sôi động hơn.

“Sức khỏe” các ngân hàng nội đang tốt

Nhận định về tình hình hoạt động của các ngân hàng hiện nay, ông Nghĩa cho biết với nỗ lực kéo dài nhiều tháng qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cải thiện được vốn của mình, thậm chí có ngân hàng còn nói là đang thừa tiền. Khả năng sinh lời của các ngân hàng có xu hướng khá hơn.

Các ngân hàng cổ phần nước ngoài đạt khoảng 6%-7% trong khi các ngân hàng quốc doanh đạt khoảng 13%-14%. Đây là năm đầu tiên tình hình đảo ngược khi các ngân hàng quốc doanh có lợi nhuận cao hơn các ngân hàng nước ngoài. Bởi các ngân hàng quốc doanh có thanh khoản tốt hơn do có uy tín, thị trường mạnh hơn nên lợi nhuận cũng tốt hơn.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng nhà nước, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất vào khoảng 4,5% và thấp nhất là 0,18% theo chuẩn kế toán của Việt Nam. Điều đó cho thấy chất lượng tài sản của các NHTM đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với cách đây khoảng 5-7 năm.

Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có đánh giá với các khoản vay bất động sản. Cuối năm 2009, nếu đánh giá lại giá trị của các NHTM và giá trị các khoản vay có thể chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ có những biến động nhất định.

Theo Lê Thanh
phapluattphcm