Ngân hàng nội còn "thủ" nhiều lợi thế
Các Website khác - 03/10/2008
 

Sự xuất hiện của ngân hàng ngoại làm xôn xao giới khách hàng nhiều hơn là các đối thủ cạnh tranh của họ là ngân hàng nội. Trên thực tế, chưa thể nói chắc bên nào sẽ có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh ngân hàng nội - ngoại.

Chưa đến cao điểm cạnh tranh

Ngân hàng nước ngoài thường sẵn có một phân khúc khách hàng riêng, đa số là doanh nghiệp từ nước họ. Thậm chí họ đã phục vụ những khách hàng này từ trước khi chính thức thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các ngân hàng ngoại luôn tạo sức ép ngày càng tăng đối với các nhân viên, về tăng trưởng doanh số cũng như mở rộng phạm vi hoạt động. Điều này chứng tỏ một tham vọng nâng cao thị phần mạnh mẽ.

Ngân hàng ngoại cũng không vướng phải những rào cản mà hiện nay nhiều ngân hàng trong nước đang mắc phải, điển hình là hạn mức cho vay chứng khoán, nợ xấu trong cho vay bất động sản... Họ có thể tha hồ làm từ đầu, trong khi với không ít ngân hàng trong nước thì điều này là không thể.

Ngân hàng nội đang có không ít lợi thế so với các ngân hàng ngoại. (Ảnh minh hoạ: VNN)

Bên cạnh đó, ngân hàng ngoại còn có  không ít lợi thế như hạ tầng dịch vụ hơn hẳn, dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp...  Quan trọng hơn nữa, đó là khả năng kết nối với mạng lưới rộng khắp trên nhiều nước của ngân hàng ngoại.

Cũng không thể không nhắc đến lợi thế của ngân hàng ngoại trong việc điều chỉnh chính sách nhanh nhạy, kịp thời và uyển chuyển. Ví dụ, có ngân hàng trong nước hiện vẫn khá bảo thủ giữ hạn mức cho vay tín chấp đối với cán bộ, viên chức dưới 200 triệu đồng/người. Lẽ ra, ngân hàng cần linh hoạt đối với từng trường hợp cụ thể, thay vì áp dụng chính sách cứng nhắc trên cả một vùng rộng lớn.

Xét ở thời điểm hiện tại, sự dịch chuyển khách hàng từ một ngân hàng này sang ngân hàng khác - trong đó có ngân hàng ngoại - hiện vẫn không nhiều. Lo ngại về sự hao hụt thị phần của các ngân hàng nội trước sức ép của ngân hàng ngoại chưa phải quá đáng sợ.

Các ngân hàng thường có thói quen cho vay đối với các khách hàng truyền thống theo tập quán chọn mặt gửi vàng. Mặt khác, những khách hàng chung thủy thường không bỗng dưng bỏ ngân hàng lâu năm ra đi. Chỉ có những khách hàng không thoả mãn nhu cầu khi làm việc với các ngân hàng nội, họ mới tìm đến với ngân hàng ngoại.

Nhà băng nội vẫn sẵn “muối vừng”

Tổng giám đốc một tập đoàn từng đi vay ngân hàng ngoại cho biết, nếu được ngân hàng ngoại xếp bậc 1, DN có thể được vay với lãi suất còn thấp hơn cả vay ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, sự tiếp cận của các DN trong nước còn rất hạn chế vì nhiều lý do.

Trong số những lợi thế để ngân hàng nội bảo vệ “sân nhà”, có cả những điểm không hẳn là tích cực. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, đến với ngân hàng ngoại, khách hàng sẽ không thể dùng giao dịch không chính thức hay luồn lách để vay vốn. Bàn chuyện vay vốn bên bàn nhậu là điều rất khó có kết quả nếu bên cho vay là ngân hàng ngoại.

nganhangnoi1

Để hạn chế tốt nhất trước sức ép cạnh tranh ngân hàng nội cần một tầm nhìn xa.(Ảnh minh họa: VNN)

Ngân hàng ngoại đề ra những yêu cầu đối với khách hàng vay rất chặt chẽ, chuyên nghiệp. Những yêu cầu này có thể dễ dàng đối với các DN và khách hàng truyền thống của họ, nhưng lại có thể trở nên cực kỳ cứng nhắc và khó áp dụng đối với những khách hàng mới, là các DN và cá nhân ở Việt Nam.

Ví dụ, nguyên tắc của các ngân hàng nước ngoài đối với DN đi vay là phải có các giao dịch và báo cáo tài chính minh bạch theo thông lệ kinh doanh quốc tế, DN phải được kiểm toán độc lập… Rất nhiều DN Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu bắt buộc đó, đồng nghĩa với việc hồ sơ xin vay bị loại.

Một lợi thế tích cực của ngân hàng nội là mạng lưới chi nhánh rộng khắp, đã “len lỏi” vào từng địa bàn dân cư từ rất lâu, rất quen thuộc với phần đông khách hàng. Thị phần và phân khúc khách hàng của các nhà băng nội đã được xác lập. Trong khi các ngân hàng ngoại còn rất nhiều tính toán để phát triển từng chi nhánh.  

Khoảng cách về lợi thế đang thu hẹp

Khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nhân sự của các ngân hàng nội có sự phát triển tốt, nhờ sự giao thoa với các định chế tài chính trong và ngoài nước, xu thế cạnh tranh phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ tài chính. Môi trường hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước ngày càng được cải thiện về nhiều mặt, nên việc thu hút nhân sự của các ngân hàng nước ngoài không còn dễ dàng nữa.

Trong các năm qua, sự tăng trưởng vượt bậc của các ngân hàng nội rất đáng khích lệ trên nhiều mặt, về qui mô, quản trị, hạ tầng công nghệ, khách hàng, sản phẩm dịch vụ… hoạt động ngân hàng đang đi đúng hướng và dần bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế. Đã có không ít những ngân hàng Việt Nam được các tổ chức có uy tín nước ngoài công nhận về chất lượng.

Nếu các ngân hàng nội có tầm nhìn xa, kịp thời có các điều chỉnh về quản trị rủi ro, sản phẩm mới… nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh hơn nữa, chưa thể nói ai sẽ là thách thức trên thị trường.

Theo Gia Huy