VN-Index giảm thêm 4% xuống sát 430 điểm
Các Website khác - 06/10/2008

Cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới đang mạnh dần tại châu Âu và có khả năng ảnh hưởng tới một số ngân hàng tại châu Á đã khiến chứng khoán trong khu vực giảm mạnh cho dù Mỹ đã thông qua kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm

Mở đầu phiên giao dịch đầu tuần mới sáng 6/10, tất cả các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Á đã đồng loạt tụt giảm mạnh do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán cổ phiếu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đã lan sang châu Âu và đang mạnh dẫn lên với việc một loạt các ngân hàng lớn phải nhờ tới sự cứu viện của chính phủ các nước và các tập đoàn tài chính khác.

Vào lúc 10h43 sáng nay 6/10 (giờ Tokyo), chỉ số châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley Capital International (MSCI) giảm 2,8%, xuống còn 101,68 điểm - mức thấp nhất kể từ 27/7/2005.

Trước đó, chỉ số Standard & Poor’s 500 Index của Mỹ đã giảm 1,6%, trong khi đồng euro giảm 0,9% so với USD xuống chỉ còn 1 euro = 1,3642 USD.

Tính tới 10h30 sáng nay 6/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm 393,81% xuống 10.544,33 điểm.

Tất cả các thị trường chứng khoán châu Á chủ chốt khác đều mất điểm.

Các chỉ số của Hang Seng của Hong Kong, Singapore Straits Times của Singapore và chỉ số Topix tầm rộng tại Nhật tính tới 10h30 (giờ Việt Nam) cũng đồng loạt giảm rất mạnh, tương ứng 2,74%; 2,57% và 4,05%.

Tất cả các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Á đã đồng loạt tụt giảm mạnh do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán cổ phiếu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đã lan sang châu Âu. (Ảnh: LAD)

Các chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc, Australia và Đài Loan cũng đều giảm trên 3%.

Tại Việt Nam, các chỉ số chứng khoán của hai Sàn Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội cũng giảm mạnh.

HOSE: VN-Index giảm xuống sát 430 điểm

Kết thúc phiên giao dịch 6/10, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 18,43 điểm (tương đương giảm 4,07%) xuống 433,71 điểm.

Trong tổng số 160 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 10 mã tăng giá (trong đó có 3 mã tăng kịch trần), 145 mã giảm giá (trong đó có 114 giảm kịch sàn), 7 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 6/10 tăng lên 14,3 triệu đơn vị, trị giá 490,3 tỷ đồng (so với 10,4 triệu đơn vị và 356,2 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: NHC của Gạch ngói Nhị Hiệp (tăng trần 2.300 đồng lên 48.300 đồng/cp); PAC của Pin ắc quy miền Nam (tăng 1.800 đồng lên 44.800 đồng/cp); BTC của CTCP Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu (tăng 1.300 đồng lên 32.000 đồng/cp); CNT của CTCP Xây dựng và Kinh doanh vật tư C&T (tăng trần 900 đồng lên 20.000 đồng/cp); BBT của Bông Bạch Tuyết (tăng trần 200 đồng lên 6.100 đồng/cp).

Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: DHG của Dược Hậu Giang (giảm sàn 6.000 đồng xuống 125.000 đồng/cp); TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh và BMC của Khoáng sản Bình Định cùng giảm sàn 5.000 đồng xuống tương ứng 103.000 đồng/cp và 114.000 đồng/cp; 5 cổ phiếu lớn VIC, SJS, PVD, IMP và FPT cùng giảm sàn 4.500 đồng xuống tương ứng 90.500 đồng/cp, 86.000 đồng/cp, 87.500 đồng/cp, 91.500 đồng/cp và 87.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (2,52 triệu cổ phiếu); DPM của Đạm Phú Mỹ (0,84 triệu cổ phiếu); HPG của Hoà Phát (0,71 triệu cổ phiếu); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (với 0,60 triệu cổ phiếu); SAM của CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (0,53 triệu cổ phiếu).

Sàn Hà Nội: HASTC-Index giảm gần 6%

Kết thúc phiên giao dịch sáng 6/10, chỉ số HASTC-Index giảm 8,64 điểm (tương đương giảm 5,68%) xuống 143,38 điểm.

Khối lượng giao dịch thành công sáng nay đứng ở mức 8,3 triệu đơn vị, trị giá 274,1 tỷ đồng (so với 7,7 triệu đơn vị và 275,7 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 153 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 12 mã tăng giá, 133 mã giảm giá, 3 mã đứng giá và 5 mã không có giao dịch.

Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: CCM của Xi măng Cần Thơ (tăng 3.100 đồng lên 49.300 đồng); TJC của Dịch vụ Vận tải và Thương mại (tăng 1.700 đồng lên 29.900 đồng/cp); VC3 của Xây dựng số 3 (tăng 1.300 đồng lên 23.200 đồng/cp); VBH của Điện tử Bình Hòa (tăng 1.000 đồng lên 15.300 đồng); DST của Sách Thiết bị Giáo dục Nam Định (tăng 700 đồng lên 13.900 đồng).

Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: RCL của Địa ốc Chợ Lớn (giảm 3.400 đồng xuống 46.500 đồng); 3 cổ phiếu YSC của Hapaco Yên Sơn, SDA của SIMCO Sông Đà và VDL của Thực phẩm Lâm Đồng cùng giảm 2.900 đồng xuống tương ứng 39.100 đồng/cp, 39.200 đồng/cp và 39.300 đồng/cp; SDY của Xi măng Sông Đà Yaly (giảm 1.700 đồng xuống 22.600 đồng/cp).

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 0,99 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là KLS của Chứng khoán Kim Long (0,78 triệu đơn vị); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,77 triệu đơn vị); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,46 triệu đơn vị); TJC của Dịch vụ Vận tải và Thương mại (0,34 triệu đơn vị).

Theo Hà Linh