Vực dậy thị trường nội địa có dễ?
Câu lạc bộ (CLB) Hàng VN chất lượng cao (HVNCLC) vừa đề xuất lên Bộ Công thương chương trình nhằm thúc đẩy bán hàng tại thị trường nội địa. Để vực dậy thị trường này, bà Vũ Kim Hạnh - chủ nhiệm CLB - cho rằng phải rà soát, nghiên cứu nghiêm túc thị trường nội địa lâu nay bị bỏ quên…
Bà Vũ Kim Hạnh -Ảnh: N.C.T.
*12 năm đeo đuổi chương trình HVNCLC cũng là chừng ấy năm lăn lộn với thị trường nội địa, đa số doanh nghiệp (DN) VN hiện nay vẫn chưa thành công trong cạnh tranh ngay trên thị trường của mình. Theo bà, họ còn thiếu và yếu gì?
- Chương trình HVNCLC tạo nên một tập hợp hơn 100 thương hiệu mạnh đã đứng vững trong sự lựa chọn của người tiêu dùng suốt 12 năm qua và hơn 800 DN từng được bình chọn, nhưng chừng ấy là chưa đủ cho một thị trường mở có 85 triệu dân. Từ trước đến nay, thói quen chỉ trọng sản xuất, ít chú tâm chăm lo hệ thống phân phối đã khiến DN Việt gặp nhiều khó khăn lúng túng khi nền kinh tế ngày càng mở, thị trường nội địa của chúng ta ngày càng là bãi chiến trường khốc liệt của tất cả thương hiệu có tiếng trên thế giới. Dù hàng Việt tiến nhanh trong cuộc cạnh tranh về chất lượng, nhưng cuộc cạnh tranh những khâu khác trong chuỗi gíá trị càng lộ rõ thế yếu của hàng Việt.
* “Làm sao đẩy mạnh bán hàng VN trên thị trường nội địa” gần đây đã trở thành đề tài nóng bỏng không chỉ của DN mà cả trên bàn nghị sự của Chính phủ. Kế hoạch hỗ trợ DN của Câu lạc bộ HVNCLC tới đây ra sao?
- Tại hội thảo “Đẩy mạnh bán hàng Việt trên thị trường nội địa”, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã công bố ý kiến Bộ Công thương ủng hộ và bảo trợ các đề xuất của Câu lạc bộ HVNCLC và yêu cầu chúng tôi cụ thể hóa hơn nữa thành một bản đề xuất cụ thể các chương trình hành động có quy mô toàn quốc. Đề cương của chúng tôi đóng góp một phần vào chương trình kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ.
Đề cương có bốn tuyến nội dung chính: tổ chức nghiên cứu thị trường về tình hình mạng lưới phân phối các ngành hàng, trước mắt tập trung ba ngành hàng quan trọng nhất trong nhu cầu thiết yếu: thực phẩm (tươi và chế biến), thời trang và gia dụng cùng tâm lý, hành vi người tiêu dùng đối với các ngành hàng này; tổ chức các hình thức, cơ hội quảng bá và bán hàng VN (hàng nông sản và công nghiệp) trên các miền, đặc biệt chú ý thị trường nông thôn; nâng cao khả năng tổ chức hệ thống phân phối của DN và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và truyền thông mạnh hơn về nỗ lực của DN, cổ vũ thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận sử dụng hàng Việt.
Tất cả đặt trên nền chính sách của Chính phủ kích cầu tiêu dùng hàng VN trên thị trường nội địa. Và phải là sự hợp lực của nhiều tổ chức DN và người tiêu dùng.
|
Muốn đứng được tại thị trường nội địa phải khai thác thị trường nông thôn. Trong ảnh: gia đình chị Trương Thị Lợi, xã (biên giới) Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, chọn mua sản phẩm bánh Kinh Đô trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009 -Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
* Cụ thể hơn là...
"Không chỉ VN, các nước đều kêu gọi ủng hộ hàng nội, bảo vệ việc làm cho công nhân. Tôi hi vọng nhiều vào các bạn trẻ. Tôi mừng vì Thành đoàn TP.HCM đã mời CLB cùng tổ chức các chương trình thảo luận” Thế nào là người tiêu dùng sành điệu?”, hay chuẩn bị lập Câu lạc bộ “Chúng tôi là đại sứ hàng Việt”. Các bạn trẻ hiểu quyền năng của mình và tôi tin nếu Nhà nước cùng DN nói rõ nhu cầu bảo vệ nền sản xuất, nền kinh tế của mình ngay từ việc tiêu dùng hằng ngày thì các bạn trẻ sẽ chịu đối thoại và suy nghĩ, lựa chọn tích cực." Bà Vũ Kim Hạnh |
- Hoạt động nghiên cứu thị trường khó khăn và tốn kém, chúng tôi đã và đang thuyết phục và tổ chức lực lượng chuyên nghiệp tham gia. Chuỗi hội chợ HVNCLC được nâng cấp với sáu chương trình hỗ trợ bán hàng cho DN. Hai hội chợ nông sản cấp vùng tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô lớn được tổ chức giúp bán sỉ và lẻ nông sản từ các vùng nông thôn.
Cái khác cơ bản của hội chợ này là trước hội chợ từ 5-6 tháng, nhà xúc tiến và Nhà nước đã chọn ra các mặt hàng cần tập trung hỗ trợ để giúp xây dựng thương hiệu cùng kỹ năng bán hàng, và hội chợ là nơi trực tiếp kết nối với các hệ thống phân phối. Chợ hàng công nghệ phẩm là chuỗi chợ phiên cuối tuần tại các tỉnh, thành phố giúp DN trực tiếp tiếp cận từng vùng thị trường mới.
* Bà thường nhắc thị trường nông thôn. Tại sao và sẽ như thế nào đây?
- Hơn 70% người tiêu dùng VN đang ở nông thôn. Người thành thị hiện nay không ít cũng vừa tạm rời cái gốc nông thôn. Ôm cái gốc này là bám rễ và đứng vững lâu dài. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư cho thị trường nông thôn từ lâu. Những gói dầu gội với giá 500đ/gói đã đánh bại bồ kết, bông bưởi. Tổ chức mạng lưới tiêu thụ hàng nội địa có thương hiệu, giá mềm ở nông thôn là chuyện cực khó mà DN VN nếu đi riêng lẻ chắc chắn sẽ e ngại bởi không thể trường vốn, chịu lỗ dài dài như tập đoàn đa quốc gia.
Chỗ này không có Nhà nước chắc chắn không xong. Hai bên DN và Nhà nước sẽ cùng đầu tư cho thị trường này. Những CLB như HVNCLC, hiệp hội lương thực thực phẩm… phải đổ công sức nhiều lắm cùng DN và cùng phải thật kiên trì. Ngày 9-3-2009, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn bán hàng nông thôn đầu tiên ở An Giang, sau đó tiếp tục nhiều nơi…
* Nhưng DN nhiều khi cũng không tin lắm các kiểu xúc tiến theo phong trào?
- Hiểu DN không dễ, vì họ có thật sự tin mình thì mới chia sẻ mọi ưu tư, khó khăn và đặt ra yêu cầu. Chương trình HVNCLC đã trải qua thử thách hơn 12 năm và không chỉ có DN, một đội ngũ chuyên gia là những người hành động thực tiễn từ các tổ chúc xúc tiến quốc tế, công ty đa quốc gia cũng đã gắn bó với CLB chừng ấy năm. Yêu cầu của DN được phân tích và đưa ra các giải pháp chuyên nghiệp, hiệu quả. Không đồng hành cùng DN và các chuyên gia thì không thấy gì để đề xuất và tổ chức thực hiện.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Thuế chưa tăng, giá sữa đã rậm rịch “leo thang” (20/02/2009)
▪ Việt Nam xuất siêu hơn 400 triệu USD (20/02/2009)
▪ Tư vấn gia đìnhHàng điện tử, điện lạnh: Tháng 3 tiếp tục giảm giá (20/02/2009)
▪ Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Mười lăm năm ấy… (20/02/2009)
▪ Bông Bạch Tuyết bãi nhiệm 4 thành viên HĐQT (20/02/2009)
▪ Giá vàng giảm nhẹ, USD 'chợ đen' tiến sát 18.000 đồng (20/02/2009)
▪ 'Thời điểm này rất tốt để đầu tư địa ốc' (20/02/2009)
▪ USD đang ở đâu mà khan hiếm? (19/02/2009)
▪ Mở rộng cửa bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp (19/02/2009)
▪ Địa ốc vẫn khó vay vốn ngân hàng (19/02/2009)