Và mảnh đất bời bời cát trắng có tên Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi được chọn làm người lính tiên phong cho một nền công nghiệp còn quá mới mẻ này đối với Việt Nam.
Đánh thức vùng cát
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát Dung Quất và Vạn Tường năm 1994. |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thị sát vịnh Dung Quất bằng tàu biển và trực tiếp nghe các nhà khoa học nói về lợi thế của vịnh nước sâu này khi dùng nó làm nơi nhập và xuất dầu cũng như hình thành một hệ thống cảng biển, phục vụ cho cả khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Ông cũng đã cuốc bộ trên những ngọn đồi bát úp đầy sim mua của vùng Vạn Tường - nơi sẽ được chọn để xây dựng một thành phố kiểu mẫu trong tương lai.
Sau chuyến thị sát ấy, năm 1994, Chính phủ đã có quyết định thành lập Khu kinh tế Dung Quất (lúc đầu gọi là khu công nghiệp Dung Quất) trong đó có khu lọc hóa dầu. Để đi đến quyết định khó khăn ấy, hẳn Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Chính phủ đã “nghe từ nhiều phía” về những lợi ích cũng như những bất lợi khi chọn Dung Quất làm trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam.
Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng như “mở cờ trong bụng” khi nghe công bố quyết định này. Nhiều nhà văn “thừa chữ” đã ví chuyến đi của ông Sáu Dân về Dung Quất như chàng hoàng tử đánh thức nàng tiên ngủ vùi trong quên lãng. Nhưng những lạc quan của hàng triệu người miền Trung về những dòng dầu đầu tiên sẽ được xuất xưởng tại Dung Quất vào năm đầu tiên của thế kỷ này đã tan như bọt xà phòng sau bao nhiêu tranh biện, trên báo chí có mà trong nghị trường cũng có.
Quốc hội đã dành không ít thời gian để bàn về dự án với số vốn khổng lồ này. Cuối cùng rồi Dung Quất vẫn là sự chọn lựa số 1 để hình thành trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam. Vùng cát trắng ấy đã được đánh thức khi Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu vào đầu năm 1998.
Đặt lên để xuống
![]() |
Phao rót dầu không bến - nơi rót dầu thô vào nhà máy. Ảnh: T.Đ |
Nên nhớ lại điều này: Lúc Việt Nam chuẩn bị triển khai dự án xây dựng nhà máy lọc dầu thì cũng là thời điểm mà cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á đang vào hồi khốc liệt nhất. Vì vậy, “bớt” được 200 triệu USD là mừng, nhưng cái giá của việc “bớt” ấy, sau này chúng ta đã phải trả quá đắt! Sở dĩ có chuyện “bớt” ấy là sản phẩm của nhà máy không phải xăng A90 hay A92 mà là xăng A83.
Liên doanh vừa ký xong, hàng trăm chuyên gia ngành lọc hóa dầu người Nga cùng vợ con của họ đã có mặt tại Quảng Ngãi. Họ “bao sân” luôn cả cái khách sạn to thứ hai tại tỉnh này - Khách sạn Sông Trà - để làm nhà ở. Dù chưa thấy hình dáng của nhà máy lọc dầu thế nào nhưng lương mà số chuyên gia này nhận được từ dự án 1,3 tỷ USD kia là không thể tưởng tượng nổi.
Suốt 3-4 năm, những thành viên trong liên doanh đã “cãi chày cãi cối” không ngớt xung quanh việc chọn công nghệ và nhà thầu cùng nhiều thứ “chọn” khác để cuối cùng phải chia tay vào năm 2004. Chính hình thức liên doanh 50-50 này mà chẳng ai chịu ai, cứ đặt lên để xuống trong từng việc.
Chia tay với Nga, dù đau đớn nhưng rất cần thiết cho Việt Nam. Chúng ta cũng đã “thuộc bài” sau khi phải trả một mức học phí không nhỏ cho chuyện làm ăn, hữu nghị không ra hữu nghị mà buôn bán cũng chẳng ra buôn bán này.
Không “chơi” với Nga nên cũng chẳng “chơi” với một nước nào nữa, Việt Nam đã tự đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu. Khi ta đã tự đầu tư thì số vốn không chỉ 1,3 tỷ USD nữa mà là 2,5 tỷ USD do phải mở thêm 2 phân xưởng công nghệ để sản xuất loại xăng mà cả thế giới đang dùng. Sau này có người nói rằng, trong cái rủi lại có cái may, vì nếu như thuận buồm xuôi gió với Nga, giờ nhà máy lọc dầu sản xuất ra xăng A83 thì chỉ có... chết!
Khó khăn chưa phải hết nhưng ngân sách lại phải bỏ ra thêm 1 tỷ USD nữa để làm lọc dầu. Lại phải giải trình trước Quốc hội, lại bàn ra tán vào. Trên nghị trường, có những tiếng nói đồng thuận nhưng cũng có ý kiến phản biện chung quanh việc chi thêm 1 tỷ USD và có nên tiếp tục chọn Dung Quất nữa hay chuyển đi nơi khác. Lại đặt lên rồi để xuống, cuối cùng, Dung Quất vẫn là bến đỗ yên hàn nhất cho dự án có số vốn khổng lồ này.
Marathon
Sau những cân nhắc cần thiết, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chọn Tập đoàn Technip làm nhà thầu chính để xây dựng nhà máy lọc dầu. Lần đầu tiên tại một công trình mang tầm quốc gia như nhà máy lọc dầu Dung Quất, Việt Nam đã làm “ông chủ” thuê người nước ngoài làm việc cho mình! Nhưng “người làm thuê” ấy lại là người thầy của ngành dầu khí nói chung và của trên một vạn kỹ sư và công nhân của Việt Nam sau 44 tháng hợp tác với họ.
Để có dầu mang nhãn Made in Vietnam, trên 1 vạn người gồm đủ quốc tịch và màu da đã phải chạy marathon suốt 1.320 ngày qua tại Dung Quất, kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh “khởi công lại” hồi cuối tháng 11/2005. Chưa có công trình nào ở miền Trung, cho đến thời điểm này, mà số vốn đầu tư lên đến trên 42.000 tỷ đồng như Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với số vốn trên, tỉnh Quảng Ngãi phải thu thuế trong vòng... nửa thế kỷ! (tính thời điểm năm 2005).
Cũng chưa có một công trình nào mà tháng nào cũng đón Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ vào kiểm tra tình hình như nhà máy lọc dầu Dung Quất. “Giao ban nóng” là cụm từ vẫn thường nghe tại công trường bụi mù gió cuốn quanh năm này. Không “nóng” sao được khi mà có những thời điểm, tất cả các gói thầu đều chậm tiến độ so với dự kiến hàng vài tháng trời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói với lãnh đạo các nhà thầu phụ là người Việt Nam tại công trường: “Đây không chỉ là công trình trọng điểm của đất nước mà còn là danh dự quốc gia. Chúng ta đã hứa trước toàn dân trên diễn đàn của Quốc hội rồi. Các đồng chí phải ý thức được điều đó trong mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi việc làm cụ thể của mình tại công trường”.
Sốt ruột đến mức, Ban Quản lý dự án đã phải lắp tại cổng nhà máy chiếc đồng hồ đếm ngược để nhắc nhở mọi người từng ngày! Và đến hôm nay, sau 44 tháng marathon trên con đường gập ghềnh khổ ải, “con tàu lọc dầu” đã gióng hồi còi báo hiệu đỗ bến bình yên khi các chuyên gia thông báo: Các thông số kỹ thuật đã an toàn sau khi cho dầu thô vào lọc.
Lan tỏa
Ông P.K.Sing, đại diện cho lãnh đạo Tập đoàn Technip, đã làm một thống kê thú vị: Nhà máy này rộng đến 200ha, bằng 200 sân bóng đá, hơn 100.000 tấn vật tư, tương đương với 10.000 chiếc xe bus cỡ lớn, trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ căng từ Hà Nội đến TPHCM và ngược lại, gần 17.000 tấn thép, đủ để xây 2 tháp Eiffell của Pháp ở Paris!
Nhưng những “kỷ lục” trên sẽ vô nghĩa biết bao nếu nhà máy này không trở thành động lực chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả miền Trung và cho đất nước. Khi đi vào vận hành với 100% công suất, tức 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, nhà máy sẽ đáp ứng được 30% nhu cầu nhiên liệu của thị trường Việt Nam. Dù nhà máy chưa chính thức vận hành nhưng Tập đoàn Dầu khí đã có kế hoạch nâng công suất lên 10 triệu tấn dầu thô/ năm.
Trong chuyến thị sát nhằm giúp đỡ các tỉnh trong vùng trọng điểm miền Trung mới đây, lãnh đạo tập đoàn JAICA, nhà tư vấn hàng đầu của Nhật Bản cũng vẫn xác định, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là trung tâm để kích hoạt cho cả miền Trung bật dậy. Sức lan tỏa của nhà máy không chỉ dừng lại ở Quảng Ngãi hoặc một vài tỉnh lân cận mà cho cả vùng đất khó nghèo này.
Nhưng, cái mà dự án này mang lại không chỉ là những điều vừa kể, hàng ngàn kỹ sư và công nhân Việt Nam đã vụt lớn lên từ dự án này sau khi đã trả học phí qua 44 tháng lăn lộn với công trường cùng những chuyên gia hàng đầu về ngành xây dựng dầu khí của Tập đoàn Technip. Còn với người dân Bình Sơn, quê hương của những chú gà “chuyên mang dép lốp” từ nay không chỉ thấy có cát trắng bời bời mà còn tận mắt nhìn thấy những bể dầu, những tháp tách cao vút giữa trời xanh.
Theo Giadinh.net
▪ Thuế chưa tăng, giá sữa đã rậm rịch “leo thang” (20/02/2009)
▪ Việt Nam xuất siêu hơn 400 triệu USD (20/02/2009)
▪ Tư vấn gia đìnhHàng điện tử, điện lạnh: Tháng 3 tiếp tục giảm giá (20/02/2009)
▪ Bông Bạch Tuyết bãi nhiệm 4 thành viên HĐQT (20/02/2009)
▪ Giá vàng giảm nhẹ, USD 'chợ đen' tiến sát 18.000 đồng (20/02/2009)
▪ 'Thời điểm này rất tốt để đầu tư địa ốc' (20/02/2009)
▪ Khoảng trống thị trường nội địa (20/02/2009)
▪ USD đang ở đâu mà khan hiếm? (19/02/2009)
▪ Mở rộng cửa bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp (19/02/2009)
▪ Địa ốc vẫn khó vay vốn ngân hàng (19/02/2009)