Không thể trông chờ nguồn vốn BOT
Các Website khác - 06/01/2006

Đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng):

Không thể trông chờ nguồn vốn BOT

Theo kế hoạch, công trình quốc gia đường cao tốc nói trên sẽ được triển khai thi công ngay từ đầu năm 2006 để đến năm 2010 hoàn thành một cách cơ bản, nhưng thực tế khó thực hiện đúng tiến độ vì kế hoạch huy động nguồn vốn để thi công dựa vào hình thức BOT đã gần như bị phá sản.

Quốc lộ 20 nối Lâm Đồng và Đồng
Nai sẽ được xây dựng thành đường
cao tốc 4 làn xe trong tương lai.

Công trình trọng điểm
Cuối năm 2003, công trình đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương bắt đầu "rục rịch" việc tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước, và hình thức đầu tư được đưa ra là xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) là chính.

Theo thiết kế, công trình có chiều dài 189km, thuộc đường cao tốc loại A, mặt cắt ngang 27m với 4 làn xe; có tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2005, dự án nghiên cứu tiền khả thi đã được nhà tư vấn trong nước hoàn thành nhưng chờ đợi đến hết năm 2005, cơ quan chủ quản đành thừa nhận: Do dự án có tổng mức đầu tư lớn, nên việc tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án theo hình thức BOT như dự kiến ban đầu sẽ khó khăn và sẽ kéo dài thời gian triển khai dự án.

Trong khi đó, mục tiêu của công trình được đặt ra là: "Tăng cường sự hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên, tạo điều kiện để khai thác tiềm năng du lịch ở Đà Lạt và vùng phụ cận, tạo điều kiện tiếp cận giữa tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia với cảng Vũng Tàu của Việt Nam".

Cần có hướng mở mới
Ông Hứa Văn Tuấn - GĐ Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng - cho biết: "Ngành giao thông cùng lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã đưa ra một giải pháp mới: Huy động các nguồn vốn ODA, GMS và PPP".

Ngay từ tháng 9.2005, vấn đề vay vốn ODA đã được đặt ra bằng văn bản số 4653/TT-UBND của UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai trình thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thủ tục gọi vốn ODA (chủ yếu là vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản) để đầu tư dự án.

Một hướng mở khác là khả năng của nguồn vốn tiểu vùng sông MêKông mở rộng (GMS). Ông Hứa Văn Tuấn cho biết: "Lâm Đồng với những chương trình phát triển cụ thể của mình, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí phát triển của các dự án GMS; nên đây là cơ hội để tỉnh trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình này".

Gần Lâm Đồng nhất là dự án đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây dài 55km với tổng vốn 350 triệu USD được hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) của GMS đang được triển khai bước đầu. Bởi vậy, việc "nối dài" con đường của GMS từ Long Thành (Đồng Nai) lên Liên Khương (Lâm Đồng) là một việc làm phù hợp với mục tiêu đặt ra của GMS (nghĩa là thay vì dừng lại ở Dầu Giây, Việt Nam đề nghị GMS kéo dài lên đến Liên Khương).

Và, cùng với nguồn vốn trên, một hình thức kêu gọi vốn đầu tư nữa được đặt ra trong lúc này: Đầu tư theo hình thức tư nhân hợp tác với Chính phủ (PPP - Private Public Partneship).

Vẫn theo ông Hứa Văn Tuấn: Vì hiện đang có nhà đầu tư Nhật Bản dự định đầu tư vào khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng (Đà Lạt, Lâm Đồng) nên đề nghị họ tham gia đầu tư vào công trình cao tốc DG - LK nhằm phát huy tối đa lợi ích của khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng cũng là điều hợp lý.

Khắc Dũng