Lại bệnh phong trào
Các Website khác - 13/12/2005

Lại bệnh phong trào
Lê Như Giang

Có thể nói, nuôi dê phát triển nhanh ở ĐBSCL từ sau đại dịch cúm gia cầm. Phát triển vào loại mạnh nhất là Tiền Giang, với đàn dê lên đến xấp xỉ 20.000 con vào năm 2004. Rồi loại vật dễ nuôi, hầu như không tốn chi phí thức ăn này bắt đầu được nuôi nhiều ở Vĩnh Long, Bạc Liêu... với số lượng 3.000 - 4.000 con/địa phương.

Giá dê giống thời điểm năm 2003 - 2004 vọt lên 4 triệu đồng/con khoảng 10kg. Mức giá mà người nuôi nói rằng một vốn đến 6-7 lời! Sau cơn "sốt", năm 2005, giá dê giống bắt đầu sụt, chỉ còn bằng 50% so với năm 2004.

Kiểu nuôi theo phong trào rất dễ thất bại, do không tính toán đầy đủ các yếu tố; nhất là "đầu ra". Ấy vậy nhưng vẫn diễn ra tình trạng tỉnh này nuôi thì tỉnh khác cũng... nối gót. Không chỉ có nông dân tự "thọc chân vào tròng", mà ngay cả chính quyền cũng "vướng" vào.

Điển hình như Uỷ ban Nhân dân huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), năm 2003 đầu tư trên 600 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ chính sách nuôi dê. Song dự án này không mang lại hiệu quả vì nhiều nguyên nhân; trong đó đáng nói là điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương không thích hợp với vật nuôi này. Hoặc như con bò đang được khá nhiều địa phương ở ĐBSCL phát triển, trở thành một trong những vật nuôi chính như An Giang, Trà Vinh..., song vấn đề thiếu cỏ ngày càng trở nên gay gắt.

Hiện nay, ếch Thái Lan, thỏ cũng đang là những vật nuôi mới bắt đầu được nuôi ngày càng nhiều ở ĐBSCL. Tuy nhiên, nếu địa phương nào cũng "nhảy" vào, nhà nào cũng "rước" con giống về nhà, vì thấy người nuôi bán con giống đang làm ăn phát đạt, thì những vật nuôi mới này sẽ lại đối mặt với vấn đề đầu ra!