Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa mô hình Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước vào vận hành theo đúng tiến độ (đầu năm 2006). Tuy nhiên, chưa ai biết chắc khả năng kinh doanh đồng vốn Nhà nước có hiệu quả của siêu tổng công ty đến đâu.
![]() |
Đồng vốn sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. |
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) sẽ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập.
Sau đó, SCIC sẽ được đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực kinh tế trong nước và nước ngoài mà Nhà nước cần chi phối để thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần với các doanh nghiệp khác hoặc đầu tư mua một phần tài sản hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác... Công ty có tổng vốn điều lệ ban đầu là 5.000 tỷ đồng và sẽ được bổ sung dần trong quá trình hoạt động của những năm tiếp theo. Trong đó, 1.000 tỷ đồng vốn ban đầu sẽ do ngân sách nhà nước cấp.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sự ra đời của SCIC sẽ làm cho việc quản lý phần vốn của Nhà nước hiện đang nằm rải rác ở các công ty cổ phần, các doanh nghiệp Nhà nước độc lập có hiệu quả hơn. Mặt khác, SCIC sẽ dùng nguồn vốn của mình đầu tư vào những lĩnh vực đang cần số vốn lớn hoặc trước mắt chưa có lãi, để “hút” các thành phần kinh tế khác tham gia. Chẳng hạn, SCIC sẽ thu xếp để cùng Tổng công ty Điện lực Việt Nam thành lập một công ty cổ phần mới xây dựng nhà máy điện, thay vì tổng công ty phải đi vay vốn nước ngoài để làm. Cách làm tương tự cũng được áp dụng đối với các ngành như xi măng, xây dựng cảng biển, dựa trên tiêu chí hiệu quả.
Tuy nhiên, việc đưa bộ máy siêu tổng công ty này đi vào vận hành và nó mang lại hiệu quả thực sự như mong đợi hay không theo một số chuyên gia kinh tế thì đây vẫn còn là một ẩn số.
Ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Doanh nghiệp, Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, SCIC là mô hình tổng công ty được nhiều nước trên thế giới áp dụng cách đây nhiều năm và đã đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc có áp dụng thành công ở VN hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khác, từ chiến lược đầu tư kinh doanh đến tổ chức bộ máy nhân sự. "SCIC chỉ có thể đảm trách tốt công việc nếu ngay từ đầu, chúng ta tổ chức được bộ máy quản lý hiệu quả và thủ lĩnh phải là người có năng lực thực sự. Nếu không quản lý tốt, tổng công ty này vô hình chung lại trở thành một cấp quản lý nữa của doanh nghiệp Nhà nước", ông Cường nhận xét.
Ông Trần Tiến Cường băn khoăn, nếu không có các chính sách phù hợp, việc đưa các doanh nghiệp độc lập về tụ họp dưới "mái nhà chung SCIC" rất có thể sẽ làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh của nhau.
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, loại doanh nghiệp đặc biệt này phải được vận hành bởi những người có đầu óc kinh doanh tốt, được đào tạo có bài bản và nhìn thấy được cơ hội đầu tư ở trong và ngoài nước. Tập đoàn Temasek Holdings được coi là điển hình của mô hình siêu tổng công ty, là sở hữu Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, có chức năng quản lý phần vốn sở hữu của Chính phủ Singapore trong các doanh nghiệp.
Temasek được coi là một “siêu” thế lực tại Singapore, đang triển khai mạnh chiến lược đầu tư vươn ra ngoài biên giới. Mô hình quản lý của tập đoàn này đang được các chuyên gia tài chính VN nghiên cứu để áp dụng vào SCIC. Tuy nhiên danh mục đầu tư của Temasek chỉ tạo lợi nhuận bình quân 1,7% năm, và thất bại trong nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Phạm Thanh Quang, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) kiêm Trưởng ban soạn thảo đề án cho biết, Ban soạn thảo đã nghiên cứu mô hình hoạt động của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hungary, Hàn Quốc. "Chúng tôi mới nghe đến những thất bại mà Temasek gặp phải và đang tiến hành kiểm chứng", ông Quang nói.
"Tất nhiên, trong quá trình hoạt động sẽ không tránh khỏi có lúc nọ lúc kia, chuyện thất bại trong một số dự án đối với Temasek là chuyện không tránh khỏi, ngay cả những tập đoàn lớn của Mỹ cũng đã từng gặp phải", ông nhấn mạnh. "Đề án SCIC được chúng tôi nghiên cứu cách đây 5 năm và được các chuyên gia tư vấn thế giới đánh giá cao. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng còn chuyện quay vòng của đồng vốn có thực sự hiệu quả trong tương lai như thế nào vấn đề còn ở phía trước".
Trong lần trao đổi gần đây với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết, bộ máy lãnh đạo của SCIC đang được Bộ Tài chính xây dựng, theo dự kiến lãnh đạo chủ chốt sẽ là những người đang làm nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp tại Cục Tài chính doanh nghiệp.
Hồng Anh
▪ Xuất khẩu chè giảm mạnh (11/08/2005)
▪ Việt Nam kết thúc đàm phán WTO với Iceland (12/08/2005)
▪ Thành lập thêm 13 KCN trên cả nước (12/08/2005)
▪ Các nhà máy của Vinashin quá tải (12/08/2005)
▪ Xây dựng khu thương mại VN tại Quảng Tây (12/08/2005)
▪ Triển lãm quốc tế về chăn nuôi và chế biến sữa 2006 (12/08/2005)
▪ Tôm rớt giá, không chỉ người nuôi điêu đứng... (12/08/2005)
▪ Ngân hàng khó kìm lãi suất (18/08/2005)
▪ Ngân hàng khó kìm lãi suất (18/08/2005)
▪ Loay hoay vận hành bộ máy siêu tổng công ty (18/08/2005)