MobiFone quyết định chuyển số sim 090xxx8888 về cho chủ cũ và coi đây là chuyện tranh chấp nội bộ giữa các cá nhân với nhau. Dù vậy, nhà cung cấp này cũng thừa nhận, đây là sơ xuất của nhân viên đã không kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển đổi hình thức sử dụng cho khách hàng.
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. (Bưu Điện) |
Chuyện tranh chấp số thuê bao 090xxx8888 xảy ra bắt đầu từ khi nhà cung cấp dịch vụ MobiFone tuyên bố bán đấu giá trên mạng. Đại lý Nghĩa Nhung ở số 65 Quang Trung, Hà Đông, Hà Tây trúng thầu và bán lại cho anh Nguyễn Hồng Sơn, hiện đang công tác tại Công ty FPT với giá 11 triệu đồng. Sau khi mua, anh Sơn hòa mạng thuê bao trả trước và bắt đầu sử dụng dịch vụ từ ngày 27/1 đến ngày 27/2 thì máy bị mất tín hiệu. Trong thời gian xảy ra sự cố này, chiếc sim điện thoại lại được qua tay hai khách hàng khác là anh Nguyễn Nguyên Ngọc và Nguyễn Thịnh Hoàn. Cả hai đều được đại lý của MobiFone xác nhận và cho phép sử dụng dịch vụ.
Trao đổi với VnExpress, Bà Lê Diễm Ngọc, Trưởng phòng chăm sóc khách hàng MobiFone khu vực I cho biết, sáng ngày 27/2, cửa hàng MobiFone Chùa Bộc đã thực hiện thay Simcard số máy cho ông Nguyễn Nguyên Ngọc sau khi yêu cầu ông xuất trình chứng minh thư, viết giấy cam kết và liệt kê một vài số đã gọi. Chiều cùng ngày, số máy trên lại được Đại lý MobiFone - Công ty TNHH Thái Quý chuyển đổi dịch vụ từ trả trước sang thuê bao trả sau mang tên khách hàng Nguyễn Thịnh Hoàn, địa chỉ tại đội 13 phường Nguyên Khê quận Đông Anh.
Tuy nhiên, ngày hôm sau (28/2), anh Nguyễn Hồng Sơn đến MobiFone khiếu nại bị mất số thuê bao 090xxx8888. Anh Sơn có mang theo vỏ hộp bộ trọn gói, Simcard gốc, phiếu thu mua tại đại lý Nghĩa Nhung ở 65 Quang Trung, Hà Đông, Hà Tây, liệt kê các thông tin sử dụng chứng minh là chủ số máy trên đến ngày 27/2 - ngày cửa hàng 191 Chùa Bộc thay Simcard cho người khác.
Bà Ngọc cho biết, khi nhận được phản ánh của anh Sơn, MobiFone đã liên hệ nhiều lần qua điện thoại với người đang sử dụng số máy 090xxx8888 nhưng người nhận không hợp tác trong việc cung cấp thông tin về việc đã mua và sử dụng số máy trên. Theo nhận định ban đầu của MobiFone, trong các số máy mà ông Nguyễn Nguyên Ngọc (người sang tên cho anh Hoàn) đã liệt kê để thay Simcard tại Cửa hàng Chùa Bộc, có 1 số máy là bạn của anh Sơn (số máy này cũng được anh Hoàn liên hệ nhiều trong quá trình sử dụng thuê bao trả sau). Như vậy, có khả năng người thay Simcard đã biết anh Sơn và đã liệt kê được một số các số máy mà đã gọi đi.
"Căn cứ vào kết quả kiểm tra nguồn gốc, lịch sử sử dụng, MobiFone xác định anh Nguyễn Hồng Sơn là khách hàng đã sử dụng dịch vụ của MobiFone và số máy 090xxx8888 được chuyển lại cho anh Sơn", bà Ngọc nói.
Không chịu cách lý giải này, anh Nguyễn Thịnh Hoàn cho rằng, việc quản lý thẻ sim là việc của nhà cung cấp dịch vụ và hơn ai hết họ biết được số nào nằm trong diện tranh chấp số nào đã được bán cho khách hàng. "Nếu thuê bao của người khác đang sử dụng tại sao đại lý vẫn chuyển đổi hình thức từ trả trước sang trả sau cho tôi. Hợp đồng tôi vẫn có trong tay, MobiFone giải thích như thế nào về việc này", anh Hoàn bức xúc nói.
Mất số sim đẹp không còn là chuyện hiếm
Việc mất số sim đẹp khi đang sử dụng của anh Nguyễn Thịnh Hoàn không là trường hợp ngoại lệ. Rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ di động phản ánh về tình trạng tương tự mà họ gặp phải. Anh Long, một khách hàng của MobiFone cho biết, cuối năm ngoái, anh bỏ ra gần 4 triệu đồng để mua số máy 090909xxxx. Do chưa có nhu cầu sử dụng nên anh tháo ra khỏi máy. Hai tháng sau, anh mới dùng thì sim bị khóa không sử dụng được mà không hiểu tại sao. "Đến tận bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc là số sim chưa dùng bao giờ và trên sim cũng không ghi thời hạn sử dụng hoặc kích hoạt vậy mà khi cài vào máy toàn hiện lên dòng chữ: "thẻ sim không đăng ký được ", anh nói.
Còn anh Nguyễn Thành, chủ nhân số thuê bao 090xxx6688 thì bức xúc trước thái độ tắc trách của nhà cung cấp dịch vụ. Anh kể, vào tháng 10/2005, anh mua số thuê bao trên với giá 3,4 triệu đồng. Tài khoản vẫn còn tiền và thời gian sử dụng khá dài nên anh không dùng ngay mà cất đi. Đến tháng 3 vừa qua, anh đưa ra dùng thử và chuyển sang thuê bao trả sau thì sim báo lỗi. Thấy nghi ngờ, anh Thành dùng máy điện thoại cố định để gọi cho chính số máy của mình thì có một người khác thưa máy. "Kể từ đấy tôi mới biết mình bị mất trắng số sim ngay trong tay mình", anh nói. Anh Thành đem hộp kít và sim ra đại lý của MobiFone để kiểm tra, nhân viên ở đại lý này thông báo người sử dụng là một phó trưởng phòng bán hàng của Công ty Thông tin di động VMS - KV1.
Khi anh Thành khiếu kiện với đại lý của MobiFone thì được hứa hẹn hết ngày này sang ngày khác. Thậm chí thấy anh gọi điện nhiều quá, nhân viên còn sẵng giọng: "Ông muốn gì, nếu thắc mắc thì đi hỏi phòng kiếu kiện".
"Tôi là khách hàng mua sim đàng hoàng, tôi bỏ tiền ra mua hàng và thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng, khi tôi gặp sự cố, kiến nghị nhà cung cấp thì không được giải đáp. Đến tận giờ này, tôi vẫn được phía MobiFone hẹn hết ngày này sang ngày khác", anh Thành bức xúc.
Anh Hiền, chủ một thuê bao của MobiFone đặt câu hỏi, tại sao số điện thoại lại được trao qua đổi lại, thậm chí biến mất một cách dễ dàng như vậy. Nếu số điện thoại bị mất một cách dễ dàng thì những thông tin mật của khách hàng, nội dung thông tin qua các cuộc thoại liệu có được đảm bảo.
Còn anh Nguyễn Thịnh Hoàn cho rằng, việc quản lý kho số là do nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng bình thường rất khó can thiệp vào hệ thống quản lý của nhà cung cấp để đánh cắp số đẹp. "Phải chăng ở đây có sự thông đồng giữa nhân viên và đại lý", anh nói.
Quản lý kho số còn lỏng lẻo
Trao đổi với VnExpress, bà Lê Diễm Ngọc khẳng định, không có sự thông đồng giữa nhân viên công ty với khách hàng bởi quy định của MobiFone rất chặt chẽ. Tất cả những nhân viên khi truy cập vào hệ thống quản lý đều phải có mật khẩu và đều được ghi lại chi tiết những hoạt động này. Nếu phát hiện cá nhân nào truy cập trái phép gây thiệt hại cho khách hàng sẽ bị cảnh cáo nặng thì bị đuổi việc.
Dù vậy, bà Ngọc cũng thừa nhận, tình trạng số sim đẹp bị đánh cắp là vấn đề gây đau đầu cho các nhà cung cấp dịch vụ. Theo bà, phần lớn những người gặp trường hợp này sử dụng hình thức thuê bao trả trước, do không bị ràng buộc bởi hợp đồng nên các thuê bao hoạt động tự do và rất khó quản lý. Quy trình đăng ký lại dịch vụ của thuê bao trả trước khá đơn giản, họ chỉ cần xuất trình chứng minh thư, liệt kê được 5 cuộc gọi cuối cùng và viết một giấy cam kết.
Bà Ngọc thừa nhận, trường hợp xảy ra đối với anh Nguyễn Thịnh Hoàn cũng một phần do sơ xuất từ phía nhân viên công ty không kiểm tra trên hệ thống nên không biết đây là thuê bao nằm trong diện tranh chấp.
"Chúng tôi rất mong anh Hoàn phối hợp với MobiFone tìm kiếm những bằng chứng đích thực để chúng tôi có biện pháp xử lý đối với người đã thực hiện thay Simcard số máy không thuộc quyền sở hữu của mình, gây thiệt hại cho khách hàng", bà Ngọc nói.
Ý kiến của bạnHồng Anh
Theo dòng sự kiện: |
▪ Khách du lịch đường biển đến VN tăng mạnh (27/03/2006)
▪ Viettel lại khuấy động thị trường viễn thông di động (27/03/2006)
▪ TP.Hồ Chí Minh: GDP tăng 9,5% trong quý I (27/03/2006)
▪ Đưa thiết bị sản xuất trong nước sang triển lãm ở Malaysia (27/03/2006)
▪ Thị trường máy tính cá nhân: Khuyến mãi nhiều, nhưng chưa giảm giá (27/03/2006)
▪ Gia cầm giảm giá, hoa quả về chợ đầu mối nhiều (27/03/2006)
▪ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao: Tập trung vào tiếp thị (27/03/2006)
▪ Cuộc bắt tay ngoạn mục tận thu vàng đen (27/03/2006)
▪ "Việt Nam hấp dẫn chúng tôi đầu tư" (27/03/2006)
▪ Việt Nam sẽ hợp thức hóa trò chơi đánh bạc (27/03/2006)