"Mất tích" cùng 9,3 tỉ đồng thuế xuất nhập khẩu
Các Website khác - 03/01/2006
"Mất tích" cùng 9,3 tỉ đồng thuế xuất nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), hiện có khoảng 3.600 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) nợ khoảng 2.700 tỉ đồng tiền thuế. Trong đó, nhiều DN đã "biến mất" cùng hàng tỉ đồng tiền thuế mà hải quan (HQ) không truy tìm được.

Số nhà 99 Tây Sơn (HN) - nơi
Cty Phương Nam biến mất
cùng số tiền thuế hơn 9,3 tỉ
đồng.

"Biến" cùng hơn 9,3 tỉ đồng

Ngày 21.12.2001, Cty Phương Nam (Bộ Công an) mở tờ khai NK số 1270-NKD làm thủ tục NK 5.000 bộ động cơ xe máy và có nghĩa vụ nộp tiền thuế NK cùng thuế VAT hơn 9,343 tỉ đồng. Làm xong thủ tục NK, Cty này lấy lý do "giá tính thuế đối với động cơ xe máy quá cao, bất hợp lý" rồi không nộp thuế.

Sau 2 lần HQ ra thông báo yêu cầu nộp thuế gửi tới Cty mà không có hồi âm, ngày 18.11.2003, các nhân viên HQ đến tận trụ sở của Cty ở 96B đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân - Hà Nội để tống đạt thông báo đòi nợ thuế.

Thay vì việc trả nợ thuế cho Nhà nước, lãnh đạo Cty này còn chẳng thèm ký vào biên bản làm việc. Những lần tiếp theo đến đòi thuế thì Cty Phương Nam đã "biến mất".

Biết thông tin Cty Phương Nam có địa chỉ ở số nhà 99 phố Tây Sơn, quận Đống Đa - Hà Nội, ngày 14.7.2005, các nhân viên HQ đến đề nghị bảo vệ Cty cho gặp và làm việc với Cty Phương Nam, thì các nhân viên ở đây giải thích: "Đây là trụ sở Cty Thăng Long chứ không phải là trụ sở Cty Phương Nam, và không biết Cty Phương Nam ở đâu".

Do đó, họ chỉ còn biết lập biên bản "không có thông tin gì nữa về địa chỉ Cty Phương Nam" để báo cáo cấp trên. Và theo đó, Cty Phương Nam đã "biến mất" cùng số tiền thuế hơn 9,3 tỉ đồng.

Chẳng lẽ bó tay?
Trên thực tế Cty Phương Nam không hề "biến mất" như báo cáo của các nhân viên HQ. Sau khi NK lô hàng nêu trên và trong lúc chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, Cty Phương Nam được Bộ Công an sáp nhập vào Cty cơ khí ôtô - xe máy Thanh Xuân từ ngày 4.11.2002, theo Quyết định 1107/2002/QĐ-BCA.

Sau đó, ngày 21.1.2003, Bộ Công an lại ra Quyết định 40/2003/QĐ-BCA điều chuyển các phòng chuyên môn và các cơ sở sản xuất của Cty Phương Nam sang Cty Thăng Long. Đáng lưu ý, trong những lần bàn giao sáp nhập, các hồ sơ chứng từ đều không hề thể hiện số tiền thuế hơn 9,3 tỉ đồng đang nợ HQ.

Đã vậy, vụ việc cho đến nay vẫn được che đậy "kín bưng" bởi Cty Phương Nam không hề thông báo cho phía HQ biết việc thay đổi sáp nhập Cty. Mặt khác, chính các vị lãnh đạo Cty Phương Nam, gồm: Ông Lê Đình Tòng - Giám đốc, kế toán trưởng Hoàng Trọng Nghị - hiện đang là giám đốc và kế toán trưởng của Cty Thăng Long - có địa chỉ ở chính số nhà 99 Tây Sơn - thừa biết việc HQ nhiều lần ra thông báo gửi đến đúng địa chỉ để truy thu thuế. Nhưng họ vẫn im lặng, để "biến mất" trước số tiền thuế hơn 9,3 tỉ đồng phải nộp.

Lý giải cho việc không áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế đối với Cty Phương Nam, phía HQ đã nêu lý do: Cty này chỉ duy nhất một lần mở tờ khai NK, nên "không có cơ sở gì để đánh giá". Nhưng tài liệu mà chúng tôi đang lưu giữ đã cho thấy: Đấy chỉ là ngụy biện, bởi dù đã bị sáp nhập vào đơn vị khác, nhưng ngày 27.1.2003 ông Tòng vẫn lấy tư cách pháp nhân và con dấu của Cty Phương Nam ký hợp đồng NK lô hàng giấy tự dính, với trị giá hợp đồng tới 41.600USD mà không hề bị HQ cưỡng chế (?).

Thậm chí con dấu của Cty Phương Nam đã bị thu hồi từ rất lâu, nhưng trong biên bản quyết toán ngày 31.12.2004 với Cục Thuế Hà Nội, vẫn thấy ông Tòng ký tên đóng dấu với tư cách Giám đốc Cty Phương Nam. Những bằng chứng nêu trên cho thấy, các nhân viên HQ chưa hề nghiêm túc trong việc đi truy thu thuế nợ đọng dây dưa, bởi sự "biến mất" của Cty Phương Nam đâu phải khó tìm như các bản báo cáo của nhân viên HQ.

Công Thắng