Nhật thắt chặt kiểm tra thực phẩm nhập khẩu
Các Website khác - 07/10/2005

Thịt gà, tôm, mật ong và thủy sản nuôi nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ để kiểm soát dư lượng kháng sinh AOZ (3-amino-2-oxazole), SEM (semicarbazide), Nitrofuran và các dẫn suất của Nitrofuran. Chiến dịch này kéo dài từ đầu tháng 10 đến 31/3/2006.

Chế biến thủy sản Việt Nam.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), cuối tháng 9, Cục Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Phòng Đối sách nhập khẩu thực phẩm an toàn của Nhật Bản đã ra văn bản về việc thực hiện kiểm tra hàng thực phẩm nhập khẩu năm 2005.

Theo đó, Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm tra đối với thực phẩm thủy sản và thực phẩm có nguồn gốc từ vật nuôi liên quan đến kháng sinh nitrofuran và các dẫn suất của nitrofuran, chất AOZ (3-amino-2-oxazole) và SEM (semicarbazide). Nếu phát hiện thấy dư lượng các chất trên có trong thực phẩm thì Phòng đối sách nhập khẩu thực phẩm an toàn sẽ chủ động thu hồi, chỉ đạo cho nhà nhập khẩu tiến hành trả hàng về hoặc tiêu hủy, đồng thời thông báo cho Cục kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

140 mẫu tôm và 134 mẫu thủy sản nuôi sẽ phải qua kiểm tra, trong đó Việt Nam có 30 mẫu, Ấn Độ 45, Thái Lan 20 mẫu. Ngoài ra còn có 10 mẫu thịt gà và 15 mẫu mật ong của các nước và lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Trao đổi với VnExpress, Phó tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nên chú trọng tăng cường chất lượng và kiểm tra dư lượng kháng sinh cho các lô hàng xuất sang Nhật Bản trong thời gian này để bảo đảm uy tín sản phẩm và tránh rủi ro bị trả hàng, thậm chí "lọt" vào "danh sách thực phẩm đen" của Nhật.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng trưởng hàng năm với mức cao hơn 15%. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và tăng trưởng nhanh chủ yếu là thủy sản, may mặc, da giày, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ.

Phan Anh