Nửa còn lại của vay tiêu dùng
Các Website khác - 17/01/2009

 Thị trường sẽ có thêm sức mua khi mỗi người nghèo sẽ nhận được từ Chính phủ 200.000 đồng để ăn tết. Theo Bộ Tài chính, số tiền này lên đến 3.800 tỉ đồng và Chính phủ quyết tâm tiền sẽ đến tay dân trước tết. Nhưng ở một mảng khác, đó là những người có khả năng chi trả cao hơn, các giải pháp kích cầu, trong đó có cho vay tiêu dùng, vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Khách hàng mua sắm tại hội chợ hàng tiêu dùng 1-2009 - Ảnh: H.T.V.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN vừa đưa ra chương trình cho cá nhân vay tiêu dùng với hạn mức lên đến 500 triệu đồng, thế chấp bằng bất động sản với cam kết giải quyết hồ sơ trong 48 giờ. Nhiều ngân hàng khác cũng có chính sách tương tự. Hàng loạt công ty tài chính cũng đang chào mời cá nhân vay tiêu dùng. Hằng ngày, nhân viên của các công ty này vẫn cần mẫn gọi điện thoại cho những người mà họ có số điện thoại để chào mời vay tiền.

Nếu hơn nửa năm về trước, các kênh vay tiền để tiêu dùng đã bị khóa lại nhằm kiềm chế lạm phát thì nay van khóa đã được dỡ bỏ. Nhưng tiền vẫn chưa thể chuyển sang túi cá nhân để mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Theo các ngân hàng, nếu cho vay tiền là điều “cần” để kích thích tiêu dùng thì vẫn còn thiếu điều kiện “đủ” do người dân chưa mạnh tay mua sắm vì thói quen thắt lưng buộc bụng. Nhưng cơ hội lớn để giải tỏa tâm lý này đang dần trôi qua khi tết đang đến gần, mùa mua sắm cuối năm chỉ còn đếm từng ngày. Lúc này người dân có bao nhiêu xài bấy nhiêu, không còn nhiều thời gian để tính toán những kế hoạch chi tiêu lớn hơn từ tiền vay ngân hàng.

Nhiều ngân hàng tiếc rẻ nếu chủ trương giãn, hoãn, miễn nộp thuế thu nhập cá nhân được rõ ràng, công bố sớm hơn thì vay tiêu dùng hay ít ra là sức mua sắm trên thị trường sẽ khác. Khi biết rõ mình được giảm, miễn thuế, anh A sẽ làm hồ sơ vay ngân hàng để mua sắm cho con mình.

Kích cầu tiêu dùng nếu chỉ có đầu vào, không có đầu ra thì không hiệu quả. Cũng không thể dựa vào một chính sách là có thể kích cầu tiêu dùng. Để chống lạm phát hay chống suy giảm kinh tế có hiệu quả thì chính sách tiền tệ phải luôn đi đôi với chính sách tài khóa. Hiện chính sách tiền tệ (nới lỏng tín dụng tiêu dùng) vẫn “đơn thương độc mã” kích cầu trong khi chính sách tài khóa (giãn, giảm, miễn thuế) chưa rõ ràng. Một nửa còn thiếu của chính sách kích cầu tiêu dùng đó là chính sách tài khóa.

T.TUYỀN

..............................................

Thêm áp lực giảm lãi suất

 Thường trực Chính phủ đã thông qua phương án sử dụng gói kích cầu 17.000 tỉ đồng và việc triển khai sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực trên thị trường tiền tệ. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đang có thêm áp lực để lãi suất (LS) giảm thêm.

Lãi suất huy động của một số ngân hàng - Đơn vị: %/năm

Theo các chuyên gia, dù mức bù LS được công bố là 4%, không phải theo tỉ lệ trên LS vay mà doanh nghiệp (DN) phải trả nhưng vẫn tạo sức ép giảm LS. LS thị trường cao hay thấp, mức bù LS vẫn cố định là 4%. Nhưng chủ trương của Chính phủ là giảm chi phí cho DN, trong đó có LS. Nếu LS thị trường xuống thấp hơn, sau khi bù LS, tiền lãi DN phải trả sẽ ít đi, việc kích cầu đầu tư có hiệu quả hơn. Hiện LS cơ bản ở mức 8,5%, trần LS cho vay là 12,75%, nếu được bù 4% thì DN phải trả 8,75%. Mức này vẫn chưa thật sự khuyến khích đầu tư.

Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân (Đại học Kinh tế TP.HCM), nếu LS cơ bản còn 6%, trần LS cho vay là 9%, DN nằm trong diện được bù LS 4% chỉ phải trả 5%, đủ để khuyến khích đầu tư.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Bình - phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước - đã khuyến cáo các NH phải tính lại LS huy động để phòng ngừa những thay đổi khi NH Nhà nước giảm thêm LS cơ bản. Trong đợt gần đây nhất, đúng ra LS cơ bản được giảm từ 10% còn 7%/năm, nhưng để tránh sốc, NH Nhà nước chỉ giảm ở 8,5%. Ông Bình cũng kêu gọi các NH giảm thêm LS huy động USD để tránh tình trạng người dân chuyển sang giữ USD.

Như vậy, tín hiệu LS giảm thêm ngày càng rõ dần. Mới đây, một số NH đã đưa LS huy động VND xuống chỉ còn 7%/năm và có thể giảm thêm ở thời điểm sau tết. Lãnh đạo một số NH nhận định LS cơ bản chỉ còn 6-7%. Tuy nhiên cũng có NH cho rằng có thể thấp hơn nhưng lộ trình giảm sẽ kéo dài hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng khi kích cầu, nhu cầu vay tiền sẽ tăng lên, nếu LS giảm sâu sẽ khó huy động được vốn, điều này có thể kìm đà giảm LS huy động. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng NH Nhà nước sẽ đứng sau các NH để hỗ trợ nguồn vốn. Khi đó các NH có thể huy động từ tiết kiệm và vay từ NH Nhà nước, giảm áp lực phải giữ LS cao để huy động. Mức LS cũng sẽ không còn quá phụ thuộc lạm phát như đã diễn ra trong năm 2008 mà phụ thuộc cung - cầu vốn. Theo ông Ngân, do tình hình chung nên khó đạt được mục tiêu LS cao hơn lạm phát, với người gửi tiền, cái lợi lúc này có thể là sự ổn định sức mua của đồng tiền.

Có tiền nên gửi tiết kiệm sớm

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia NH về khả năng LS cơ bản giảm thêm. Theo ông Lý Xuân Hải - tổng giám đốc NH Á Châu, trong năm 2009 khả năng LS cơ bản giảm dưới 8% có thể xảy ra do ưu tiên của Chính phủ là giảm chi phí để ngăn chặn suy giảm kinh tế. LS càng giảm thấp, chênh lệch đầu vào và đầu ra càng bị thu hẹp thì buộc các NH phải giảm thêm LS huy động.

Một số NH cho biết họ duy trì LS kỳ hạn 3 tháng ở mức cao hơn nhằm có thời gian cơ cấu lại nguồn vốn huy động. Khi lượng vốn gửi dài hơi có LS thấp tăng lên, NH sẽ giảm LS huy động kỳ hạn 3 tháng xuống thấp. Do vậy sau tết đà giảm LS huy động có thể mạnh hơn.

M.Khanh

Theo Tuoi Tre Online