Khó đổi được tiền cotton mệnh giá nhỏ ở ngân hàng, nhiều người tìm đến thị trường tự do. Năm nay, tỷ lệ đổi ở các khu vực đền chùa trên địa bàn Hà Nội đắt gấp 2-3 lần năm ngoái.
Các ngân hàng ưu tiên đổi tiền lẻ cho khách quen. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mỗi phòng giao dịch của Ngân hàng Hàng hải nhận được 50 triệu đồng tiền lẻ, chia thành các mệnh giá 500, 1.000, 5.000, 10.000 đồng, song tiền mệnh giá 500 đồng số lượng lớn nhất.
Việc phân bổ lượng tiền lẻ trong phòng giao dịch được chia cho các nhân viên... Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng đều có người nhà gửi gắm đổi hộ nên họ thường ưu tiên cho những đối tượng này và khách hàng quen biết nên người dân bình thường sẽ khó đổi được tiền hơn.
Trao đổi với VnExpress.net, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Hoạt động lưu thông tiền tệ tại các ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Ngân hàng Nhà nước cũng chuẩn bị một lượng tiền khá dồi dào để phục vụ nhân dân nên không có chuyện là tiền khan hiếm dù là mệnh giá nhỏ hay lớn. |
Năm nay, do lượng tiền lẻ không dồi dào nên các phòng giao dịch, chi nhánh các ngân hàng phải dùng mối quan hệ để đi "xin" tiền từ các nơi khác, thậm chí là địa phương khác. Nhiều lúc tiền được chuyển về từ các chi nhánh ở Thái Bình hoặc Đà Nẵng vì nhu cầu ở các địa phương khác không lớn như ở Hà Nội.
Một nhân viên tại phòng tín dụng Ngân hàng Bắc Á cho hay, nguồn cung tiền lẻ từ Ngân hàng Nhà nước năm nay ít đi mà chủng loại cũng không phong phú. Lượng tiền lẻ về Bắc Á chỉ khoảng 110 triệu đồng, chủ yếu là hai mệnh giá 1.000 và 10.000 đồng, ít hơn hẳn so với năm ngoái
Theo "tiêu chuẩn" mỗi nhân viên được đổi hai tệp tiền mỗi loại. Các khách hàng thì chỉ có ai thường xuyên giao dịch số lượng lớn mới được ưu tiên. Còn khách hàng bình thường có muốn đổi cũng không còn tiền.
Khó khăn trong việc đổi tiền lẻ tại các ngân hàng, nhiều người dân có nhu cầu đành tìm đến “chợ đen” hoặc các trang rao vặt trên mạng để mua bán, chấp nhận khoản phí khá cao.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, các điểm đổi tiền tại Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, Đinh Lễ - Hà Nội đã nóng lên từ đầu tuần trước. So với năm ngoái, tỷ lệ đổi tiền đã đắt hơn 2-3 lần. Trong đó, mệnh giá nhỏ như 200 đồng có tỷ lệ cao hơn cả, thường là 10 ăn 6 hoặc 7. Các mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng có mệnh giá quy đổi theo tỷ lệ 10 ăn 8. Trong khi đó, các loại tiền từ 10.000 đến 50.000 đồng có tỷ lệ 10 ăn 8,5 hoặc 9, tùy theo khả năng trả giá của khách hàng.
Quầy đổi tiền ở Phủ Tây Hồ. Ảnh: H.X. |
Giống như mọi năm, dịch vụ đổi tiền lẻ ở khu vực Phủ Tây Hồ (Hà Nội) là nhộn nhịp nhất. Ngay từ cổng vào, đã có khoảng 5-6 người ngồi bên cạnh những tủ đựng tiền để chào mới khách. Các bà đổi tiền ở Phủ Tây Hồ có thể đáp ứng được bất cứ nhu cầu nào từ tiền cotton mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 rồi 2.000, 5.000 và 10.000 đồng, loại nào cũng có tuy số lượng không nhiều như mọi năm. Thậm chí, có người còn tích được cả tiền 100 đồng để đổi cho khách dù loại tiền này đã không còn lưu thông trên thị trường từ vài năm nay.
Tại một cửa hàng bán đồ lễ tại rìa Phủ Tây Hồ, đồng 500 được đổi theo tỷ lệ 10 ăn 7, tuy nhiên những hàng quán gần cổng Phủ tỷ lệ này có khi sụt xuống mức 10 ăn khoảng từ 7 đến 6. Một chủ cửa hàng tại Phủ Tây Hồ cho hay, trong đêm 30 tết dù tiền đi lễ được bán rất đắt, có khi 10 đồng cũ chỉ mua được 6 đồng mới, nhưng người đổi vẫn rất đông.
Theo các đầu mối đổi tiền, tiền mới được cung cấp hoặc thu mua từ các nguồn cán bộ ngân hàng, từ các doanh nghiệp, được ngân hàng ưu tiên đổi tiền mới. Bên cạnh những cọc tiền mới phát hành với cùng một số serier, một lượng không nhỏ tiền cũ được bán ra. Số tiền này được mua lại từ nhà chùa sau đó được rửa sạch và là ủi cho thẳng rồi bán lại cho người đi lễ với giá rẻ hơn tiền mới. Tuy nhiên, giá cả không mềm chút nào, vẫn 10 ăn 8.
Tiền 200 đồng vốn được các tín đồ ưa chuộng nhất khi đi lễ đầu năm nên đây cũng là loại mệnh giá có tỷ lệ đổi cao nhất với 50 ăn 20. Tức là một cọc tiền 200 đồng tương ứng với 20.000 đồng, khách phải bỏ ra tới 50.000 đồng, mất đứt 30.000 đồng. Nếu khách chấp nhận tiền đã qua sử dụng thì tỷ lệ 50-50, đổi 40.000 đồng được một cọc 20.000 đồng.
Từ hai tuần nay, dịch vụ đổi tiền qua mạng cũng bắt đầu đắt khách. "Em đang có 2 triệu đồng tiền 500 đồng, 3 triệu tiền 1.000 đồng mới tinh, ai có nhu cầu cứ call cho em" hay "Tiền lẻ, giá rẻ, 10 ăn 8,5 bác nào cần gọi em nhé" - những lời chào mời mua bán, trao đổi được đăng tải nhan nhản trên các trang rao vặt, quảng cáo miễn phí.
Một người tên Quang số điện thoại 091822xxxx rao bán một lượng tiền trị giá 10 triệu đồng với các mệnh giá khác nhau. Trong đó, tỷ lệ bán gồm 125.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng ăn 100.000 đồng. 120.000 đồng được 100.000 đồng tiền mệnh giá 1.000 đồng, tức là tỷ lệ 10 ăn 8. Tiền mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng có tỷ lệ 10 ăn 9. Tuy nhiên, khi VnExpress.net liên hệ với Quang thì được biết phải đến thứ 3 thứ 4 tuần sau tức là vào khoảng 24-25 Tết mới có.
Quang cho hay mỗi mẩu tin mà anh đăng tải trên trang rao vặt chỉ cần sau chừng nửa ngày đã thấy cư dân mạng tới tấp gọi mua. "Hàng không có nhiều trong khi nhu cầu lại lớn, nếu không đổi sớm thì đến cận Tết khách hàng rất khó tìm được loại tiền có mệnh giá như ý", Quang nói.
Chị Phương vừa thực hiện thành công thương vụ đổi tiền qua mạng trị giá 3 triệu đồng mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng với một người tên Nhàn qua số điện thoại 098999xxxx. Phí trao đổi cho cả bọc tiền là 200.000 đồng, sau 2 cú điện thoại người bán giao tiền tới tận địa chỉ cơ quan.
"Đổi bên ngoài cho nhanh mà chỉ mất vài chục nghìn đến vài trăm nghìn phí mà được giao tiền tận nơi, tiện lợi hơn nhiều so với việc nhờ vả bạn bè người quen tại ngân hàng. Một lần nhờ bạn bè thì được nhưng nhờ vài ba lần thì cũng ngại lắm", chị Phương nói.
Theo VnExpress
▪ Giá vàng tăng tiếp 10.000 đồng/chỉ, USD giảm nhẹ (17/01/2009)
▪ Rau, quả tết sẽ không biến động về giá (17/01/2009)
▪ Vắng khách - nghỉ tết sớm để tiết kiệm tiền (17/01/2009)
▪ Thuê căn hộ tại Vincom Park Place chỉ phải trả lãi 3% năm nếu vay ngân hàng (17/01/2009)
▪ Đìu hiu thị trường cây, hoa cảnh ngày tết (17/01/2009)
▪ Phập phồng lo… bánh chưng, củ kiệu (17/01/2009)
▪ Hoa mắt với nguồn gốc hàng nhập khẩu (17/01/2009)
▪ Nửa còn lại của vay tiêu dùng (17/01/2009)
▪ Giá không rẻ như cam kết (16/01/2009)
▪ Vàng lên giá, USD nhấp nhổm (16/01/2009)