Phập phồng lo… bánh chưng, củ kiệu
Các Website khác - 17/01/2009
 
Cho hàn the, SO2, axit benzoic… để củ kiệu trắng, giòn; cho muối diêm vào để bánh chưng nhanh nhừ. Các nhà khoa học cảnh báo, các loại hóa chất này có thể gây hại cho sức khỏe.

Củ kiệu, bánh chưng, bánh Tét là những món ăn không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của người dân Nam bộ. Những ngày cận Tết, bất cứ chợ nào tại TP HCM cũng đầy các sản phẩm này.

Trắng, giòn nhờ hàn the, hóa chất

Dạo qua nhiều chợ tại TP HCM như chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Thiếc (quận 11), rất nhiều sạp bày bán củ kiệu  trong những thau nhựa to, không che đậy mặc cho bụi bặm, ruồi nhặng đậu vào.

Hầu hết các sản phẩm ngâm như kiệu, hành được bày bán ở đây đều không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, nhiều người còn tận mắt chứng kiến cách làm củ kiệu với đủ loại hóa chất tẩy trắng như SO2, sulfite và hàn the.

Chị Ngọc Hà (Lê Văn Sĩ, phường 12, quận 3, TP HCM) cho biết: “Sau khi tận mắt thấy củ kiệu trắng, giòn nhờ… hàn the, chất tẩy trắng, tôi đành tự tay làm lấy, dù khá tốn thời gian”.

Tiến sĩ Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, để sản phẩm ngâm chua vài ba tháng nhưng vẫn “sử dụng tốt”, người bán thường dùng các chất bảo quản như axit benzoic, benzoate và các parabens với hàm lượng khá cao.  

Đối với bánh chưng, bánh tét, muốn sản phẩm nhanh mềm khi luộc và để được lâu, nhiều cơ sở làm bánh đã không ngần ngại cho muối diêm vào. Theo các nhà khoa học, nếu dùng muối diêm với hàm lượng thấp, trong tiêu chuẩn cho phép thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, vì muốn sản phẩm chín nhanh, không ít cơ sở đã lạm dụng những chất bảo quản này.

Nguy hiểm

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh, Viện Công nghệ Hóa học, khuyến cáo, các chất bảo quản thường dùng để muối củ kiệu, dưa hành như axit benzoic, benzoat, parabens… có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Liều lượng gây độc của acid benzoic và benzoat đối với người là 6 mg trên một kg thể trọng. Lúc này, chúng sẽ làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, gây ra đủ loại bệnh tật từ teo cơ đến hoại tử, nhưng dễ thấy nhất là bị các bệnh đường ruột, hệ tiêu hóa.

Mặt khác, những chất trên còn có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tạo cơ chế tiền ung thư hô hấp. Nếu dùng liên tục từ 1.000 đến 2.000 mg SO2 trên một kg thể trọng trong 50 ngày thì người dùng có thể tử vong.

Tiến sĩ Hạnh cũng cho biết, hàn the là chất cấm dùng trong thực phẩm nhưng để tạo độ dai, nhiều cơ sở vẫn lén bỏ vào. Đây là chất có khả năng gây ung thư hệ tiêu hóa, ung thư gan rất cao.

Theo Tiến sĩ Hạnh, muối diêm đã bị một số nước tiên tiến cấm dùng. Một số nghiên cứu ở nước ngoài còn cho thấy, muối diêm khi trộn lẫn với thực phẩm dễ biến thành chất mang độc tố. Nếu lạm dụng hóa chất này sẽ gây tác hại tức thời như ói, mửa, nhức đầu và hệ quả lâu dài sẽ là những bệnh mãn tính.

Theo Phununet