Bằng cách nào quản lý việc nhập khẩu ôtô cũ, áp quota hay siết chặt thuế? Hai Bộ Tài chính và Thương mại có vẻ chưa thống nhất được biện pháp. Trong khi đó, người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu sau những ngày hân hoan khi Nghị định 12 ra đời, giờ tỏ ra thận trọng hơn.
Với chủ trương bảo hộ ngành sản xuất trong nước còn non trẻ, Bộ Tài chính dự định đánh thuế cao 150% đối với mặt hàng ôtô đã qua sử dụng để hạn chế nhập khẩu, bên cạnh việc thắt chặt quản lý khâu thông quan... Theo ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính, ôtô cũ là mặt hàng nhạy cảm, cho phép nhập, mọi cá nhân đều được nhập, song điều này không có nghĩa là muốn nhập bao nhiêu cũng được. Nếu nhập nhiều vẫn phải có giấy phép và được sự đồng ý của Bộ Thương mại cùng các bộ ngành liên quan.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ lại tỏ ra dè dặt khi đặt lại vấn đề cấp quota. Theo ông, cách quản lý ôtô cũ bằng chế độ cấp hạn ngạch rất khó thực hiện và có gì đó rất mơ hồ. Cách làm này chẳng khác nào quay trở lại chế độ xin cho trước đây mà Bộ Thương mại đã bỏ. Bản thân cơ quan Nhà nước cũng rất khó xử khi phải tính toán phân cho ai, chia như thế nào, quản lý ra sao...
Quan điểm của Bộ Thương mại có vẻ xuôi với cách cứ "thả" cho nhập nhưng lại quản lý chặt bằng chính sách thuế. Thuế có thể đánh cao hơn chứ không chỉ dừng lại ở mức 150% như hiện nay, dự kiến sẽ áp dụng cả thuế tuyệt đối với xe ôtô cũ nhập khẩu. Chẳng hạn, bất kể doanh nghiệp nhập khẩu bao nhiêu nhưng cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào dòng xe, số khung, số máy để chốt một khoản thuế nhất định. Trên cơ sở này, cộng thêm số thuế % để tính ra mức cuối cùng người nhập xe phải nộp.
Theo giới chuyên môn, rõ ràng giữa các bộ ngành vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược. Bộ Thương mại muốn tính thuế theo giá trị tuyệt đối nhưng chính sách này đã xóa bỏ khi Việt Nam cam kết gia nhập WTO và thực hiện tính thuế theo GATT. Ngược lại, Bộ Tài chính muốn quản lý nhập khẩu ôtô bằng hạn ngạch, trong khi đó chủ trương này cũng đã bị bãi bỏ vì không phù hợp với hội nhập kinh tế.
Doanh nghiệp thận trọng hơn
Chính sách thuế quan và quản lý nhập khẩu chưa thống nhất, song tuyên bố từ phía các cơ quan quản lý như dội gáo nước lạnh vào những doanh nghiệp có ý định nhập khẩu xe con đã qua sử dụng. Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Công ty Vạn Đức, đồng thời là chủ garage Quê Hương tại TP HCM, ông Phạm Phú Đức, tỏ ra dè dặt khi dự báo về thị trường ôtô cũ trong thời gian tới. Ông cho biết, giới kinh doanh ôtô cũ chưa kịp hết vui mừng vì thông tin sắp được nhập xe du lịch đã qua sử dụng thì đã bị những tuyên bố siết thuế, áp hạn ngạch của các nhà quản lý Nhà nước làm nguội lạnh. "Chắc chắn việc nhập khẩu phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước nhưng mức thuế quá cao cũng làm khó cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng", ông Đức nói.
Ông Đức cũng khẳng định, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đang trông chờ vào các văn bản pháp luật hướng dẫn Nghị định 12 để xem quy định cụ thể như thế nào, rồi mới quyết định kế hoạch kinh doanh của mình.
Trong khi đó, một vài doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ôtô tải cũ ở khu vực xa lộ Hà Nội, quận 2 và Thủ Đức, TP HCM, dù thận trọng vẫn đang chộn rộn trong việc lên kế hoạch nhập khẩu xe du lịch, bàn với đối tác, tìm kiếm khách hàng nước ngoài... để đón đầu thị trường khi chính thức được phép. Chủ một cửa hàng ôtô tải cũ ở quận 9 cho biết, ông đã dự kiến nhập xe du lịch của Nhật, Anh là chính chứ không mặn mà với xe cũ từ châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc... "Tâm lý khách hàng Việt Nam vẫn chuộng xe cũ của Nhật, châu Âu hơn là xe mới châu Á", ông nhận xét. Lâu nay, ông bị trói buộc bởi quy định chỉ được nhập khẩu xe tải cũ mà không với tới loại ôtô du lịch, mặc dù theo ông, lượng khách hàng của xe du lịch cũ cực kỳ lớn.
Một chủ kinh doanh xe cũ khác, người thường xuyên tham gia các cuộc bán đấu giá xe vi phạm, nhập lậu bị bắt... tại cơ quan hải quan, nói với VnExpress rằng, ông tham gia đấu giá vì giá rẻ hơn thị trường và khi mang ra bán bao giờ cũng có lời. "Nếu việc nhập khẩu xe du lịch cũ được dễ dàng, giá rẻ thì chắc chắn tôi sẽ bỏ nghề tham gia đấu giá này để xin kinh doanh nhập khẩu xe cũ ngay", ông này mạnh dạn cho biết.
![]() |
Giá một chiếc ôtô second hand nhập khẩu như Ford Expedition không hề rẻ. Ảnh: Minh Đức |
Giá xe ôtô tại Việt Nam cho đến nay vẫn còn rất cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình trung lưu. Chính vì vậy, người tiêu dùng đón nhận thông tin được nhập khẩu ôtô cũ còn háo hức hơn cả giới kinh doanh, theo nhận xét của chủ cửa hàng ôtô tải cũ trên xa lộ Hà Nội, quận 9, TP HCM.
Người tiêu dùng háo hức
Thời điểm này, rất nhiều người dân tỏ ra hoan hỉ và kháo nhau chuẩn bị tiền để mua ôtô. Hàng loạt dự định sắm xe máy mới, trang bị chiếc xe hơi trị giá tầm tầm, đổi ôtô khác... được nhiều người tạm gác lại để chờ động tĩnh của thị trường ôtô nhập khẩu cũ. Chị Nguyễn Thúy Hiền ở quận Tân Bình cho biết, chị dự tính đổi chiếc Wave Anpha đang đi để lấy con Spacy sản xuất trong nước, song chồng chị một mực can ngăn. Theo anh, nên ráng chờ vài tháng nữa, khi mà giá ôtô nhập khẩu "nghe đồn chỉ còn chừng 1.000-1.500 USD/chiếc", vợ chồng anh chỉ cần tiết kiệm một ít nữa là dư sức tậu một tên Toyota, Ford thậm chí chơi "Mẹc" cũng được mặc dù hơi tốn...
Nhiều nhân viên, cỡ trưởng phòng của các doanh nghiệp, đang sốt lên vì chuyện sắp mua được ôtô cũ nhập khẩu giá rẻ, trong khi thực sự chưa biết có rẻ hay không hoặc rẻ là bao nhiêu. Ông Công Thành, Trưởng phòng hành chính của một công ty nước ngoài tại Biên Hòa, cho rằng, không ngại ôtô "rác", vì xe đã qua sử dụng 5 năm thì chưa phải là rác, chưa kể là phải qua các khâu đăng kiểm, kiểm định khi nhập khẩu... Ngoài ra, kinh nghiệm của Campuchia hầu như không có những xe quá đát. Ông Thành nhận xét: "Nếu xe cũ có giá bán rẻ thì người tiêu dùng ắt chọn mua loại xe có chất lượng tốt và dùng được chứ không mua xe quá nát".
Phan Anh - Hồng Anh
|
▪ Kỳ họp thứ nhất về Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (17/02/2006)
▪ Xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp động cơ diesel trị giá 500 tỉ đồng (17/02/2006)
▪ TPHCM: Bình chọn 5 nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2005 (17/02/2006)
▪ Nhà máy điện Cà Mau 2 lại do VN làm tổng thầu (17/02/2006)
▪ Quảng Nam: 60 xã được đầu tư toàn bộ lưới điện (17/02/2006)
▪ Doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp (17/02/2006)
▪ Lâm Đồng: Người trồng chè bị ép giá (17/02/2006)
▪ Chưa thấy biện pháp bình ổn thị trường thuốc (17/02/2006)
▪ Bộ Bưu chính Viễn thông có 2 thứ trưởng mới (17/02/2006)
▪ Thị trường dệt may Nhật cần các đơn hàng nhỏ lẻ (17/02/2006)