Pacific Airlines "kiện" Vietnam Airlines vi phạm Luật Cạnh tranh
Các Website khác - 26/04/2006
Pacific Airlines "kiện" Vietnam Airlines vi phạm Luật Cạnh tranh:
Cần nuôi dưỡng cạnh tranh lành mạnh
Bích Liên - Đức Trung


Sau các ông "alô nhỏ" kêu cứu vì sự giảm giá của các ông "alô lớn", đến lượt Pacific Airlines (PA) đã gửi công văn "kêu" việc TCty Hàng không VN (VNA) đã giảm giá, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Dịch vụ bảo dưỡng - 1 trong 5 dịch
vụ PA cho rằng VNA đã độc quyền
ép giá.

Giảm giá, ép giá

Trong công văn PA nêu VNA đã liên tục giảm giá trên 3 đường bay PA đang khai thác là Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đài Loan. PA đưa ra ví dụ ngày 4.11.2005, PA mở đường bay Hà Nội - Đà Nẵng. Trong điều kiện giá nhiên liệu cao thì đây là "đường bay lỗ kế hoạch" (bị lỗ ngay cả khi không có sự cạnh tranh giảm giá vé), nhưng PA phải bay để hoàn thiện trục bay Bắc-Trung-Nam, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch trong, ngoài nước.

Khi đó VNA đã thực hiện một chiến dịch khuyến mãi "đại hạ giá", giảm tới 50% giá vé trên các đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, TPHCM - Đà Nẵng đúng từ ngày PA khai trương. Mặt khác PA cũng cho biết VNA liên doanh cung ứng 5 dịch vụ độc quyền ép PA sử dụng với giá cao.

PA cho rằng trên thị trường hàng không nội địa, VNA đang là doanh nghiệp vận tải hàng không có vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm 75% thị phần đường bay Hà Nội - TPHCM, 85% giữa Hà Nội - Đà Nẵng) nên việc VNA giảm giá vé, thực hiện khuyến mãi trên các đường bay PA tham gia khai thác như trong thời gian qua là vi phạm Luật Cạnh tranh.

VNA không giảm giá
Ông Trịnh Ngọc Thành - Trưởng ban Tiếp thị hành khách cho biết: VNA không giảm giá trên các đường bay mà đây là các biện pháp thực hiện chính sách kích cầu công cộng hoá hàng không dân dụng. Về vấn đề VNA có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không cần có sự phán xử của các cơ quan pháp luật.

Về việc PA cho rằng VNA liên kết cung cấp 5 dịch vụ độc quyền với giá cao, một lãnh đạo của VNA cho biết, PA có quyền lựa chọn giữa dịch vụ của VNA với nước ngoài, hoặc tổ chức lấy những dịch vụ này mà không cần phải sử dụng những dịch vụ của VNA (!?). Hiện VNA vẫn hỗ trợ PA bằng cách cho nợ phí dịch vụ nhiều tỉ đồng và áp dụng mức phí thấp hơn các hãng hàng không khác.

Những vấn đề cụ thể mà PA "kiện" VNA cần được các ngành chức năng vào cuộc phân tích thấu đáo và kịp thời xử lý.

Tôi cho rằng PA đã kiện VNA đúng, bởi thời điểm xây dựng giá trần Hà Nội - TPHCM vào 2003 là 1,5 triệu đồng, khi đó xăng mới khoảng 45USD/thùng. Hiện nay xăng đã lên 72USD/thùng, VNA đang đề nghị phụ thu xăng dầu, tránh bị lỗ, vậy mà lại giảm giá vé liên tục. Trong khi theo một số liệu mới đây VNA cung cấp thì thị trường hàng không nội địa tăng 15% mà VNA chỉ đáp ứng được 8% thì hà cớ gì phải cạnh tranh để thu hút thêm khách. Với trường hợp này theo tôi, Nhà nước cần áp dụng giá sàn để để ngăn chặn các DN chiếm từ 70% thị phần có thể dùng cách giảm giá để tiêu diệt đối thủ, độc chiếm thị trường như Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của các nước. Ông Phạm Vũ Hiến - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN