"Phải tận dụng thời điểm đèn vàng..."
Các Website khác - 10/06/2006
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP.Hồ Chí Minh:
"Phải tận dụng thời điểm đèn vàng..."


Qua những "cú thua" trên thương trường như vụ ông Bửu Huy đang bị câu lưu tại Bỉ, vụ thua kiện huấn luyện viên Letard (Pháp) và vụ Vietnam Airlines (VNA) đang có nguy cơ thua kiện..., đã nói lên thực trạng gì trong cách làm ăn kinh doanh của những DNVN, trong đó có những TCty lớn, những tập đoàn? PV Báo LĐ trao đổi với TS Trần Du Lịch xung quanh vấn đề này. T.S Lịch cho biết:

- Đó là sự yếu kém về mặt luật pháp, tập quán thương mại quốc tế. DNVN trưởng thành trong phạm vi nội địa; trong một cơ chế, điều kiện thị trường đang hình thành nên chưa ý thức được tầm quan trọng của pháp luật trong kinh doanh. Cho nên khi hội nhập, chúng ta như đi từ sau luỹ tre làng ra thành phố, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước những tập quán, luật lệ mới. Ở đây, vấn đề không phải vì thiếu tiền mà do nhận thức và văn hoá kinh doanh của chúng ta từ lâu nay là vậy.

- Những "cú thua" như vậy sẽ giảm hay tăng lên sau khi VN gia nhập WTO?

- Lâu nay trong thương mại quốc tế chúng ta thường bị ép. Nhưng đừng nghĩ rằng, sau khi gia nhập WTO, chúng ta sẽ không còn bị ép. Tất nhiên chúng ta thuận lợi hơn vì có diễn đàn, có tổ chức tài phán bảo vệ. Nhưng luật pháp thương mại quốc tế cũng không phải hoàn hảo, vẫn còn có những kẽ hở mà người ta hay gọi là "khu vực đèn vàng", nhiều nước họ khai thác những kẽ hở này để kiếm lợi cho mình và ép phía bên kia.

Vụ huấn luyện viên Pháp Letard hay vụ VNA có nguy cơ thua kiện có thể là cuộc thua tại khu vực này. Muốn khai thác được "khu vực đèn vàng" cần phải am hiểu luật, có đội ngũ chuyên gia để nghiên cứu, bởi khi đấu nhau ở khu vực này thực chất là những cuộc đấu về trí tuệ.

Tôi không cường điệu hoá yếu tố "khu vực đèn vàng". Nhưng rõ ràng, sau khi VN gia nhập WTO, những vụ việc thua kiện như thế sẽ tăng vì chúng ta hoà nhập với phạm vi hoạt động thương mại rộng hơn. Song nếu chúng ta có đầu tư vào đội ngũ luật sư, có chương trình phòng ngừa thì các vụ thua có thể sẽ giảm xuống.

- Trong khi chúng ta chưa có những đội ngũ luật sư để tham gia các cuộc đấu tại "khu vực đèn vàng" và trong nhiều lĩnh vực khác, chúng ta vẫn có thể thuê các Cty và luật sư quốc tế?

- Tất nhiên là thế nếu các DN chịu chi. Vì rõ ràng nhiều DN luôn cho rằng luật pháp kinh doanh quan trọng nhưng rất ít DN chịu chi phí cho vấn đề này, thậm chí không ít đơn vị còn cho là lãng phí. Còn đến khi xảy ra vụ việc mới đi thuê thì đã là "nước đến chân mới nhảy". Chính vì thế, "học phí" phải trả cho những vụ việc trên sẽ đắt hơn.

Sắp tới, các DNVN sẽ gặp phải trở ngại đơn và trở ngại kép. "Đơn" là vấn đề ý thức của DN về luật pháp kinh doanh quốc tế; "kép" là đội ngũ luật sư về lĩnh vực thương mại quốc tế chưa nhiều. Theo tôi, Chính phủ cần đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực ở chính vấn đề này để có những chuyên gia trợ giúp DN. Đầu tư như thế, WTO không bắt bẻ được như trường hợp trợ giá hay hỗ trợ thuế.

- Xin cảm ơn ông.


Thẩm Hồng Thụy thực hiện

"Suy nghĩ địa phương, hành xử toàn cầu"!
LS Trần Hữu Huỳnh

Khi những con cá tra, cá ba sa bé nhỏ, hiền lành từ một vùng quê nghèo, yên tĩnh phải oằn mình chịu những đòn roi pháp lý ở xứ người, chúng ta hiểu cuộc chơi lớn đã bắt đầu.

Khi những câu chuyện đã biết, được kể về Hãng hàng không quốc gia VN với một ông luật sư người Italia, Liên đoàn Bóng đá VN với một ông huấn luyện viên người Pháp, một công ty xuất nhập khẩu VN với một số nhà nhập khẩu Hoa Kỳ..., và những câu chuyện khác đã biết nhưng chưa được kể, dồn dập xuất hiện gần đây..., chúng ta hiểu luật chơi cho cuộc chơi lớn đó không hề đơn giản.

Không hề đơn giản vì nó chẳng giống ta, giống cách mà chúng ta đã nghĩ và hành xử. Không hề đơn giản vì không ít trong số chúng ta đang "suy nghĩ địa phương, hành xử toàn cầu", mà lẽ ra nên là "suy nghĩ toàn cầu, hành xử địa phương". Không hề đơn giản vì không ít người chỉ coi trọng sự an toàn của đường biên địa lý quốc gia, trong lúc đường biên pháp lý mềm đã trở nên linh hoạt đến mỏng mảnh lại không đồng thời coi trọng nó.

Cho nên ở ta, việc trước đã xảy ra mà người sau không tránh được, việc A có rủi ro mà ta thì mong và tin là việc B sẽ không gặp phải. Cho nên, chúng ta gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, và vì bất ngờ nên tưởng rằng chẳng cái gì giống cái gì. Trong khi đó, nếu chịu khó nhặt nhạnh, sẽ tìm được sự phổ biến của các bất ngờ, ngõ hầu nếu không né tránh được thì may ra cũng giảm thiểu được thiệt hại.

Vấn đề là, thời đã đổi mà ta chưa muốn đổi hoặc chưa kịp đổi. Thói quen dễ chịu vô cùng nhưng cũng nguy hiểm vô cùng. Vấn đề là vào cuộc chơi lớn, phải nhớ lời xưa "biết mình, biết người". Biết người đã khó, biết mình còn khó hơn. Chiến thắng dành cho ai biết cả hai thứ đó.