Thứ tư vừa qua (17/9), đa số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã quyết liệt phản đối kế hoạch duy trì thuế chống phá giá áp dụng lên giày da Việt Nam và Trung Quốc, các quan chức ngoại giao cho biết. Quan điểm của đại diện thương mại các nước trong buổi họp ngày thứ Tư vừa qua không có giá trị ép buộc nhưng có thể tăng thêm áp lực lên Cao uỷ thương mại EU Peter Mandelson, buộc ông phải cân nhắc lại một kế hoạch xem xét lại thuế. Nếu đưa ra xem xét như vậy, sắc thuế này có thể sẽ kéo dài thêm 15 tháng nữa. Dự thảo áp dụng thuế chống phá giá lên giày da Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 2006 đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các nước EU. Cũng vì những bất đồng quan điểm này, một giải pháp mang tính dung hòa được thông qua: áp thuế, nhưng chỉ áp trong vòng 2 năm thay vì 5 năm như thường lệ. Sắc thuế đầy tranh cãi này, áp dụng chủ yếu lên giày da Việt Nam và Trung Quốc, sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Italy và một số nước khác muốn bảo hộ công nghiệp giày trong nước đã thúc ép EU gia hạn thời gian áp dụng thuế. Động thái này đã bị tất cả các nước châu Âu khác phản đối, họ giữ quan điểm nhất quán rằng đây là những biện pháp mang tính chất bảo hộ và không công bằng. Phát ngôn viên của ông Mandelson đã từ chối bình luận về kết quả buổi họp của các đại diện thương mại EU.
Một nhóm các nhà sản xuất giày hàng đầu thế giới vừa cho biết, Uỷ ban châu Âu nên bỏ các biện pháp nói trên ngay lập tức, thay vì đưa ra cái gọi là “xem xét lại thời hạn” nhằm quyết định có gia hạn hay không một cách chính thức. “Thuế chống phá giá áp dụng lên giày da Việt Nam và Trung Quốc đã bị giới hạn trong 2 năm, chính bởi vì biện pháp này gây tổn hại cho cả người tiêu dùng và ngành công nghiệp giày hiện đại”, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hàng thể thao châu Âu (FESI), Horst Widmann nói. “Gia hạn thuế này sẽ là một điều nhạo báng đối với chính sách chống bán phá giá của EU và sẽ tái diễn một cuộc tranh cãi đầy chia rẽ”, Horst nói. FESI hiện có các thành viên bao gồm Tập đoàn Adidas, Asics, Diadora, Fila, Lotto, Nike và Puma. Trước đó, ngày 15/9/2008, ba hiệp hội đầy thế lực khác của châu Âu cũng đã ra một thông cáo chung, yêu cầu EU chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc. Ba hiệp hội này là: Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC - gồm 41 tổ chức người tiêu dùng quốc gia, trong đó có cả các nước ngoài EU); Tổ chức thương mại châu Âu (EuroCommerce - gồm các hiệp hội thương mại và công ty của 30 nước châu Âu - đại diện cho các lĩnh vực bán lẻ, bán buôn và thương mại quốc tế của châu Âu); và Hiệp hội các nhà bán lẻ hàng thời trang châu Âu (AEDT - đại diện cho hơn 400 ngàn doanh nghiệp bán lẻ hàng thời trang và giày dép châu Âu). Tiếng nói của các hiệp hội này tăng thêm sức nặng cho yêu cầu trước đó của 3 hiệp hội các nhà sản xuất giày châu Âu yêu cầu chấm dứt 14 năm lợi dụng hạn ngạch nhập khẩu và thuế chống bán phá giá để bảo hộ ngành giày. Ba hiệp hội đó là: Hiệp hội Công nghiệp hàng thể thao châu Âu (FESI), Liên minh các hãng giày nổi tiếng châu Âu (EBFC) và Nhóm các nhà sản xuất giày đi ngoài trời (EOG). Như vậy, đến nay lực lượng đòi bãi bỏ thuế chống phá giá đối với giày Việt Nam đã hợp đủ các hiệp hội đại diện cho ngành sản xuất, ngành thương mại, và người tiêu dùng. Theo Hà Linh |
▪ Thị trường lại có dấu hiệu thừa tiền! (20/09/2008)
▪ Việt Nam tìm hướng tránh khủng hoảng kinh tế Mỹ (20/09/2008)
▪ Gặp khó, nhiều công ty niêm yết điều chỉnh kế hoạch (20/09/2008)
▪ Thị trường hồi phục mạnh mẽ (19/09/2008)
▪ M&A - “Đường tắt” đến chứng khoán Việt Nam (19/09/2008)
▪ Giải tỏa chợ điện tử lớn nhất Sài Gòn (18/09/2008)
▪ Khủng hoảng tài chính Mỹ: Chứng khoán Việt Nam có vạ lây? (18/09/2008)
▪ Kinh doanh xăng dầu: Tự chủ nhưng vẫn còn rào cản? (17/09/2008)
▪ Lập tổ giám sát liên bộ về giá xăng dầu (17/09/2008)
▪ Băn khoăn chất lượng xăng pha cồn (17/09/2008)