Băn khoăn chất lượng xăng pha cồn
Các Website khác - 17/09/2008
 Ngày 15-9, Tổng Công ty Dầu VN (PV Oil) khai trương 2 cây xăng đầu tiên bán xăng pha cồn sinh học “Gasohol E5” (xăng E5) tại Hà Nội, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) đã bày tỏ những băn khoăn về quy chuẩn kỹ thuật cũng như chất lượng của loại nhiên liệu này.

>> Chính thức bán xăng E5 tại Hà Nội

VAMA đã gửi những băn khoăn về việc sử dụng Gasohol E5 đến Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN), Bộ Công Thương và Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng VN và Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).

Chưa có trong tiêu chuẩn VN

VAMA bày tỏ quan ngại vì hiện Bộ KH-CN mới chỉ ban hành QCVN 1:2007/BKHCN cho nhiên liệu xăng và diesel; TCVN 7717:2007 cho nhiên liệu diesel sinh học gốc (B100) và TCVN 7716:2007 cho ethanol nhiên liệu biến tính (E100), còn chất lượng sản phẩm xăng E5 (xăng có pha thêm cồn vào xăng thương phẩm với tỉ lệ 5%) vẫn chưa có tiêu chuẩn quy định.

“Điều này ảnh hưởng đến việc kiểm chứng chất lượng của xăng pha cồn đang bán ra thị trường. Bởi xăng E5 chưa được cơ quan độc lập công bố chất lượng” - đại diện của một hãng ô tô bày tỏ. Theo vị đại diện này, PV Oil nhập khẩu cồn từ Brazil pha vào xăng, nhưng chất lượng thế nào thì các hãng ô tô chỉ biết qua công bố của PV Oil.

Mặt khác, hiện có rất nhiều xe cũ nên chưa thể đánh giá hết tác động của xăng pha cồn đối với động cơ của các xe này. Theo đại diện của Toyota, với động cơ mới có thể dùng xăng E10 (xăng có pha thêm cồn vào xăng thương phẩm với tỉ lệ 10%), nhưng xe cũ thì cần kiểm chứng.

Điểm yếu của xăng pha cồn

Mặc dù những ưu điểm của xăng E5, E10 đã được các nước trên thế giới công nhận và sử dụng, nhưng xăng pha cồn vẫn có những điểm yếu khó khắc phục. Cồn sinh học có đặc tính “ngậm nước”, hút nước rất mạnh, nếu xe không vận hành một thời gian, cồn sẽ hút nước lẫn vào xăng, thậm chí có thể hút nước vào động cơ ảnh hưởng đến động cơ khi khởi động lại. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Thanh Hà, Giám đốc PVB, cũng thừa nhận những xe thường không sử dụng 2 tháng rưỡi đến 3 tháng thì không nên dùng loại xăng này.

TS Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết xăng pha 5%-10% cồn sẽ không ảnh hưởng xấu đến động cơ, công suất xe lại cao hơn so với khi chạy bằng xăng Mogas 92. Nhưng nếu tỉ lệ cồn trên 10% thì nhiệt trị (lượng nhiệt sinh ra khi đốt cháy một kg nhiên liệu) của cồn sẽ giảm, ảnh hưởng lượng nhiệt tỏa ra, có thể làm giảm công suất của động cơ.

Tiến sĩ Udo F. Loersch, Chủ tịch VAMA, kiến nghị Bộ KH-CN, Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho nhiên liệu xăng pha ethanol theo từng tỉ lệ tương ứng.

Theo Nguyễn Quyết
nguoilaodong