Tái chế không được, tái xuất không xong
Các Website khác - 18/02/2006
Trở lại vụ nhập khẩu ắcquy chì độc hại:
Tái chế không được, tái xuất không xong
Hồng Quân

Sau khi các cơ quan chức năng lên tiếng phản đối việc nhập khẩu ắcquy chì đã qua sử dụng vào VN, gây ô nhiễm môi trường và vi phạm Công ước Basel, cho đến nay vẫn còn tồn hàng trăm container ắcquy chì tại các kho ngoại quan cửa khẩu cảng Hải Phòng và Quảng Ninh chưa được xử lý.

Có bao nhiêu container chứa ắcquy
chì nhập về cảng Hải Phòng?
Không chỉ nằm ở cảng Hải Phòng
Ngày 26.1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên đã ký tiếp văn bản số 432/BTNMT-BVMT, gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, nêu rõ: Bộ yêu cầu các UBND hai tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ đạo Cục Hải quan và các cơ quan liên quan tại địa phương thực hiện: Buộc các DN nhập khẩu các lô hàng ắcquy chì phế thải phải tái xuất, trả về nước xuất khẩu.

Trước đó tại công văn ký ngày 4.1.2006, Bộ TNMT đã khẳng định: "Việc vận chuyển quá cảnh chất thải nguy hại qua lãnh thổ VN phải được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trung ương đồng ý bằng văn bản và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của Công ước Basel của nước nhập khẩu và các nước quá cảnh. Tuy nhiên, các DN NK đã tuỳ tiện vận chuyển quá cảnh loại chất thải độc hại này vào trong nước, mà không có bất kỳ sự cho phép nào của các cơ quan chức năng".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện số lượng container ắcquy chì tồn đọng ở các cửa khẩu cảng Hải Phòng là khoảng 100 container, còn tại Quảng Ninh chưa có thống kê, nhưng cũng không thấp hơn con số trên.

Mắc ở khâu xử lý
Ban chỉ đạo 127 đã đưa ra 3 phương án xử lý: Buộc DN nhập khẩu tái xuất, khi có giấy phép của nước nhập khẩu; xử lý phạt tiền, tịch thu hàng hoá, rồi bán lại cho các đơn vị có giấy phép của nước nhập khẩu mua lại, xuất đi; hoặc phương án thứ ba là phạt tiền, buộc tiêu huỷ.

Theo ông Trần Hồng Hà - Cục trưởng Cục Môi trường - trong quá trình làm việc với các địa phương, thì khó khăn mà DN nêu ra là DN không thể tái xuất lô hàng độc hại này về nước đã xuất khẩu (do họ không nhận lại).

Theo một quan chức của Cục Môi trường, về nguyên tắc, nước xuất khẩu không thể từ chối việc nhận lại sản phẩm đã được nhập khẩu từ nước họ, vì chiểu theo Công ước Basel, họ sẽ vi phạm công ước và phải chịu các chế định xử phạt.

Bộ TNMT cũng cho biết, trường hợp tốn kém hơn là phải xử lý số ắcquy chì ở trong nước. Bộ TNMT sẽ tìm những cơ sở xử lý, phân loại, thu hồi vỏ nhựa, bản chì, tái sử dụng lượng axít còn bên trong... Tuy nhiên, làm được điều này là khá tốn kém và kinh phí sẽ do DN NK chi trả hoàn toàn. Ngoài ra, DN NK còn phải chịu xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành (tối đa 70 triệu đồng cho một hành vi vi phạm).

Ông Mai Thế Huyên - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng - cho biết: Cục HQ Hải Phòng đã ra văn bản yêu cầu các chủ hàng phải đưa số hàng nói trên ra khỏi VN trước ngày 28.2. Ngay chiều 14.2, Cục HQ Hải Phòng đã mời 9 DN nhập khẩu số ắcquy chì vi phạm để thông báo lần cuối cùng và xem xét các biện pháp mà các DN phải thực hiện để tái xuất lô hàng. Còn việc làm thế nào để tái xuất là trách nhiệm của DN! Công Thắng ghi