Thị trường CNTT 2005: Chất lượng sa sút, cạnh tranh quyết liệt
Các Website khác - 28/12/2005
Nhìn lại thị trường công nghệ thông tin - viễn thông 2005:
Chất lượng sa sút, cạnh tranh quyết liệt

Những chương trình lớn về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong DN, vào trường học không gây được nhiều tiếng vang. Ngành phần mềm tìm ra hướng đi khả quan vào thị trường Nhật Bản, nhưng còn nhiều trở ngại phải bước qua. Trong khi đó, làn sóng sex trên mạng đã và đang đặt ra một vấn đề bức xúc lớn trong thời đại CNTT viễn thông (VT): Những lỗ hổng về bảo mật.

Năm 2006, các mạng ĐTDĐ
công nghệ CDMA tại VN không chỉ có
S-Fone.
Làn sóng sex trên mạng và nỗi lo bảo mật

Nóng hổi và giật gân, tò mò và gây sốc, là những trạng thái trong dư luận, khi năm qua liên tục xuất hiện những hình ảnh sex của một số ca sĩ, người đẹp, diễn viên... trên mạng. Mạng Internet đã trở thành phương tiện để cho một số người cố ý hoặc vô tình để xảy ra xìcăngđan phim ảnh sex.

Qua những "sự cố" trên, càng làm lớn thêm nỗi lo bảo mật. Bất cứ một máy tính nào kết nối Internet, lưu chứa những tài liệu hay lưu lại những hình ảnh thời tươi trẻ đều đứng trước nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu thông qua những ngón nghề xâm nhập qua mạng, thả sâu máy tính, phần mềm gián điệp v.v...

Mới đây, thông tin hacker xâm nhập hệ thống dữ liệu khách hàng trên mạng MobiFone đã làm bao người lo lắng. Trong những ngày cuối năm 2005 đầy khẩn trương, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN, đánh dấu mức độ quan tâm nhiều đến an ninh mạng.

Cuộc chiến giá cước và nỗi thất vọng về chất lượng
Nhiều ý kiến "bỏ phiếu" cho Viettel Mobile (VM) là hiện tượng trong năm 2005, vì đã tạo bước đột phá về giảm giá cước và các chương trình khuyến mãi táo bạo. Khởi đầu từ Viettel, khách hàng dần dần được hưởng lợi nhiều hơn về giá cước, cách tính cước block 6 giây, những chương trình khuyến mãi ồ ạt.

Viettel Mobile đã làm lộ rõ sự "ăn dày" của "anh em nhà VNPT" - VinaPhone và MobiFone - trong suốt chục năm trời đã "chặt đẹp" khách hàng với giá cước cao ngất. Cũng chính Viettel đã dám trực diện công kích vào sự độc quyền và cửa quyền của VNPT, qua vụ tranh chấp về kết nối.

Nhưng VM cũng trở thành "hiện tượng" trong năm về sự tắc nghẽn mạng. Thuê bao VM đã tăng lên rất nhanh, nhưng mạng này vẫn chưa thực sự lớn và mạnh. Đây cũng là điểm yếu chung của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở VN. Càng đua nhau giảm giá, càng báo động về chất lượng, lại thấp thoáng những cung cách làm ăn chụp giật.

Cạnh tranh sẽ quyết liệt
Trò chơi trực tuyến (TCTT) trong năm qua như bão tràn vào các tỉnh, thành và gây choáng. Từ tháng 1.2006, Bộ BCVT bắt đầu thực hiện cấp phép cho loại hình kinh doanh dịch vụ này. Một số dịch vụ viễn thông mới khác cũng sẽ được khuếch trương trong năm 2006, như Internet tốc độ cao tích hợp trong đường cáp truyền hình, trong đường điện.

Nhưng, sự cạnh tranh căng thẳng nhất, quyết liệt nhất có lẽ vẫn sẽ diễn ra trong thị trường thông tin di động (TTDĐ). Năm qua ghi nhận sự căng thẳng giữa VM với VinaPhone và MobiFone, cùng công nghệ mạng GSM. Song năm tới, dự kiến Hà Nội Telecom đầu 092 và VP Telecom đầu 096 ra đời, mặt trận cạnh tranh sẽ mở rộng thêm giữa cộng đồng GSM với cộng đồng CDMA gồm cả S-Fone.

Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ TTDĐ hứa hẹn cải thiện và nâng cấp dịch vụ thì thật đáng buồn, trong lĩnh vực dịch vụ Internet, các nhà cung cấp dịch vụ dường như chỉ muốn... yêu sách với Nhà nước.

Thẩm Hồng Thụy