10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2005 | Tập thể quốc tế dầu khí Việt Nga trên giàn khoan Bạch Hổ. |
1- GDP tăng 8,4% - cao nhất trong vòng 5 năm qua, GDP bình quân đầu người đạt 640USD.
Hai ngành kinh tế có bứt phá ngoạn mục: Xuất khẩu tăng 23% (chỉ tiêu 16%), trị giá kim ngạch đạt tới 32 tỉ USD và tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 5,8 tỉ USD, cao nhất kể từ năm 1998 trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng gần gấp đôi mức tăng GDP, đạt 16,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 38,2% GDP, tạo việc làm cho 1,6 triệu người. | Thủ tướng Phan Văn Khải trên Công trường thuỷ điện Sơn La ngày ngăn sông (2.12.2005). |
2- Khởi công 2 công trình lớn: Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy thuỷ điện Sơn La.
Sau 8 năm chờ đợi, cuối cùng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) - nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta - đã được khởi công xây dựng vào ngày 28.11, với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 2,5 tỉ USD, mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường trong nước trên 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. Năm ngày sau (2.12), Nhà máy thuỷ điện Sơn La - công trình thuỷ điện thuộc loại lớn nhất khu vực - cũng đã chính thức được khởi công, với tổng số vốn dự toán ban đầu lên tới gần 37.000 tỉ đồng, công suất 2.400MW, hằng năm cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 10 tỉ kWh. Để thực hiện dự án này, các tỉnh Tây Bắc phải di dời tới 16.500 hộ dân. Công trình còn góp phần trị thuỷ cho hơn 20 triệu dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ và làm thay đổi đời sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Vào năm 2010, Nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ chính thức phát điện - sớm hơn dự kiến 2 năm.
| Xuất khẩu than ở nhà sàng than Cửa Ông - Quảng Ninh. | 3- VN lỡ "chuyến tàu" gia nhập WTO tại Hồng Kông vào tháng 12.2005.
Nguyên nhân chính là do một số đối tác có những yêu cầu quá cao với VN - một quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, hiện chúng ta đã trải qua 10 phiên đàm phán đa phương và hoàn thành đàm phán song phương với 22/27 đối tác có yêu cầu; đang nỗ lực kết thúc đàm phán với các đối tác còn lại, trong đó quan trọng nhất là kết thúc đàm phán với Mỹ vào đầu năm 2006. Theo giới phân tích trong và ngoài nước, khả năng VN được gia nhập WTO vào năm 2006 là trong tầm tay.
4- Giá vàng tăng cao nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân là do giá vàng thế giới liên tục tăng trong 2 tháng cuối năm và có thời điểm vọt lên trên 510USD/oz - cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vàng hiện đã trở thành một loại hàng hoá thông thường và đa số người dân không còn lấy vàng làm thước đo để định giá các loại hàng hoá khác nên không mấy ảnh hưởng tới giá cả sinh hoạt. Tuy nhiên, giá vàng tăng cũng ít nhiều làm thị trường bất động sản vốn đã "đóng băng" hơn 1 năm nay thêm "đông cứng" và sức mua sắm nữ trang mùa cưới cũng như dịp lễ, Tết cuối năm chững lại.
5- Lần đầu tiên giảm giá bán lẻ xăng sau 3 đợt tăng giá trong năm 2005.
Trong năm, giá dầu thô thế giới tăng vọt, có thời điểm (tháng 7 - 8) lên tới trên 75USD/thùng đã khiến Nhà nước phải 3 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu và đợt tăng gần đây nhất đã phải tăng từ 10-20%. Tuy nhiên, 2 tháng cuối năm, thị trường dầu thô thế giới hạ nhiệt và ổn định ở mức dưới 60USD/thùng. Và để giá xăng dầu tiếp cận dần cơ chế thị trường, lần đầu tiên (sau 7-8 lần tăng giá trong vòng mấy năm qua), Nhà nước đã quyết định giảm giá bán lẻ các loại xăng xuống 500đ/lít.
6- Đại dịch cúm gia cầm và nguy cơ lây nhiễm virus cúm A H5N1 ở người bùng phát.
Vào thời điểm bùng phát cuối năm, đã có trên 30 tỉnh, thành phố phát sinh bệnh dịch, làm chết gần 4 triệu con gia cầm, sản xuất chăn nuôi đình đốn do "đầu ra" bị tê liệt, thiệt hại ước tính lên tới nhiều ngàn tỉ đồng. Nhà nước đã phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhập thuốc tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm trên 220 triệu con. Ngoài ra, phải hỗ trợ cho nông dân chuyển hướng chăn nuôi, hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung gia cầm sạch. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống virus cúm A H5N1 ở người cũng tiêu tốn của ngân khố quốc gia trên 1.000 tỉ đồng.
7- Vụ tiêu cực côngtơ điện tử tại TPHCM.
Đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên một địa bàn đông dân nhất cả nước. Hơn 300.000 chiếc côngtơ điện tử đã được phù phép đội giá lên rất cao, gian dối trong kiểm định chất lượng, bước đầu khi đưa vào sử dụng đã gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ dân, hậu quả khắc phục vô cùng nặng nề và kéo dài nhiều năm. Hàng loạt cán bộ chủ chốt của Điện lực TPHCM đã bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có cả một đại biểu Quốc hội.
8- Thiên tai, bão lũ tiếp tục tàn phá.
Đặc biệt là cơn bão số 7 đã tàn phá hàng ngàn nhà cửa, đê điều, bệnh viện, trường học, hàng trăm ngàn hécta lúa, hoa màu trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Nghiêm trọng hơn, bão lụt đã gây ra các trận lũ quét kinh hoàng tại các tỉnh miền núi phía bắc và miền Trung, phá huỷ nhiều nhà cửa, làng bản, làm hàng trăm người chết, mất tích và bị thương.
| Xe máy lắp ráp ở Việt Nam xuất xưởng. | 9- Bãi bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy.
Quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy nhằm hạn chế tai nạn và ách tắc giao thông, nhất là ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, quy định này trái với các văn bản pháp luật hiện hành và nhất là không đạt được mục tiêu, khiến phát sinh nhiều tiêu cực. Sau khi bãi bỏ quy định này, tại 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đã không xảy ra "sốt" đăng ký xe máy mới như dự đoán. Điều này chứng tỏ quyết định trên hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân.
| Giải toả nút giao thông Ngã Tư Sở (Hà Nội), một số cán bộ đã khai khống để rút tiền Nhà nước. | 10- Phát hiện nhiều vụ tiêu cực về đất đai.
Phần lớn các vụ việc tiêu cực bị phát hiện là do báo chí và người dân ở cơ sở. Điển hình phải kể đến các vụ tiêu cực tại Phú Quốc (Kiên Giang), Đồ Sơn (Hải Phòng), Đồng Nai, Tây Ninh... Điều đáng nói, thủ phạm phần lớn là các quan chức địa phương. Nhiều cán bộ cấp tỉnh, quận, huyện đã bị kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí bị khởi tố, bắt giam. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thành lập 11 đoàn đi kiểm tra tình hình thực hiện Luật Đất đai và đã phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm từ đơn thư tố cáo của người dân.
Ban KTXH bình chọn |