Thu phí bảo hiểm tận nhà còn nhiều rủi ro
Các Website khác - 06/10/2005

Để tạo thuận lợi cho khách hàng đóng phí bảo hiểm định kỳ, các công ty bảo hiểm nhân thọ tổ chức thu phí tại nhà. Trong một số trường hợp, nhân viên thu phí không đem khoản tiền của khách hàng về nộp lại cho công ty.

dfhgfhjhjk
Thanh toán qua ATM được coi là giải pháp hạn chế rủi ro.

Anh Tuấn Anh ở Bình Chánh, TP HCM mua một hợp đồng bảo hiểm cho con trai 8 tuổi. 6 tháng một lần, đại lý của công ty ghé nhà anh để thu phí. Đùng một cái, anh nhận được thông báo, hợp đồng mất hiệu lực vì anh đã không đóng phí đúng hạn. Không liên lạc được với đại lý bảo hiểm, nơi đã nhận tiền phí, anh gọi điện lên công ty thì được biết đại lý đã xin nghỉ việc. Cô nhân viên hướng dẫn anh làm đơn khiếu nại và nhắc anh nhớ mang theo biên lai nộp phí, nếu không sẽ "rất khó giải quyết".

Công ty Bảo hiểm AIA cũng vừa chuyển hồ sơ một khách hàng tương tự khi một đại lý chiếm đoạt tiền phí của khách hàng sang cơ quan cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng, công ty đã đồng ý hoàn lại toàn bộ số tiền do đại lý chiếm đoạt dựa trên các "bằng chứng xác thực" là các biên lai tạm mà đại lý đã giao cho khách hàng.

Theo các công ty bảo hiểm, mọi chuyện sẽ trở lên rắc rối hơn đối với trường hợp phía khách hàng không còn giữ biên lai tạm. “Biên lai tạm được xem là biên nhận chính thức của công ty vì hóa đơn tài chính chỉ được gửi về nhà khách hàng qua đường bưu điện 7-10 ngày sau đó. Vì vậy, nếu khách hàng làm mất (biên lai), sẽ rất khó khẳng định ngay lúc đó là họ đã nộp tiền khi nào và nộp tiền cho ai, một khi đại lý đã cao chạy xa bay”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho biết.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, nếu đến thời hạn đóng phí bảo hiểm nhưng bên mua bảo hiểm không thực hiện thì sẽ được gia hạn thêm 60 ngày. Hết thời hạn này mà khách hàng vẫn chưa đóng thì hợp đồng sẽ tự động chấm dứt và không còn giá trị (nếu hợp đồng chưa có giá trị hoàn lại). Chính vì thế, khi công ty chưa xuất hóa đơn tài chính và người tham gia bảo hiểm không còn giữ biên lai tạm thì rủi ro có thể xảy ra nếu gặp đại lý không trung thực.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), hiện nay số lượng đại lý tư vấn bảo hiểm đã lên đến khoảng 110.000 người, gần như một “xã hội thu nhỏ” nên các doanh nghiệp bảo hiểm rất khó lòng kiểm soát. Do vậy, các doanh nghiệp nên chỉ cho phép đại lý tư vấn được thu phí lần đầu khi ký hợp đồng, còn những lần kế tiếp thì giao cho đội ngũ thu phí chuyên nghiệp.

Các nhân viên thu phí có số lượng ít và được chọn lọc kỹ càng hơn. Điều kiện kèm theo đối với các nhân viên thu phí là phải đặt cọc hoặc có người quen “kỳ cựu” trong công ty bảo lãnh. Họ thường bị buộc phải nộp tiền lại trong vòng ba ngày, thậm chí có doanh nghiệp còn buộc phải nộp ngay trong ngày. “Chúng tôi cũng tính toán sao cho số tiền họ thu được chỉ ở trong một giới hạn nhất định để giảm thiểu rủi ro”, ông Lê Đình Bửu Trí, luật sư của Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam cho biết.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, cho rằng, theo qui định hiện hành, nếu một đại lý bị sa thải vì vi phạm kỷ luật của công ty thì sẽ bị cấm hành nghề ba năm. Tuy nhiên, rắc rối hiện nay vẫn là nhiều khi công ty này sa thải nhưng công ty khác lại nhận vì thiếu thông tin.

“Hiện nay chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu chung quản lý hệ thống đại lý gọi là AVICAD, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 11. Khi đó nếu muốn tuyển một người làm đại lý, doanh nghiệp chỉ cần đánh tên và số chứng minh nhân dân của người này thì sẽ biết người này đã được doanh nghiệp nào tuyển chưa và “lý lịch” có vấn đề gì không”, ông Lộc cho biết.

Cùng lúc này, các doanh nghiệp đang chú trọng đẩy mạnh thanh toán phí bảo hiểm qua ngân hàng để bớt áp lực cho các kênh thanh toán khác. Prudential đang tiến hành những bước cuối cùng để khách hàng có thể thanh toán qua Ngân hàng Nông nghiệp bên cạnh Ngân hàng Ngoại thương.

AIA đã hợp tác với Sacombank, Vietcombank, ACB, nay tiếp tục mở rộng sang các ngân hàng khác. Tuy nhiên, điểm hạn chế là khách hàng ở các thành phố lớn mới sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong khi sản phẩm bảo hiểm đã có mặt ở hầu hết tỉnh, thành trong cả nước.

(Theo Tuổi Trẻ)