EU hứa khách quan trong vụ kiện da giày
Các Website khác - 06/10/2005

Tổng cục trưởng Quan hệ đối ngoại Ủy ban châu Âu (EC) Eneko Landaburu hôm qua đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp. Ngoài ra, EC cũng sẽ hỗ trợ các công ty của VN nếu họ hợp tác với EC trong quá trình điều tra.

Từ năm ngoái, VN đã gửi công hàm đề nghị EC công nhận là nền kinh tế thị trường.

Ông Landaburu cũng cho biết, sắp tới Cao ủy Thương mại EU Peter Mandelson sẽ có cuộc tiếp xúc và trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển - hiện đang ở thăm Bỉ - về vấn đề này trước khi EC đưa ra kết luận cuối cùng.

Đối với việc trao quy chế thị trường cho VN, ông Landaburu cho biết, EC vẫn đang xem xét các thông tin mà phía VN đưa ra. Giải thích về việc cho đến nay EC vẫn chưa trao quy chế này cho VN, ông Landaburu cho biết, EC không chỉ xem xét toàn bộ về kinh tế VN xem có phù hợp hay không, mà quyết định của EC còn phải tương thích với những quy chế thương mại của EU. Việc này cần nhiều thời gian và chưa thể kết thúc sớm. Theo ông Eneko Landaburu, cuối tháng 10, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc họp nữa về vấn đề này.

Theo các cam kết trong Hiệp định Tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp viễn thông của EU như Comvik, Alcatel sau khi kết thúc hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) tại VN sẽ được chuyển đổi thành hình thức hoạt động khác với các điều kiện ưu đãi không kém BCC. Trả lời câu hỏi của VnExpress về số phận của Comvik trong quá trình cổ phần hóa MobiFone, ông Eneko Landaburu cho hay, sau khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư này đang gặp một số khó khăn. EC đã phản ánh vấn đề của Comvik tại cuộc họp để phía VN nắm được và có hướng giải quyết theo tinh thần hiệp định.

Đề cập đến cam kết cho phép một nhà đầu tư EU thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong lĩnh vực xây dựng văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nói, VN đã cấp phép cho một số dự án hoạt động theo mô hình này như Phú Mỹ Hưng hay Ciputra. Hiện Bộ chưa nhận được đề nghị tương tự nào từ các nhà đầu tư EU. Do kinh doanh bất động sản là một ngành nghề có điều kiện nên ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư muốn tham gia lĩnh vực này sẽ phải thực hiện thêm các quy định từ các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Do VN chưa có các bộ luật trên, trước mắt nếu có dự án nào xin phép đầu tư bộ sẽ xem xét cụ thể.

Ông Landaburu cho biết, tại cuộc họp ủy ban hỗn hợp VN - EC hôm qua, hai bên cũng đã điểm lại những mốc chính trong quan hệ song phương, trong đó đáng chú ý là việc hoàn tất Hiệp định về việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định song phương mới về tiếp cận thị trường đã có hiệu lực, cho phép miễn áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất khẩu của VN.

Phía EU và VN cũng đã thông báo cho nhau về các vấn đề khu vực như sự hợp tác EC - ASEAN về hội nhập kinh tế trong khuôn khổ "Sáng kiến Thương mại liên khu vực EU - ASEAN", "Công cụ đối thoại khu vực EU - ASEAN và tiến triển của Nhóm tầm nhìn về triển vọng một khu vực mậu dịch tự do EU - ASEAN.

Hai bên quyết định phiên họp tiếp theo của Ủy ban hỗn hợp sẽ được tổ chức ở Brussel, Bỉ vào năm 2007.

Hà Vy - Việt Phong

Theo dòng sự kiện:
VN chuẩn bị sang EU thảo luận về quy chế thị trường (09/09)
EU chưa trao quy chế thị trường cho VN (29/06)
EU xem xét trao quy chế kinh tế thị trường cho VN (21/02)
Xem tiếp»