Xuất khẩu gạo hướng tới thị trường cao cấp
Các Website khác - 07/01/2006
Xuất khẩu gạo năm 2006:
Hướng tới thị trường cao cấp

Xuất khẩu gạo ở cảng Nhà Rồng,
TP.Hồ Chí Minh.
Ngay đầu năm 2006, thị trường xuất khẩu (XK) gạo đã có tín hiệu lạc quan khi các doanh nghiệp (DN) đã ký được các hợp đồng XK gần 600.000 tấn. Tuy nhiên, từ thực tiễn đồng ruộng vựa lúa ĐBSCL và sự vận hành của các DN kinh doanh XK lương thực cho thấy: Phải có các giải pháp đồng bộ, sát hợp tình hình ngay từ khâu sản xuất, từ mối quan hệ giữa nông dân - DN, hạt gạo VN mới có thể nâng cao hiệu quả XK...


Không ngại số lượng
Bà Trần Ngọc Sương - Giám đốc Nông trường Sông Hậu - cho rằng: Số lượng không còn là bài toán phải băn khoăn nhiều đối với hoạt động XK gạo của VN. Vấn đề là XK ở thời điểm nào để đạt được yếu tố có lợi cao nhất cho cả DN và nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Xoàn (Trưởng phòng Kinh doanh, Cty lương thực Đồng Tháp) cho biết: "Năm 2006, Cty có kế hoạch mua 500.000 tấn lúa, XK 200.000 tấn gạo. Hiện Cty chưa ký kết hợp đồng XK nào. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động kinh doanh XK mấy năm qua của đơn vị, từ diễn biến thị trường gạo trên thế giới thì kế hoạch này có cơ sở thực hiện được".

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN dự báo, năm 2006 nhu cầu gạo trên thị trường vẫn lớn. Bộ Thương mại qua phân tích tình hình sản xuất - XK gạo trên thế giới cũng cho rằng giá gạo thế giới năm 2006 sẽ ở mức cao.

Trong khi đó, trên đồng ruộng vụ đông xuân 2005 - 2006 ở ĐBSCL ngay từ đầu vụ, thời tiết đã diễn biến không thuận lợi như mưa muộn, nhiệt độ thấp... Tình trạng nhiễm phèn, nhiễm mặn vẫn xảy ra và việc không cho vịt chạy đồng khiến ốc bươu vàng phát sinh tại nhiều địa phương. Thống kê sơ bộ tại Cà Mau đã có xấp xỉ 50%/13.000ha lúa vừa xuống giống bị thiệt hại nặng.

Ở Kiên Giang, Đồng Tháp, ốc bươu vàng, chuột cắn phá hàng chục ngàn hécta lúa; trong đó ở Đồng Tháp có 200ha mất trắng. Tuy nhiên, theo nhận định của các DN kinh doanh XK gạo ở ĐBSCL, lúa hàng hoá vụ đông xuân sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Giá lúa ở ĐBSCL hiện đang ở mức cao (bình quân 2.500 đồng/kg). Tuy nhiên, đây chính là vấn đề mà nông dân băn khoăn khi thu hoạch rộ (khoảng trung tuần tháng 2.2006) giá có thể tụt. Mấy năm liên tiếp cho thấy, sự liên kết giữa nông dân - DN thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn lỏng lẻo dẫn tới tình trạng giá trồi sụt; có thời điểm DN cần gạo XK nhưng nông dân lại giữ lúa chờ giá tăng...

Gạo nhập kho tại
Nông trường Sông Hậu.

Làm sao tăng giá trị xuất khẩu?
Theo các DN kinh doanh XK gạo ở ĐSBCL, khoảng cách giá gạo cùng loại giữa VN và Thái Lan đang ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, Giám đốc Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương cho rằng: Tới nay, thị trường XK gạo của VN vẫn là gạo chất lượng trung bình và thấp. Không tăng số lượng XK nhưng tăng giá trị kim ngạch tất yếu phải hướng tới thị trường gạo cao cấp.

Đất trồng lúa của Thái Lan vòng quay chỉ 1,2 trong khi ở ĐBSCL là trên 2 vì đa số nông dân đang trồng lúa ngắn ngày, năng suất cao. Chương trình "Một triệu hécta lúa chất lượng cao" ở ĐBSCL thực tế chưa phải đã tiến triển suôn sẻ. Trong khi đó Thái Lan chú trọng tới trồng các giống lúa chất lượng cao dù có thể dài ngày...

Đã vậy - vẫn theo bà Trần Ngọc Sương - độ thuần của hạt gạo chưa cao do tỉ lệ sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp. Về vấn đề này, GS - TS Bùi Chí Bửu (Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) cho biết: Các địa phương vẫn chưa tập trung sản xuất giống lúa xác nhận. Tỉ lệ sử dụng giống lúa xác nhận ở ĐBSCL năm 2005 theo kế hoạch phải đạt 38%, nhưng thực tế vẫn đứng ở mức 24%.

Tại một cuộc hội thảo về phẩm chất hạt gạo và vấn đề an ninh lương thực vào cuối tháng 12.2005 tại TP.Cần Thơ, sau khi đánh giá phẩm chất cao của gạo Thái Lan, GS-TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang) đã hóm hỉnh nhận xét: "Còn gạo VN chỉ làm... no (bụng) thế giới!". Đây chính là bài toán phải giải để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo VN theo hướng không cần tăng số lượng, nhưng vẫn tăng kim ngạch XK. Lê Như Giang

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: "Năm 2005 là năm đáng ghi nhớ trong lịch sử xuất khẩu gạo VN. Lần đầu tiên kim ngạch vượt mức 1,279 tỉ USD với tổng số gạo xuất khẩu đạt 5,204 triệu tấn, phá bỏ kỷ lục năm 1999 là 4,5 triệu tấn. Đặc biệt, gạo Việt Nam đã rút ngắn khoảng cách về giá với gạo của Thái Lan, hiện chỉ còn chênh lệch 4-5USD/tấn. Thế nhưng, trong năm 2005, tỉ lệ gạo trung bình và thấp đã tăng thêm 9,37% so với năm 2004, chiếm tỉ lệ 60,02% tổng số gạo xuất khẩu. Trong khi đó, thật đáng buồn vì tỉ lệ gạo cao cấp xuất khẩu chỉ chiếm 32,36%, giảm 4% so với năm 2004. Trong năm 2006, việc xúc tiến thương mại cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp sang Châu Phi, duy trì các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia, Cuba, tăng cường thị trường Châu AÁ và khôi phục lại thị trường Trung Đông". M.Thoa ghi

Ngày 5.1, Hiệp hội Lương thực VN đã kiến nghị Bộ NNPTNT cần xem xét lại chỉ tiêu cân đối lương thực như tỉ lệ hao hụt, tỉ lệ dành cho chăn nuôi, tỉ lệ tiêu dùng và để giống... vì một số chỉ tiêu không còn thích hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt, vấn đề chính sách đầu tư giống, nhất là các loại lúa thơm, đặc sản và nếp đã được nhiều đơn vị nêu lên như một giải pháp nhằm tăng chất lượng và giá trị mặt hàng xuất khẩu. Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Thương mại xây dựng quy chế đăng ký hợp đồng, quy chế đấu thầu, quy chế hợp đồng tập trung. M.Thoa ghi