Việt Nam gia nhập WTO: Tháng 12 - mục tiêu "mong manh"
Các Website khác - 07/10/2005
Quá trình gia nhập WTO của VN: Tháng 12 - mục tiêu "mong manh"

"Tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của VN đã đạt bước tiến quan trọng, khi dự thảo sửa đổi đầu tiên trong báo cáo gia nhập của ban công tác được xem xét kỹ lưỡng, tại phiên đàm phán đa phương ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 15.9 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm" - ông Shishir Priyadarshi - Đại diện Ban Thư ký WTO cho biết tại Hội thảo quốc gia "VN gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức" - do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội hôm qua, 6.10.

Bình luận về triển vọng gia nhập WTO của VN tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hồng Kông vào tháng 12 tới, ông Priyadarshi cho biết, điều quan trọng nhất VN cần làm hiện nay là kết thúc đàm phán song phương với các đối tác. Nếu làm được điều đó, VN sẽ phải hoàn thiện thêm một số quy trình về mặt thủ tục, cũng như kết thúc đàm phán đa phương. "Nói chung, khả năng này là rất mong manh" - ông Priyadarshi nhấn mạnh.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện Quản lý kinh tế trung ương, việc VN gia nhập WTO vào tháng 12 hay chậm hơn đôi chút không phải điều quan trọng nhất vào thời điểm này; mà quan trọng là nỗ lực gia nhập WTO tạo "sức ép tốt" để VN đẩy mạnh cải cách kinh tế và pháp luật "Từ cuối năm ngoái đến nay, VN đã chứng tỏ mình làm rất tốt quá trình cải cách" - ông Thành khẳng định.

Ông Priyadarshi cũng cho rằng, các bản chào của VN đã thể hiện sự cắt giảm đáng kể hàng rào nhập khẩu và các rào cản thương mại khác về danh nghĩa, nhưng những lợi ích mà VN có thể được hưởng từ việc tự do hoá thương mại sẽ bị hạn chế, nếu VN không cải cách nền kinh tế toàn diện và lâu dài.

TR.M

Đại sứ Ngô Quang Xuân - Trưởng phái đoàn đại diện VN tại Geneva:

"Trong đàm phán song phương, Mỹ vẫn là đối tác khó khăn nhất. Trong cả hai lĩnh vực đàm phán, hàng hoá và dịch vụ Mỹ đều rất quan tâm và nêu rất nhiều câu hỏi. Tôi nghĩ rằng sự chênh về trình độ phát triển, chênh nhau về hệ thống luật lệ, về mức độ tham gia thị trường quốc tế đã làm nảy sinh những khó khăn. Mỹ hỗ trợ Việt Nam rất nhiều, song cũng yêu cầu rất cao. Nếu đáp ứng được hết các yêu cầu của Mỹ thì Việt Nam đã là một nước phát triển rất cao rồi. Theo tôi, các nhà đàm phán hai bên cần hiểu rõ nhau và nếu phía Mỹ thông cảm thì cũng bớt phức tạp cho Việt Nam".