Phát hành trái phiếu Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ 26.12: Thăm dò để tiến tới cổ phiếu
VCB ngày 22.11 đã chính thức công bố sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn kể từ ngày 26.12.2005. Điểm đặc biệt hấp dẫn của trái phiếu lần này không nằm ở mức lãi suất trần 8,5%/năm, mà chính là quyền ưu tiên chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu khi VCB phát hành cổ phiếu (dự kiến năm 2006).
 | Giao dịch tại hội sở chính VCB. | Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị VCB - cho biết, VCB dự kiến sẽ phát hành khoảng 1.200 tỉ đồng (+-15%) trái phiếu trong đợt này. Đối với nhà đầu tư có tổ chức, lãi suất trái phiếu được thực hiện thông qua đấu thầu lãi suất với mức lãi suất trần là 8,5%/năm. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ ngày 6.12 đến trước 11h ngày 12.12.2005, tại trụ sở VCB HN và chi nhánh VCB TPHCM. Số tiền đặt cọc bằng 10% mệnh giá. Thời gian đấu thầu là 14.12.2005.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, trái phiếu được bán bằng mệnh giá, lãi suất trái phiếu được ấn định theo lãi suất phát hành hình thành từ phiên đấu thầu lãi suất của nhà đầu tư là các tổ chức, ưu tiên theo thứ tự thời gian đặt mua và thanh toán. 70% trái phiếu sẽ dành cho các nhà đầu tư là tổ chức và 30% cho cá nhân. Giới hạn đặt mua tối thiểu của tổ chức là 5 tỉ đồng, tối đa là 50 tỉ đồng. Với các nhà đầu tư cá nhân, giới hạn đặt mua tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 10 tỉ đồng. Trái phiếu có thời hạn là 7 năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu bằng VND, được thanh toán lãi và gốc bằng VND. Trái phiếu không được thanh toán trước hạn, nhưng đến 2006, khi VCB phát hành cổ phiếu, người sở hữu trái phiếu sẽ được quyền ưu tiên mua cổ phiếu của VCB bằng trái phiếu này.
Một thông tin quan trọng được chú ý, đó là việc VCB chỉ phát hành trái phiếu cho những đối tượng là tổ chức và cá nhân VN. Điều này có nghĩa các công ty liên doanh, các quỹ đầu tư tài chính nước ngoài...sẽ nằm ngoài "cuộc chơi". Lý do được giải thích là VCB muốn dành quyền ưu tiên sở hữu cho người VN khi một ngân hàng (NH) thuộc hàng lớn nhất VN cổ phần hoá. Tuy nhiên, một chuyên gia ngân hàng nhận định: Có vẻ không "fair" (công bằng) lắm, nhưng nếu để các tổ chức nước ngoài tham gia ngay từ đầu thì các tổ chức và cá nhân trong nước sẽ khó có cơ hội. Chưa có thông tin chính thức về giá cổ phiếu của VCB khi phát hành, nhưng một thông tin "ngoài luồng" dự báo, giá cổ phiếu sẽ được "kiềm chế" ở vào khoảng 200% so với mệnh giá.
Để có thêm thông tin cho các nhà đầu tư, phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) xung quanh vấn đề này.
- VCB đã "khởi động" quá trình CPH bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi từ 26.12 tới. Ông giải thích động thái này thế nào?
- Trái phiếu chuyển đổi có vai trò tăng vốn tự có của VCB trước khi CPH. Đây là động thái cải thiện căn bản tỉ lệ an toàn vốn nhằm nâng cao giá trị của NH. Đây cũng là một bước thăm dò thị trường để chuẩn bị cho việc CPH.
- Tỉ lệ chuyển đổi trái phiếu này sang cổ phiếu của VCB vẫn là ẩn số. Điều này liệu có rủi ro cho người mua?
- Theo thông lệ, trái phiếu chuyển đổi thường được phát hành sau khi NH đã phát hành cổ phiếu để người mua có thể ước lượng được tỉ lệ chuyển đổi. Nhưng trái phiếu tăng vốn phát hành lần này chỉ là một loại trái phiếu dài hạn nhằm tăng vốn tự có cấp II của VCB. Đặc điểm chuyển đổi được thêm vào để làm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu và gắn nó với quá trình CPH, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước tham gia. Xét về giá trị, mua trái phiếu chuyển đổi lúc này hoặc mua cổ phiếu sau này đều như nhau, nhưng quyền được mua cổ phiếu của các trái chủ (chủ sở hữu trái phiếu) sẽ chắc chắn hơn khi VCB phát hành cổ phiếu.
- Quy trình giao nhận trái phiếu và lưu ký trái phiếu sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Khi mua trái phiếu, người mua sẽ được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu. Đây là chứng nhận người mua sở hữu một tài khoản trái phiếu ghi sổ và lưu ký tập trung tại Cty chứng khoán VCB (VCBS). Khi trái phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán, trái chủ sẽ được giao dịch trên thị trường này.
-Xin cảm ơn ông!
Bích Hằng |