Xuất khẩu gạo trong năm nay được các chuyên dự báo sẽ sôi động hơn rất nhiều so với năm 2005. Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết, ngay từ đầu năm các bên đã họp để bàn công tác điều hành xuất khẩu theo hướng có lợi nhất cho người trồng lúa.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay?Thứ trưởng Phan Thế Ruệ. Ảnh: Tuổi Trẻ
- Hoạt động xuất gạo trong năm nay sẽ sôi động, thậm chí còn “nóng” hơn năm 2005. Theo tính toán của các tổ chức quốc tế, nhu cầu gạo trong năm 2006 lên tới 412 triệu tấn, trong khi nguồn cung chỉ vào khoảng 406 triệu tấn. Các nước xuất khẩu gạo chủ lực vẫn là Thái Lan, VN, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan...
Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng. Trong đó, Hàn Quốc cũng mới dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo và Indonesia cũng vừa mở ra khả năng nhập gạo sau một thời gian cấm nhập... Thời tiết dự báo là khắc nghiệt, thiên tai nhiều nơi cũng ảnh hưởng đến thị trường gạo khi nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải tính toán tiến độ ký hợp đồng sao cho có được mức giá tốt nhất.
- Nông dân than phiền giá lúa trồi sụt do Nhà nước đôi lúc không cho xuất khẩu gạo, điều này liệu có xảy ra trong năm 2006?
- Điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua còn yếu kém, cả trong điều hành vĩ mô. Trước tiên phải kể đến là không xác định chính xác sản lượng gạo xuất khẩu. Điều này đã gây nhiều lúng túng cho doanh nghiệp vì họ không chủ động trong việc đàm phán và ký kết hợp đồng. Làm sao doanh nghiệp chủ động được khi thì chúng ta cho xuất có 3,8 triệu tấn gạo, lúc thì tăng lên 4,1 triệu tấn, cuối cùng vọt đến gần 5,2 triệu tấn. Nguyên nhân là do chúng ta tính sai cơ cấu lương thực tiêu dùng trong nước.
Theo công thức tính cơ cấu lương thực có từ cách đây 20 năm, trong tổng số 36 triệu tấn lúa, sản lượng dành cho xuất khẩu chỉ có 7 triệu tấn (tương đương 3,5 triệu tấn gạo), còn lại dành cho tiêu dùng, giống và cả hao hụt... Trong khi thực tế, nhờ tiến bộ khoa học, lượng lúa giống dành cho 4 triệu ha canh tác đã giảm khoảng 5 triệu tấn (từ 200 kg/ha xuồng còn 80 kg/ha), nhu cầu tiêu dùng gạo trong dân cũng giảm do đời sống khá hơn, hao hụt sau thu hoạch cũng đã giảm, từ 15% còn 7-8%... |
Vừa rồi Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm tính lại cơ cấu tiêu dùng lương thực, trên cơ sở đó đưa ra con số tiêu dùng nội địa và sản lượng gạo dành cho xuất khẩu chính xác hơn. Khắc phục được tồn tại này, hoạt động xuất khẩu sẽ nhịp nhàng hơn, không còn chuyện “ngưng” rồi “mở”. Ngoài ra, công tác dự báo thị trường, phối hợp giữa các doanh nghiệp cũng phải được chấn chỉnh để tăng hiệu quả xuất khẩu.
- Thưa Thứ trưởng, năm nay, chỉ tiêu xuất khẩu gạo sẽ là bao nhiêu?
- Năm 2005, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được gần 5,2 triệu tấn gạo, thu về gần 1,4 tỷ USD. Có khả năng trong năm nay con số này sẽ vào khoảng 5 triệu tấn, nếu sản lượng lúa đạt 36 triệu tấn như dự báo. Tuy nhiên, trước mắt, từ nay đến ngày 20/2, thời điểm giáp hạt và cận Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp phải giãn tiến độ ký hợp đồng xuất khẩu để tránh gây đột biến giá.
Còn về lâu dài, hoạt động xuất khẩu gạo của VN cần phải đi bằng “hai chân”, vừa tìm kiếm thị trường gạo phẩm cấp thấp nhưng cũng phải nâng cao chất lượng gạo, tránh chạy theo số lượng.
Hiện nay một số nước châu Á, châu Phi... đang mua gạo phẩm cấp thấp (25% tấm), nhưng nếu kinh tế các nước này được cải thiện, họ chuyển sang sử dụng gạo 15% tấm thì chúng ta sẽ bị động ngay. Có đến 60% sản lượng gạo xuất khẩu của VN là gạo phẩm cấp thấp là quá nhiều. Phải đầu tư, cải thiện hơn nữa chất lượng giống lúa để có hạt gạo xuất khẩu tốt hơn.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại (04/01/2006)
▪ Áp dụng phương thức định giá mua, bán căn hộ (06/01/2006)
▪ Đại diện Cty Linkton Singapore làm việc với Ban chuyên án (06/01/2006)
▪ Họp kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo TCty Dầu khí VN và TCty Điện lực VN (06/01/2006)
▪ Dự kiến thu hoạch 850.000 tấn gạo trong tháng 1 và 2.2006 (06/01/2006)
▪ Thanh Hoá: Đầu tư 1 tỉ đồng xây dựng lò giết mổ gia cầm sạch (06/01/2006)
▪ Một số nhà phân phối ngừng nhận ximăng Holcim (06/01/2006)
▪ 1.000 du khách Nhật tham gia lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam (06/01/2006)
▪ Chất lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam còn "nhiều vấn đề" (06/01/2006)
▪ Không thể trông chờ nguồn vốn BOT (06/01/2006)