![]() |
(swtue.de) |
Tại các điểm xông hơi - massage, hầu như ai cũng tắm lại ngay sau khi xông hơi, điều này rất nguy hiểm. Sai lầm này làm giảm sự lưu thông máu, gây đau nhức cơ thể, dễ nhiễm bệnh (nhất là tạng phổi).
Theo bác sĩ Lê Thúy Tươi, Viện Y dược học dân tộc TP HCM, xông hơi như một biện pháp trị "cảm phong hàn" hữu hiệu, giúp đuổi tà khí khỏi các đường kinh lạc, tránh đau nhức cơ thể. Hơi nóng làm giãn các mạch máu dưới da, giúp máu đến nuôi da nhiều hơn, sưởi ấm cơ thể. Tinh dầu của lá xông sát trùng đường hô hấp trên, giúp cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi...
Xông hơi khô thường dùng đá sỏi đun nóng để làm tăng nhiệt độ phòng (khoảng 60 độ C), giúp mồ hôi vã ra rất nhiều. Còn xông hơi ướt giúp bài tiết mồ hôi, hơi nước còn làm ẩm da. Các độc tố thải qua các lỗ chân lông, giúp giải cảm. Nếu bạn có một thực đơn ăn kiêng vừa phải thì xông hơi giúp giảm béo nhẹ nhàng mà không bị nhăn da.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, lượng acid lactic ứ đọng trong các cơ, xông hơi ướt giúp giảm sự mệt mỏi, đau nhức tan biến. Xông hơi ướt cục bộ còn có thể tiến hành với những trường hợp bị viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, mụn trứng cá. Có thể làm đơn giản bằng cách chuẩn bị một tô nước sôi, một tờ giấy cứng cuộn lại thành hình phễu, nhỏ vào tô nước sôi chừng mươi giọt tinh dầu, đặt hình phễu lên là bạn đã có một "máy xông" mũi, họng. Cách trên cũng giúp xông cho các lỗ chân lông ở vùng mặt giãn rộng ra, giúp bài tiết hết các chất bã ứ đọng. Những bạn trẻ bị mụn trứng cá có thể dùng 30 g bạch truật nấu lên rồi xông vùng mặt, những bít tắc ở lỗ chân lông sẽ được đẩy dần ra, giúp da mặt trở nên mịn màng, sáng láng. Nếu bị ngứa ngáy hoặc viêm xoang mũi dị ứng, có thể dùng cây cứt lợn để xông.
Hiện nay, xông hơi là một dịch vụ rất được ưa chuộng. Những lúc cơ thể mỏi mệt, uể oải, đầu óc căng thẳng, người ta thường hay đi xông hơi - massage để thư giãn. Nhiều người cứ nghĩ xông kiểu gì cũng tốt cho sức khỏe mà không biết rằng nếu làm sai thì rất tai hại.
Tại các điểm xông hơi - massage, hầu như ai cũng thực hiện sai, đó là xông hơi (khô hoặc ướt) rồi tắm lại ngay trước khi lên bàn massage. Theo lương y Huỳnh Văn Quang, TP HCM, sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là bằng nước ấm hay nước lạnh. Các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước, nếu tắm sau xông hơi, chúng sẽ co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, dẫn đến đau nhức cơ thể, tiêu hoá kém và dễ cảm nhiễm bệnh tật, đặc biệt là tạng phổi.Vì vậy, cần tắm vệ sinh cơ thể trước rồi mới xông hơi nóng, sau đó lau lại bằng khăn khô sạch trước khi lên bàn massage. Ít nhất phải 6 giờ sau mới được tắm.
Lương y Quang cũng cho biết, một sai lầm thường gặp nữa là xông hơi - masssage sau khi ăn nhậu no nê - một thú vui của các quý ông trong những lần tụ tập. Điều này rất bất lợi cho sức khoẻ, nhất là tim mạch! Ông Quang cũng khuyên không nên xông hơi - massage khi: bị rối loạn tim mạch, sốt cao, mắc các bệnh ngoài da, hành kinh, có thai... Không được xông hơi liên tục trong tuần vì sẽ khiến cơ thể mất nhiều dương khí gây mệt mỏi, lại ảnh hưởng đến tim mạch. Cần thiết lắm thì cách 3 ngày mới xông một lần. Nếu xông liên tục sẽ làm cho cơ thể mệt hơn. Việc xông hơi khô thường xuyên để giảm béo cũng là điều không nên.
Khi xông, nên hít hơi vào từ từ bằng đường mũi rồi thở ra từ từ bằng đường miệng. Sau khi xông, uống một tách trà gừng nóng có pha ít đường sẽ cảm thấy sảng khoái.
(Theo Thanh Niên)
▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)
▪ Bệnh... nhiều đồ! (06/02/2006)
▪ Chăm sóc tóc và da tay trong mùa lạnh (02/02/2006)
▪ 10 bí quyết khỏe đẹp cho nữ giới (25/01/2006)
▪ 4 bước chăm sóc mặt ở quý ông (25/01/2006)
▪ Visit for Women: Cảm xúc cho những cuộc gặp gỡ (25/01/2006)
▪ Diện tết thời… @ (22/01/2006)
▪ “Nhân bản vô tính” sắc đẹp (23/01/2006)
▪ Kem dưỡng môi Baume lèvres rêve de miel (23/01/2006)
▪ Victoria Beckham lên sàn catwalk (17/01/2006)