Có phải béo là do ăn nhiều và gầy là do thiếu ăn? Tại sao có người ăn như hổ vẫn tong teo trong khi người khác sống rất "thanh đạm" vẫn mập ú? Gầy đi và béo lên, điều gì khó khăn hơn?... Chỉ quanh chuyện thể trọng thôi, đã có bao điều bạn muốn hỏi.
Thế nào là béo?
Béo phì là tình trạng mô mỡ phân bố trên cơ thể phát triển nhiều hơn bình thường. Mô mỡ có tác dụng dự trữ năng lượng, duy trì hoạt động của các cơ quan và làm lớp đệm bảo vệ cơ thể. Béo cũng có nhiều mức độ, dựa trên chỉ số khối lượng cơ thể BMI (thể lượng tính bằng kg chia cho bình phương chiều cao tính bằng m). Nếu kết quả 20-25 là tốt, 26-30 là ở khu vực quá cân, từ 31 trở lên là béo phì. Nếu kết quả dưới 20 là thiếu cân.
Phụ nữ thường lo mình bị béo, nhất là các em gái tuổi dậy thì hay quan tâm đến hình dáng bản thân, hơi mập một chút đã lo lắng. Nên biết rằng để trông có da có thịt, tỷ lệ mô mỡ cần chiếm khoảng 25-31% trọng lượng cơ thể; trong khi tỷ lệ mô mỡ hợp lý ở nam chỉ chiếm khoảng 18-25%. Phụ nữ thường có nhiều mô mỡ hơn nam giới vì khi có thai và cho con bú, họ sẽ phải cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Cơ thể lưu giữ hay tiêu thụ mô mỡ theo nguyên tắc: mô nào được tích lũy trước tiên thì mô ấy được sử dụng sau cùng.
Có phải mập là do ăn nhiều và gầy là do thiếu ăn?
Bản chất của hiện tượng béo hay gầy có nguồn gốc từ tiến trình đồng hóa và dị hóa luôn diễn ra trong cơ thể mỗi người. Đồng hóa là tiến trình chuyển hóa để xây dựng, trong tiến trình này năng lượng được tiêu thụ để tổng hợp hay kết hợp các chất đơn giản như amino acid để tạo thành các phức hợp hữu cơ như endim và các nucleic acid. Một tiến trình khác của chuyển hóa là dị hóa; Trong tiến trình này, các phức hợp bị phá ra thành những phân tử đơn giản hơn, để tạo ra năng lượng và phát nhiệt. Người béo là người có tiến trình đồng hóa mạnh hơn dị hóa và người gầy thì ngược lại. Những yếu tố làm cho hai tiến trình này không cân bằng có liên quan đến chế độ dinh dưỡng, lao động… nhưng chủ yếu do yếu tố gen và tình trạng hormone quyết định. Điều này lý giải vì sao nhiều người không thể mập dù ăn rất nhiều.
Béo cũng có nhiều kiểu?
Đúng vậy. Ở hầu hết phụ nữ, mô mỡ tập trung quanh hông, vú, mông, đùi và bụng dưới. Nhưng cũng có người béo ở mặt và cổ, phần trên hai cánh tay hay toàn thân. Trong khi ở đa số nam giới, mô mỡ lại tập trung ở ngực, bụng và mông (mập kiểu quả táo), một số khác mô mỡ tập trung ở phần thắt lưng, nhất là phần dưới thân mình hoặc toàn thân.
Nam giới thừa cân kiểu tập trung mỡ nhiều quanh vùng eo (béo vùng giữa) có nguy cơ bị bệnh tim, đái tháo đường hay ung thư cao hơn so với những người mập tập trung quanh hông hay đùi (mập kiểu quả lê).
Gầy và béo, ý muốn nào dễ thực hiện hơn?
Cả hai đều khó. Người quá cân hay béo phì muốn gầy không dễ dù hiện nay đã có đến hàng chục bài thuốc và không ít phương pháp giảm cân đang được quảng cáo rầm rộ. Hầu hết những người mập phì có “tật” lớn nhất là không đủ nghị lực để kiềm chế trong ăn uống hằng ngày.
Và có những người gầy dù ăn uống bao nhiêu cũng không thể mập, khó khăn lớn nhất của họ là không đủ điều kiện vật chất để theo đuổi chế độ dinh dưỡng cần thiết. Sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cũng là nguyên nhân quan trọng gây thất bại trong nỗ lực đạt được cân nặng như mong muốn.
Làm sao để béo một cách khỏe mạnh?
Có người béo nặng nề, mô mỡ phát triển nhiều; có người mập nhưng vẫn rắn chắc, nhanh nhẹn. Thông thường, người muốn béo phải tăng khẩu phần ăn hàng ngày, vận động ít để lượng calo đưa vào cơ thể lớn hơn lượng calo tiêu hao, nhưng như vậy có nguy cơ tăng cân không lành mạnh. Ăn nhiều và ăn không cân đối có thể gây hại cho tim mạch. Cho nên cách tốt nhất để béo khỏe là có chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, vận động thân thể hàng ngày và nghỉ ngơi hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý nào giúp tăng cân?
Lượng calo cần thiết cho người muốn tăng cân cần phải cao hơn mức trung bình khoảng 500-1.000 calo để tăng khối lượng cơ, ăn nhiều bữa trong ngày để tăng khả năng hấp thụ.
Thành phần thức ăn: Chất bột, đường (carbohydrate); chất đạm 1-2g /1 kg thể trọng (từ thịt bò, gà, cá, đậu nành, sữa, lòng trắng trứng). Nhu cầu về protein rất quan trọng, càng quan trọng hơn đối với người muốn tăng cân. Ngoài ra, có thể sử dụng nhiều chất bổ sung khác như vitamin, khoáng chất, các axit béo thiết yếu (omega-3), sản phẩm nguồn gốc thực vật...
Ngoài ra, nghỉ ngơi và ngủ đủ (khoảng 8 giờ mỗi đêm và giấc ngủ trưa ngắn) cũng là một điều kiện quan trọng để tăng cân.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)
▪ Diệp Hồng dự Hoa hậu sắc đẹp toàn cầu 2005 (16/09/2005)
▪ Apo 8X - son dưỡng môi mới của Rohto-Mentholatum (15/09/2005)
▪ Cái mặc (11/09/2005)
▪ Scarlett Johansson quyết không giảm cân (11/09/2005)
▪ Đắp mụn nhọt bằng hạt đình lịch (10/09/2005)
▪ Thon thả nhờ ăn sáng (10/09/2005)
▪ Phá cách để khẳng định cá tính (09/09/2005)
▪ Guốc xinh ra phố (09/09/2005)
▪ Mặc đồng phục làm sao cho đẹp? (09/09/2005)