Xỏ lỗ và những hiểm họa khó lường...
Các Website khác - 12/02/2006
Xỏ lỗ (piercing) đang trở thành một phong trào trong giới thanh thiếu niên hiện đại. Không còn vùng thân thể nào được ''yên thân'', thường nhất là tai, mũi, lưỡi... Nhưng đôi khi phải biết lựa chọn giữa tình yêu ''nghệ thuật thân thể” (''body-art”) và sức khỏe bản thân.

Đặc tính văn hóa của hành vi xỏ lỗ

Các cơ quan điểm hướng đến hành vi xỏ lỗ khá khác biệt nhau. Một số người xem việc xỏ lỗ mang tính tôn giáo, trong khi số khác coi đó là hành vi sỉ nhục, như là sự chiếm hữu văn hóa hay thói dở hơi. Một số người nhận định xỏ lỗ là một hình thức nghệ thuật hay sự tự biểu hiện, trong khi số

khác chọn nó làm hình thức biểu hiện nhục dục và/hay kích thích dục tính. Ngoài ra, một số chọn xỏ lỗ vì các lý do tượng trưng. Ví dụ, những người từng bị lạm dụng tình dục cho rằng xỏ lỗ giúp họ lấy lại sự kiểm soát bản thân. Cũng có những người chọn hành vi này để tượng trưng hóa một số quan hệ nào đó, như các gay (đồng tính nam) chọn nó để ''bộc lộ thân phận''. Tuy nhiên, sự phổ biến của hành vi xỏ lỗ hiện nay đã làm giảm nhiều đặc tính văn hóa đặc biệt cũng như tính tượng trưng của nó.

Xỏ lỗ mũi: Hành vi xỏ khoan lỗ mũi (nostril piercing) thường liên quan đến Ấn Độ. Tại quốc gia này, cánh mũi trái là vị trí ưu tiên để xỏ lỗ, vì y học Ayurvedic kết hợp vị trí này với cơ quan sinh sản của phái nữ.

Xỏ lỗ mũi tồn tại ở vùng Trung Đông cách đây khoảng 4.000 năm, sau đó bành trướng sang Ấn Độ vào thế kỷ 16. Tiếp đến nó được ưa chuộng trong văn hóa ''hippie" vào thập niên 1960 và 1970. Ngày nay, xỏ mũi rất thịnh hành ở Mỹ và Canada.

Xỏ lưỡi: Nghi thức xỏ lưỡi từng hiện diện trong các nền văn hóa Maya và Aztec, với các hình ảnh minh họa các thầy tế đục một lỗ xuyên qua lưỡi rồi sau đó trích máu hoặc luồn qua lỗ những sợi dây, cố tránh để không gây đau đớn.

Xỏ lỗ lưỡi trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, bắt đầu từ thập niên 1980.

Xỏ lỗ tai: Phương thức này có từ rất lâu đời, và tồn tại suốt thế kỷ 20 ở thế giới phương Tây. Tuy nhiên, đối với một số nền văn hóa bên trong nước Mỹ, tục xỏ lỗ này bắt đầu trở nên tương đối hiếm từ thập niên 1920 cho đến thập niên 1960. Nhưng sau đó tục xỏ lỗ tai thịnh hành trở lại, nhất là trong cộng đồng gay và hippie, tiếp theo là văn hóa punk rock. Từ thập niên 1980 trở đi, xỏ lỗ tai phổ biến trên toàn nước Mỹ và lan rộng trên khắp thế giới.

Xỏ lỗ và xăm mình từ ngàn xưa...

Xăm mình và xỏ lỗ đã từng tồn tại trong nhiều nền văn hóa. Tục xỏ lỗ mũi và xỏ tai đã được ghi nhận trong Thánh kinh. Trong nền văn hóa Mexico và Trung Mỹ cổ xưa, người ta đeo tư trang vào tai, mũi, môi dưới, và tục trang điểm này cũng tiếp tục phổ biến ở thổ dân trong các khu vực này.

Một xác ướp 4.000 năm tuổi có hình xăm được các nhà khảo cổ phát hiện trên sông băng trong vùng biên giới nước Áo vào năm 1992. Xác ướp này có một lỗ xỏ trên tai có đường kính 7 đến 11 mm. Người Ai Cập trong giai đoạn từ năm 4.000 đến 2.000 trước Công nguyên cho rằng hình xăm thể hiện sự trù phú và dòng giống quý tộc.

Từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Nhật Bản đã biết sử dụng các hình xăm phục vụ cho các mục đích trang điểm và tôn giáo; đồng thời cũng là dấu hiệu tượng trưng và trừng phạt bọn tội phạm. Vào cuối thế kỷ 19, xăm mình được coi là thời trang trong giới quý tộc cung đình tại các quốc gia châu Âu và Anh Quốc.

Cũng giống như xăm mình, tục xỏ lỗ thân thể ngày xưa được coi là sự thể hiện tính quý tộc và nam tính. Các pharaon Ai Cập ngày xưa xỏ lỗ ngay rốn như là một nghi thức tượng trưng cho quyền lực. Trong khi đó người Maya coi việc xỏ lỗ ở lưỡi là tập tục thiêng liêng. Trong cuốn Dreamtime, tác giả Hans Peter Duerr cho biết tục xỏ lỗ trên đầu núm vú bắt đầu phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ 14, và binh lính La Mã xỏ lỗ ngay đầu núm vú nhằm khẳng định dũng khí của mình.

Những vấn đề phát sinh...

Các biến chứng phát sinh từ tục xỏ lỗ không sao lường hết được. Vết thương do xỏ lỗ phần sụn tai không lành nhanh như xỏ lỗ dái tai vì kiểu mô và sức ép trên vùng xỏ trong khi ngủ khác nhau. Vùng xỏ lỗ lưỡi lúc đầu sưng phồng lên, nhưng sau đó vết xỏ mau lành do sự tiếp máu cho lưỡi là rất lớn. Xỏ lỗ đầu núm vú có thể gây nhiễm trùng cho ống dẫn sữa và có vấn đề về sau khi phụ nữ cho con bú. Xỏ lỗ rốn rất dễ nhiễm trùng do quần áo mặc bên ngoài không cho không khí lưu thông tự do, từ đó sinh ẩm quanh vùng rốn. Ngoài ra, xỏ lỗ thân thể cũng gặp vấn đề khi chọn đồ trang sức không đúng cho vùng được xỏ. Nếu đồ trang sức quá dày hay quá mỏng, thân thể sẽ loại bỏ nó ra như tống khứ một mảnh đạn.

Các vấn đề xuất huyết và ngạt thở

Đối với việc xỏ lỗ lưỡi, ngoài sự đau đớn và sưng tấy do nữ trang gây ra khi khó dung hòa với môi trường, người ta còn quan sát thấy hiện tượng luồng nước bọt giăng đến mức gây khó chịu, thậm chí xuất hiện dị ứng đối với kim loại. Đôi khi kim loại xỏ trên lưỡi làm biến đổi giọng nói ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai và nuốt, thậm chí làm hình thành mô sẹo hay gây thương tổn cho các dây thần kinh lưỡi. Cuối cùng, các chấn thương có thể xuất hiện tại vùng răng.

Hiệp hội Nha sĩ Mỹ (ADA) đã có cảnh báo về việc xỏ lỗ trong đường miệng. Thứ nhất, khả năng làm tắc các đường hô hấp do sưng họng hay hiện tượng hít nữ trang. Thứ hai, xảy đến xuất huyết thứ phát nặng nơi vùng các động mạch tưới cho lưỡi vì cơ này rất giàu mạch máu.

Những hiểm hoạ khó lường...

Nguy cơ nhiễm trùng là rất cao. Miệng ở trạng thái tự nhiên đã có sẵn nhiều vi khuẩn, và thật ra các dạng nhiễm trùng có thể phát triển nếu như nữ trang đưa vào không được xử lý vô trùng cẩn thận.

Xăm mình và xỏ lỗ từ lâu đã là đề tài gây nhiều tranh cãi trong giới y học. Vì những lẽ đã rõ mười mươi! Thực tế, các

hành vi này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Nguy cơ tiềm tàng là lây truyền vi khuẩn cục bộ (staphylocoque, streptocoques, pyocyaniques). Tuy nhiên, rất may mắn là các dạng nhiễm trùng này lành tính, trừ các trường hợp hiếm hoi như là xăm mình gây nhiễm trùng máu và viêm màng trong tim (viêm cơ tim). Song cũng đừng quên: sự nhiễm virus cực kỳ nguy hiểm (HIV, siêu vi B và siêu vi C) do thiếu biện pháp vô trùng hoặc do lây chéo giữa ''nghệ nhân'' và khách hàng. Đối với trường hợp xăm mình, nguy cơ đến từ chất lượng và nguồn gốc của loại mực dùng để xăm rất cao!

Theo Kiến thức Ngày nay