Dự án có quy mô xây dựng công trình 6.063m2 trên tổng diện tích 20.600m2 đất khu văn hóa - nghệ thuật Mai Dịch (thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tổng mức đầu tư dự án hơn 332 tỷ đồng, bao gồm nhiều nhà xây mới, cao từ bảy đến chín tầng dành cho các khu học tập, luyện tập biểu diễn đa năng, thư viện, khu nghiên cứu, hội thảo, khu hành chính hiệu bộ...
Theo luật định, đây là dự án nhóm A do Chính phủ phê duyệt, giao cho Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT), chủ đầu tư là Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh (ÐHSK-ÐA) thực hiện. Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và đề nghị của chủ đầu tư, đầu năm 2004, UBND quận Cầu Giấy quyết định thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) để tiến hành công tác điều tra, hỗ trợ các gia đình, cá nhân có đất, tài sản nằm trong diện di dời GPMB để thực hiện dự án. Trên diện tích đất dự án, có một số hộ gia đình sinh sống, khi tiến hành GPMB, hầu hết các hộ dân đồng ý di dời, chỉ còn gia đình bà Nguyễn Thị Quang (vợ ông Lê Quang Tụng, nguyên là cán bộ nhà trường) chưa chịu bàn giao mặt bằng với lý do mức bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng.
Theo tài liệu lưu trữ cùng hồ sơ hiện trạng, toàn bộ khu đất của dự án, trong đó có đất của các hộ dân và gia đình bà Quang hiện đang ở đều là đất của Khu Văn công Mai Dịch, được UBND thành phố Hà Nội cấp cho Bộ VH-TT từ những năm 60 của thế kỷ trước, dùng vào mục đích xây dựng trụ sở làm việc và khu đào tạo nghệ thuật. Theo quy định của Luật Ðất đai, đây là đất chuyên dùng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Hơn nữa, nguồn gốc đất của gia đình bà Nguyễn Thị Quang, theo quyết định của Ban quản lý nhà đất Khu Văn công Mai Dịch ngày 15-1-1979 ghi rõ: "Ðồng ý cho đồng chí Tụng (chồng bà Quang) 5m2 nhà để than tùy ý cải tạo... Phía sau kho, dọc nhà ăn còn 7m2 chưa sử dụng, nay cho đồng chí Tụng dùng làm bếp".
Như vậy, rõ ràng là đất chuyên dùng, được trường chiếu cố, bố trí cho gia đình ở từ năm 1979 đến nay, lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Bởi vậy, khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án, theo Luật Ðất đai, gia đình bà Quang phải trả lại Nhà nước sau khi được hỗ trợ, đền bù theo quy định của pháp luật.
Từ 12 m2 đất chuyên dùng được Bộ giao cho sử dụng làm nhà ở, đến nay, gia đình bà Quang đã chiếm tới 299m2 (qua đo đạc thực tế của Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy) mà không văn bản pháp lý nào xác nhận đây là đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Quang. Vậy mà, bà Quang vẫn khăng khăng đòi bồi thường và hỗ trợ nhà tái định cư theo diện tích 299m2 hiện trạng của gia đình. Ngày 2-3-1995, gia đình bà Quang bán trái phép 115m2 đất trên diện tích 299m2 đất chuyên dùng của trường và nhận tiền đặt cọc bằng 10 cây vàng của người mua là ông Bùi Huỳnh Nghĩa. Nhưng, chính quyền địa phương đã không xác nhận vì đất của gia đình bà Quang là đất chuyên dùng và Bộ VH-TT đã có Văn bản số 2043/VHTT ngày 20-7-1995 xác định việc gia đình ông Lê Quang Tụng (chồng bà Quang lúc đó) đem bán đất chuyên dùng của Nhà nước là vi phạm Luật Ðất đai. Việc bán nhà đất không thành, lại không trả lại tiền đặt cọc cho ông Nghĩa đã dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài của gia đình ông Nghĩa.
Sau khi đã xác định rõ diện tích đất, nhà của gia đình bà Quang, Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy cùng chủ đầu tư là Trường ÐHSK-ÐA nhiều lần họp, thỏa thuận thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ với gia đình bà Quang, có sự tham gia của các con bà Quang (đại diện cho gia đình). Hội đồng đã năm lần gửi thông báo cho gia đình bà Quang về việc đến nhận tiền hỗ trợ và di dời để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Ngày 15-9-2004, ông Lê Quang Phú và ông Lê Quang Vinh, con trai của bà Quang và ông Tụng, đã gặp chủ đầu tư và đến xem nhà ở mà trường sẽ bố trí di chuyển, cả hai ông đã ký vào biên bản... Song, ngay sau đó, họ lại tiếp tục khiếu nại, không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Từ đó, kéo theo một hộ dân khác là bà Lê Hồng Hạnh (cạnh nhà bà Quang), mặc dù trước đó đã chấp thuận việc đền bù để trả lại đất cho dự án, lại khiếu nại và không chịu di dời... làm cho dự án tiếp tục bị ách tắc...
Ngày 26-10-2004, UBND quận Cầu Giấy, Hội đồng GPMB quận đã chủ trì cuộc họp, có đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT, Trường ÐHSK-ÐA tham dự để giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Quang. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ VH-TT khẳng định, toàn bộ diện tích nhà, đất gia đình bà Quang đang sử dụng là đất chuyên dùng, thuộc quyền quản lý của Bộ VH-TT.
Tuy nhiên, để dự án được triển khai đúng tiến độ, Trường ÐHSK-ÐA đã đề xuất phương án tạm giao một thửa đất ở phố Mai Dịch hoặc đường Hoàng Hoa Thám (thuộc quyền quản lý, sử dụng của Trường ÐHSK-ÐA) để gia đình bà Quang di dời làm nơi ở mới, nhưng gia đình bà Quang không chấp nhận, tiếp tục khiếu nại với những đòi hỏi vượt quá quyền hạn giải quyết của nhà trường.
Các chính sách đền bù GPMB, hỗ trợ di dời đối với gia đình bà Quang được áp dụng đúng với quy định của Luật Ðất đai và của UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chủ đầu tư là Trường ÐHSK-ÐA, là thỏa đáng. Do vậy, ngày 28-1-2005, UBND quận Cầu Giấy đã có Văn bản số 46/UB-HÐGPMB gửi hai gia đình bà Quang và bà Hạnh nhấn mạnh: Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy yêu cầu gia đình bà Nguyễn Thị Quang và bà Lê Hồng Hạnh trong khi chờ giải quyết khiếu nại vẫn phải bàn giao mặt bằng cho dự án. Nếu hai gia đình không nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng, UBND quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi mặt bằng theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, hai hộ này vẫn không chịu di dời để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Gia đình bà Quang đã sử dụng nhà trên diện tích 299 m2 đang cho sinh viên thuê, phục vụ mục đích kinh doanh. Lãnh đạo nhà trường cho biết, do việc xây dựng nhà A bị ách tắc, ba tháng nay, hàng trăm sinh viên của trường không có chỗ học tập. Trường phải giải quyết bằng cách dồn ca, bố trí sinh viên học tập tạm tại "nhà bếp" của trường và học cả vào buổi tối. Thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo quận Cầu Giấy nhằm xử lý dứt điểm vụ việc trên để dự án sớm được tiếp tục triển khai.
|