Cần xử nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu kém chất lượng
Các Website khác - 17/09/2005
Cần cảnh giác với loại bánh
trung thu không ghi nơi và ngày
sản xuất, hạn sử dụng...
Những ngày này hầu như trên các phố chính của Hà Nội sôi động hẳn bởi nhiều địa điểm bán bánh trung thu. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện bánh trung thu chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại bánh này cần sớm được phát hiện và xử lý kịp thời, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Cùng với các cơ sở sản xuất nhiều năm làm bánh trung thu như Kinh Ðô, Hải Hà, Hữu Nghị, còn không ít cửa hàng bán bánh của Hồng Công, Malaysia. Theo lời giới thiệu của những người bán hàng thì bánh trung thu Hồng Công có hai loại: nhập khẩu nguyên hộp và bánh sản xuất tại Việt Nam.

Bánh trung thu nhập khẩu có bao nhãn hàng hóa đẹp và chủ yếu là bánh nướng, những chiếc bánh có trọng lượng nhỏ chỉ bằng một phần tư chiếc bánh sản xuất trong nước được bọc trong túi nylon và có ghi ngày sản xuất 25-8-2005, hạn dùng tới 60 ngày bằng tiếng Trung Quốc. Trên vỏ hộp không hề ghi nhãn bằng tiếng Việt và chưa thể kiểm soát xuất xứ của bánh do đơn vị nào trong nước nhập khẩu. Bánh trung thu Hồng Công sản xuất tại Việt Nam có mẫu mã khá phong phú và giới thiệu sản xuất theo công nghệ Hồng Công nhưng vẫn mang hương vị Việt. Nguy hiểm hơn, số bánh Hồng Công sản xuất tại Việt Nam trên vỏ hộp có ghi nơi sản xuất số 2 Hàng Lược nhưng không đề ngày sản xuất cũng như trên vỏ nhãn.

Từ ngày 11-9 đến nay, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra bánh trung thu tại các phố Bà Triệu, Hàng Buồm và phát hiện phần lớn các loại bánh nhập khẩu đều không chứng minh được nguồn gốc, nhưng vẫn bày bán công khai. Trong khi đó, theo quy định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hạn sử dụng của bánh dẻo chỉ được phép từ tám đến mười ngày, bánh nướng từ 12 đến 15 ngày nhưng thực tế bánh trung thu trên thị trường đều có thời gian sử dụng thấp nhất là một tháng. Ðặc biệt, bánh nhập khẩu có thời gian sử dụng kéo dài tới hai tháng!

Một số nơi sản xuất bánh trung thu trong nước chỉ ghi hạn sử dụng trên vỏ bánh, không ghi rõ ngày sản xuất mà ký hiệu bằng chữ M3, M4 khiến người tiêu dùng không kiểm soát được. Mặt khác, nhiều hộp bánh còn được bọc ba đến bốn lần giấy, người tiêu dùng muốn kiểm tra thời gian sử dụng phải bóc bánh và lúc ấy dù không vừa ý cũng khó trả lại. Còn một số cơ sở sản xuất bánh trung thu hình con giống của tư nhân ở Hà Nội không ghi rõ tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, v.v. vẫn bán tràn ngập trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn - Ðo lường - Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ), năm nay, lần đầu có sự phối hợp các cơ quan: Quản lý thị trường, Y tế dự phòng, Thanh tra và Chi cục Tiêu chuẩn - Ðo Lường - Chất lượng ở các tỉnh trong cả nước đồng loạt vào cuộc kiểm tra chất lượng bánh trung thu. Chương trình kiểm tra bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể về định lượng, chỉ tiêu cảm quan như hình dáng, hoa văn, mầu sắc và hương vị, v.v. Trong trường hợp có nghi vấn về chất lượng, cơ quan kiểm tra ở các tỉnh sẽ lấy mẫu về xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong suốt một tháng qua kiểm tra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu phát hiện không ít các sai phạm về trọng lượng sản phẩm, nhất là nhãn hàng hóa. Một số cơ sở có tên tuổi trước kia, nay không sản xuất mà bán thương hiệu cho đơn vị khác hoặc lấy hàng từ nơi khác về bán. Trên bao bì hàng hóa còn hiện tượng ghi lùi ngày sản xuất và có trường hợp sản phẩm bày bán ở thị trường trước ngày sản xuất!

Trưởng phòng Pháp chế Phạm Ngọc Khuê (Cục Quản lý chất lượng hàng hóa) cho biết: Bánh trung thu có thời gian sử dụng càng dài thì các nhà sản xuất phải sử dụng nhiều loại phụ gia để làm ngưng quá trình phân hủy của sản phẩm. Những loại phụ gia này là tác nhân ảnh hưởng lớn tới men tiêu hóa trong dạ dày và ruột khiến sức khỏe người tiêu dùng có thể bị tác động xấu. Ngày trước, bánh trung thu có vị ngọt đậm thì đường giúp quá trình giữ bánh có chất lượng trong khoảng từ năm đến bảy ngày. Bây giờ, tâm lý người tiêu dùng không ưa vị ngọt nhiều, cho nên các nhà sản xuất điều chỉnh lượng đường để giảm ngọt thì tất yếu phải có chất phụ gia để bảo quản bánh trong thời gian quá lâu, chừng một đến hai tháng.

Chị Vũ Lan Phương (Phòng Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa) cho chúng tôi xem một xấp biên bản kiểm tra chất lượng bánh trung thu tại các cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội. Nét chung là các cơ sở sản xuất thường có sai số âm về trọng lượng khiến người tiêu dùng bị thiệt. Tại biên bản số 119/BB-KT ngày 7-9-2005, khách sạn Daewoo - Hà Nội, đoàn kiểm tra phát hiện thấy đơn vị này không thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng bánh trung thu theo quy định. Mặt khác, khách sạn cũng không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo Quyết định số 178/1999/QÐ-TTg ngày 30-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Biên bản kiểm tra ngày 13-9-2005 tại cửa hàng Bảo Ngọc (số 98 Hai Bà Trưng, Hà Nội), đoàn thanh tra kiến nghị cơ sở quan tâm thực hiện đúng định lượng hàng hóa của lô hàng bánh nướng loại 210 gam. Ở Nhà máy Bánh kẹo Hữu Nghị, đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị tạm ngừng sử dụng hai chiếc áp kế vì hết thời hạn vận hành. Ðoàn thanh tra đã kiểm tra chất lượng bánh trung thu tại xã Xuân Ðỉnh, nơi có làng nghề truyền thống sản xuất bánh trung thu bán tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Tại UBND xã, đoàn kiểm tra mua mẫu bánh trung thu của một số cơ sở, trong đó có đơn vị Bình Trung (Khu đông Xuân Ðỉnh, Từ Liêm) phát hiện thấy nhãn hàng hóa không ghi tên, không ghi địa chỉ, hạn sử dụng và công bố chất lượng hàng hóa. Lô hàng đóng gói sẵn của bánh dẻo và bánh nướng loại 300 gam/chiếc của cơ sở Bình Trung đều không đạt yêu cầu.

ÐỖ TẤN