![]() |
Tòa Gia đình và Người chưa thành niên có trang bị cả sách, đồ chơi trẻ em - Ảnh: Internet |
Bảo đảm quyền trẻ em
Sự ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là một phần của hoạt động đổi mới tư pháp cho trẻ em rộng lớn hơn mới được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, và Bộ luật Tố tụng hình sự. Những đổi mới này bao gồm cơ chế mới để chuyển dẫn trẻ em ra khỏi hệ thống xử lý hành chính và hình sự chính thống, thúc đẩy phục hồi tại cộng đồng thay cho giam giữ, tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật, cũng như thủ tục tố tụng thân thiện với trẻ em và nhạy cảm về giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, sự ra đời Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng, đồng thời chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp.
Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm để xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, thực tiễn công tác xét xử cho thấy các vụ việc này có những đặc thù riêng xuất phát từ quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình. Khi giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, bên cạnh yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc; trong đó yếu tố pháp lý và yếu tố tình cảm đan xen vào nhau giữa các bên trước, trong và cả sau quá trình giải quyết vụ việc.
Theo ông Youssouf Adel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, sự ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam, và tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới, với tư cách là quốc gia đầu tiên ở châu Á, và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em.
Không có vành móng ngựa
Tại Tòa Gia đình và Người chưa thành niên Tòa án nhân dân TPHCM, bên cạnh các phòng xử án còn có các phòng chuyên biệt như phòng hòa giải, phòng tư vấn, phòng trẻ em.
Tòa án này sẽ cho phép bổ nhiệm và đào tạo các thẩm phán chuyên trách để giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em. Các thẩm phán chuyên trách sẽ có thể điều chỉnh các quyết định của mình sao cho phù hợp với nhu cầu của cá nhân trẻ em và bảo đảm rằng lợi ích tốt nhất của trẻ em sẽ được quan tâm hàng đầu. Tòa án này cũng cho phép tạo ra một môi trường xét xử thân thiện để trẻ em và gia đình có thể tham gia đầy đủ vào quá trình tố tụng.
Theo nghiên cứu, định dạng chuẩn của phòng xét xử có thể làm cho trẻ em sợ hãi. Vì vậy, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên có sự bố trí lại để tạo ra một môi trường thân thiện hơn với trẻ em. Do đó phòng xử án hình sự đối với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi sẽ không có vành móng ngựa, trẻ được đứng gần với người giám hộ, người bào chữa để được hỗ trợ về tâm lý trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng.
Đặc biệt, tòa có phòng trẻ em giúp giám sát tâm lý trẻ hay để trẻ chờ khi chưa được dự tòa. Phòng là nơi quan sát, đánh giá về tâm lý, tình cảm của trẻ em trong những vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con. Nơi đây được bố trí các camera để các chuyên gia tư vấn, thẩm phán có thể theo dõi tâm lý, tâm trạng của các em để quyết định giao con cho ai nuôi sẽ tốt nhất. Phòng được trang trí hài hòa, có phim hoạt hình, có bút màu vẽ tranh và có đồ chơi..., tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, giúp các cháu tự tin bộc lộ cảm xúc.
Sau TPHCM, dự kiến mô hình tòa án chuyên trách này sẽ mở rộng ra tất cả các tỉnh thành và quận huyện trong cả nước.
▪ Thực phẩm chức năng: Cấm vẫn kê đơn (14/04/2016)
▪ Quảng Ninh: Phát hiện vụ vận chuyển ma túy trên xe khách (14/04/2016)
▪ Trợ giúp pháp lý miễn phí người mang “án oan” nhiễm HIV (13/04/2016)
▪ Phải thay đổi hệ thống luật khi thí điểm quản lý kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” (13/04/2016)
▪ Trạm Kiểm soát Km15 bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, tội phạm ma túy (12/04/2016)
▪ Luật hóa việc chuyển đổi giới tính còn gặp nhiều khó khăn (11/04/2016)
▪ Bắt đối tượng người Lào vận chuyển 200 viên ma túy (11/04/2016)
▪ Mại dâm sinh viên: Nỗi đau xã hội (11/04/2016)
▪ Cấm người mẫu, người đẹp đăng ảnh khỏa thân trên Facebook (09/04/2016)
▪ Sang Campuchia đánh bài, tranh thủ mang 4 bánh heroin về Việt Nam (08/04/2016)