Gom ngành nghề “nhạy cảm” để quản lý
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ chọn địa phương thí điểm mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Theo căn cứ mà chương trình đưa ra, với quy định hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, người bán dâm là nhóm người dễ bị tổn thương, do vậy cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm, giảm tác hại của mại dâm đối với cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm.
Theo các cơ quan chức năng, gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội thành một khu riêng để dễ quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và nhiều vấn đề khác.
Từ mô hình này, các tổ chức xã hội có thể cảm hóa người bán dâm, kéo họ về với cuộc sống bình thường thông qua trợ giúp tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm. Đồng thời, việc tập trung cũng sẽ đảm bảo các vấn đề an ninh trật tự tại khu vực.
![]() |
Quản lý cơ sở kinh doanh hoạt động nhạy cảm có giảm thiểu được tệ nạn mại dâm? - Ảnh minh họa
Ở một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, họ coi hoạt động mại dâm là một nghề hợp pháp. Ở các nước này, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng, có ranh giới giữa người mua dâm và người không mua dâm, giữa bán dâm và các nghề khác. Mại dâm chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Ai bước vào khu vực “đèn đỏ” sẽ phải cân nhắc. Người bán dâm phải đăng ký, được khám bệnh và có quyền từ chối quan hệ tình dục không an toàn, được pháp luật bảo vệ nếu bị bạo lực…
Quản lý sao cho hiệu quả?
Nhiều ý kiến băn khoăn, hiện chúng ta không kiểm soát nổi những cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” thì khi chấp nhận nó, liệu có vô tình rơi vào tình cảnh “vẽ đường cho hươu chạy”.
Theo TS tâm lý Khuất Thu Hồng: “Vẫn có thể thí điểm một mô hình hợp pháp hóa hoạt động mại dâm sau khi có những nghiên cứu toàn diện, thấu đáo ở nhiều góc độ xã hội, văn hóa, pháp lý. Hợp pháp hóa nó ở phạm vi nhỏ hẹp để quản lý, điều chỉnh cho phù hợp với các góc độ trên rồi từ đó có thể rút kinh nghiệm. Dễ hiểu hơn là cần lập những khu chuyên biệt như một số nước để làm dần dần”.
Tuy nhiên, quan điểm hợp pháp hóa dù thí điểm, nhưng nếu không lường trước một số vấn đề liên quan như quy mô, tác động thì hậu quả xã hội sẽ rất xấu. Các nhà làm luật sẽ phải xét kỹ thời điểm, mức độ để có thể hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Vấn đề quan trọng nhất là về mặt quản lý xã hội hoạt động mại dâm như thế nào khi đã quy hoạch thí điểm các “phố đèn đỏ”.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ: “Chúng ta không khuyến khích tệ nạn mại dâm, nhưng buộc phải sống chung với mại dâm từ nhiều năm nay, bởi việc quản lý, xử lý vẫn còn trong vòng luẩn quẩn. Thí điểm mô hình quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh mại dâm là biện pháp quản lý để hướng đến mục tiêu phòng, chống mại dâm. Đây là mô hình tốt nhằm tiến tới một xã hội văn minh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình trên là điều cần phải bàn.
Thiết nghĩ, khi đã thực hiện thí điểm thì phải đánh thuế hoạt động này, phải có đăng ký hành nghề về độ tuổi, cũng như về đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo các quyền con người, về khám chữa bệnh…
Để mô hình quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” đem lại hiệu quả, nên chọn địa phương là điểm nóng về mại dâm để thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ nhân rộng. Bên cạnh đó, phải có lộ trình thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan; cũng như hàng loạt giải pháp mang tính tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của Chính phủ, tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, nguy cơ lây lan HIV/AIDS. Người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, bóc lột tình dục… Bên cạnh đó, mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương.
Tệ nạn này đang hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm... khiến cho tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng không chỉ ở trong nước và ngoài nước. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó. |
▪ Trạm Kiểm soát Km15 bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, tội phạm ma túy (12/04/2016)
▪ Luật hóa việc chuyển đổi giới tính còn gặp nhiều khó khăn (11/04/2016)
▪ Bắt đối tượng người Lào vận chuyển 200 viên ma túy (11/04/2016)
▪ Mại dâm sinh viên: Nỗi đau xã hội (11/04/2016)
▪ Cấm người mẫu, người đẹp đăng ảnh khỏa thân trên Facebook (09/04/2016)
▪ Sang Campuchia đánh bài, tranh thủ mang 4 bánh heroin về Việt Nam (08/04/2016)
▪ Đường dây bán dâm trên mạng với gần 200 tài khoản (08/04/2016)
▪ Bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em (07/04/2016)
▪ Giết người vì bị dọa cắt gân chân, tiêm virus HIV (07/04/2016)
▪ Bình Thuận: Kẻ bắt cóc sát hại bé trai 11 tuổi vì sợ lộ (07/04/2016)