Bị ép đưa hối lộ, chủ động tố giác sẽ được trả lại tài sản
Các Website khác - 13/09/2005

Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an Nguyễn Hoà Bình, quy định này sẽ giúp loại trừ hiện tượng chủ động đưa hối lộ để giải quyết lợi ích cá nhân, sau đó tố giác nhằm được trả lại tài sản đã dùng hối lộ hoặc nhằm thực hiện ý đồ xấu với người nhận.

Cục trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, 94 ý kiến của cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị đề nghị sửa dự án Luật phòng chống tham nhũng theo hướng: “Người đưa hối lộ do bị ép buộc, nếu chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, sẽ được trả lại tài sản đã dùng hối lộ”.

Đây là ý kiến đưa ra ngày 12/9 khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến vào hai dự án Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc trưng cơ bản của tham nhũng là gắn với công quyền (quyền lực nhà nước) và thực hiện công vụ (việc công), do vậy 149 ý kiến của những cán bộ, chiến sĩ công an trực tiếp làm công tác đấu tranh chống tham nhũng đề nghị luật chỉ “khoanh vùng” việc điều chỉnh hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn.

Đa số cán bộ tham gia đóng góp cho hai dự luật cũng đề nghị nên lấy tên là Luật chống tham nhũng, vừa nhất quán với công ước của Liên Hiệp Quốc (công ước về chống tham nhũng), vừa bao hàm cả phòng ngừa lẫn đấu tranh trước nạn tham nhũng.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hóa (Trưởng phòng 5) ủng hộ kê khai tài sản, kê khai biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và vợ (chồng), con chưa thành niên. Ông kiến nghị bổ sung các chế tài xử lý trường hợp kê khai tài sản không đúng; cũng như cần có quy định về kiểm tra tài sản của người thuộc diện phải kê khai theo định kỳ.

"Cấm người đứng đầu, vợ (chồng) người đứng đầu cơ quan, tổ chức góp vốn vào doanh nghiệp, nhưng hiện nay cổ phiếu bán tự do trên sàn giao dịch, vậy cán bộ công chức có được mua không, có bị xem là "góp vốn vào doanh nghiệp" không?", thượng tá Phan Văn Lẫy (Trưởng phòng 3) băn khoăn trước một quy định chưa rõ ràng của dự án luật.

Thảo luận về dự luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thượng tá Phạm Thiện Hạng (Trưởng phòng 2) nói: “Ta biết lãng phí là bạn đồng hành của tham nhũng và lãng phí còn nguy hiểm hơn nhiều so với tham ô, hối lộ. Lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng về của, về uy tín, tước đi lòng tin của người dân, tước đi quyền và lợi ích của dân". Ông Hạng phân tích, có những dự án khi được lập ra đều khả thi, nhưng lúc xây dựng hoàn thành mất hàng triệu USD đành phải bỏ. Vậy người lập ra dự án có bị tử hình không? Người phê duyệt dự án có bị tử hình không? Tham ô tiền tỷ có thể bị tử hình, vậy mất hàng nghìn tỷ đồng thì sao? Đã có ai ra tòa (vì lãng phí) chưa? Nếu không xử lý được những chuyện như vậy, có lẽ không nên ra Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Ý kiến của bạn

(Theo Tuổi Trẻ)