Thực trạng công tác đăng ký khai sinh ở Hà Tây
Các Website khác - 12/09/2005
Mỗi năm tỉnh Hà Tây có thêm gần 40 nghìn trẻ em ra đời, đăng ký khai sinh. Trong những năm qua, ngành tư pháp Hà Tây có nhiều cố gắng tăng tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều trở ngại gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền, cũng như không ít phiền hà, rắc rối đối với người dân.

Chưa hết vướng mắc

Vợ chồng chị Ðặng Thị Thành, ở thôn Phúc Am, xã Duyên Thái (Thường Tín, Hà Tây) khấp khởi ra xã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho đứa con trai đầu lòng. Anh chị tâm đắc khi đặt cho con cái tên rất đẹp là Vũ Quang Vinh. Nhưng niềm vui của vợ chồng chị Thành chưa trọn vẹn thì chỉ một vài tuần sau đó, rắc rối đã xảy ra từ chính cái tên họ đã chọn cho con. Chồng chị Thành có người ông họ tên là Vinh, ở nhà mọi người thường gọi là ông Ba. Vì không biết tên thật của ông, cho nên vợ chồng chị Thành mới đặt tên cho con trùng với tên của ông trẻ. Bị người lớn quở trách, vợ chồng chị Thành buộc phải lên UBND xã làm lại giấy khai sinh cho con. May mà sự việc được khắc phục sớm, nếu để quá thời hạn một tháng hoặc xã đã chuyển sổ gốc lên cấp trên thì thủ tục cải chính, thay đổi họ tên cho cháu bé sẽ rắc rối hơn.

Trong buổi chiều 22-8-2005, có mặt tại UBND xã Duyên Thái, chúng tôi chứng kiến có khoảng năm trường hợp đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, cháu. Ông Ðỗ Văn Lộc, ở thôn Duyên Trường, xin cấp bản sao khai sinh cho cháu nội là Ðỗ Ðức Duệ. Ðể đỡ mất thời gian chờ đợi, trước đó, ông Lộc chủ động mua mười tờ bản sao khai sinh ở chợ với giá 500 đồng/bản về nhà ngồi viết hơn một tiếng đồng hồ. Tiếc thay, mẫu giấy ông mua ở chợ không đúng quy định của Bộ Tư pháp. Chị Ðỗ Thị Dung, cán bộ tư pháp xã phải ngồi viết lại cả bộ bản sao khác cho ông Lộc. Vừa tiếc tiền, vừa tiếc thời gian ghi chép, ông Lộc làu bàu về mấy người hàng xén ở chợ bán giấy sao khai sinh không đúng quy định.

Chị Thành gặp rắc rối khi đặt tên cho con và ông Lộc mua phải bản sao giấy khai sinh "lậu" chỉ là một trong số các trường hợp trắc trở trong lĩnh vực đăng ký khai sinh ở tỉnh Hà Tây. Làm việc với đồng chí Nguyễn Minh Mùi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tây, chúng tôi được biết, qua kiểm tra, rà soát, phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 8.400 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh. Một số huyện còn nhiều trường hợp chưa đăng ký khai sinh là Hoài Ðức 1.436 em; Mỹ Ðức 1.091 em; Ba Vì 822 em. Sở chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và Ban Tư pháp các xã chủ động giải quyết được 7.637 trường hợp (đạt hơn 90%). Số còn lại hơn 790 trường hợp tỉnh đang tìm biện pháp tháo gỡ. Ðáng chú ý có 34 trường hợp vướng mắc cần xin ý kiến Ban chỉ đạo của tỉnh. Ðó là các trường hợp bố mẹ sống chung không đăng ký kết hôn; người mẹ không có hộ khẩu thường trú hoặc bỏ đi đâu không rõ; trẻ em sinh ra không có giấy chứng sinh; cha mẹ nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi nhưng chưa đầy đủ thủ tục...

Một cán bộ Phòng Tư pháp huyện Thường Tín cho chúng tôi biết, huyện còn bảy trường hợp vướng mắc chưa được khai sinh, đã đề nghị Sở trình Bộ Tư pháp từ bốn năm nay, nhưng chưa có hướng tháo gỡ cụ thể. Tại xã Ninh Sở, có khoảng dăm trường hợp đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Hòa Bình bỏ về nhưng không làm thủ tục nhập lại hộ khẩu, xã phải linh động cấp bản sao khai sinh cho các cháu đã đến tuổi đi học.

Còn lắm băn khoăn

Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phụ trách công tác đăng ký khai sinh của xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, phàn nàn với chúng tôi về tháng cao điểm người dân kéo đến làm thủ tục đăng ký khai sinh đông. Thông thường tháng 9 hằng năm, mùa các trường tuyển sinh, khai giảng, số lượng người xin cấp bản sao khai sinh tăng vọt. Mỗi người dân xin cấp bốn, năm bản sao (có người xin tới mười bản) thì một người phải chờ nửa tiếng, trong một buổi, cán bộ tư pháp chỉ giải quyết được năm, sáu trường hợp. Những hôm đông quá, buộc phải cấp tạm cho mỗi người một vài bản trước, hẹn hôm khác vắng sẽ cấp đủ số lượng theo yêu cầu.

Anh Phạm Văn Hưng gắn bó với công tác tư pháp xã Ninh Sở từ năm năm nay. Cũng giống nhiều cán bộ tư pháp cấp xã khác, với đồng lương hơn 300 nghìn đồng/tháng, nhưng anh Hưng phải kiêm nhiệm khá nhiều công việc. Ngoài công tác chuyên môn đăng ký hộ tịch (trong đó có đăng ký khai sinh), anh còn tham gia công tác hòa giải, phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Công việc bộn bề, do vậy thời gian dành cho nhiệm vụ đăng ký khai sinh ít. Xã mở cửa tiếp dân vào các ngày trong tuần, nhưng không phải lúc nào cán bộ tư pháp cũng có mặt tại trụ sở. Tại trụ sở xã cũng chưa niêm yết đầy đủ văn bản hướng dẫn, cho nên gây không ít lúng túng cho người dân khi đến đăng ký khai sinh. Ðể hoàn thành việc đăng ký khai sinh, phải trải qua ít nhất ba công đoạn. Cán bộ tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, viết giấy khai sinh trình lãnh đạo xã ký và đưa cán bộ văn phòng đóng dấu. Nếu một trong ba khâu gián đoạn hoặc có vướng mắc buộc người dân phải chờ đợi.

Sở Tư pháp Hà Tây có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác tư pháp cấp cơ sở. Sở mở được một lớp đại học, hai lớp trung cấp luật cho hơn 500 cán bộ theo học. Có một số huyện, thị xã đưa cán bộ trình độ cử nhân luật về công tác tại cơ sở. Sở chú trọng việc cấp phát sổ sách, tài liệu hộ tịch cho các xã. Tuy nhiên, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở chưa đồng đều. Có xã tùy tiện đưa ra quy định phạt tiền các trường hợp sinh quá hai con. Như ở xã Duyên Thái, có người sinh con thứ tư bị phạt 400 nghìn đồng. Có cán bộ tư pháp chữ viết cẩu thả dễ gây nhầm lẫn, sai sót khi viết các văn bản khai sinh. Về phía người dân, nhiều khi nhận thức pháp luật chưa cao.

Theo quy định, trẻ em sinh ra trong thời hạn 30 ngày, cha mẹ hoặc người thân phải làm thủ tục đăng ký khai sinh. Thế nhưng, nhiều trường hợp, bố mẹ mải làm ăn; sơ ý làm mất giấy chứng sinh; con ngoài giá thú người mẹ mặc cảm; các trường hợp sinh con thứ ba, thứ tư sợ bị phạt; một số người lo sợ khó nuôi chờ cho con đầy cữ một tháng cho nên chần chừ, chưa đến chính quyền làm thủ tục đăng ký khai sinh. Không ít trường hợp đăng ký khai sinh chậm một vài tháng, vài năm, thậm chí khi trẻ em đến tuổi đi học, bố mẹ mới nháo nhác đi làm giấy khai sinh cho con.

Với những trường hợp khai sinh chậm, cha mẹ sẽ bị xử phạt hành chính và cán bộ tư pháp đóng dấu đăng ký quá hạn vào tấm giấy khai sinh của trẻ em. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân Lộc, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Thường Tín, việc này khiến nhiều cán bộ tư pháp áy náy. Việc đăng ký muộn do lỗi của người lớn, trong khi giấy khai sinh sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời, đứa trẻ khó tránh khỏi tâm lý luôn bị ác cảm bởi tấm giấy có in dấu "đăng ký quá hạn".

Một vài kiến nghị

Cùng với những kết quả đã đạt được, nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác đăng ký khai sinh ở Hà Tây là có thật. Qua tìm hiểu ở một số huyện, xã, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chủ quan không ít, nhưng cũng có những trở ngại vượt quá khả năng giải quyết của cán bộ tư pháp cơ sở. Chúng tôi được nghe nhiều cán bộ tư pháp ở Hà Tây phàn nàn về những bất cập nảy sinh của Nghị định số 83/1998/NÐ-CP ngày 10-10-1998 và Thông tư số 12/TT-BTP ngày 25-6-1999 của Bộ Tư pháp về đăng ký hộ tịch, trong đó có đăng ký khai sinh. Ðiều 17 Nghị định 83/NÐ quy định việc đăng ký khai sinh tại nơi trẻ em sinh ra hoặc nơi người mẹ có hộ khẩu, nhưng trên thực tế có trường hợp, người mẹ sinh con xong bỏ đi đâu không rõ, người bố lại không đủ cơ sở khai sinh cho con.

Về thời hạn đăng ký khai sinh 30 ngày gây nhiều khó khăn cho cha mẹ và người thân trong việc đi đăng ký khai sinh cho trẻ em. Ðiều 20 về khai sinh cho trẻ em sinh ra rồi chết quy định trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên cũng phải đăng ký khai sinh thực thi rất khó. Bởi lẽ, mấy ai đăng ký khai sinh cho con mới được một vài ngày tuổi. Hơn nữa, khi trẻ em đã chết, buộc cha mẹ phải vừa đăng ký khai sinh, vừa đăng ký khai tử cho con, rất phiền phức.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã chỉ được cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc, nhưng với các trường hợp mất bản chính, mất sổ gốc lại được cấp lại bản chính là chưa phù hợp. Nhà nước nên quy định khi cần thiết người dân được yêu cầu cấp cả bản chính trong trường hợp sổ gốc còn lưu giữ đầy đủ. Vấn đề cải chính, sửa đổi giấy tờ hộ tịch lâu nay rất phiền phức, khó khăn. Có khi chỉ vì sai sót một cái dấu họ tên Nha thành Nhã, Thức thành Thực, nhầm lẫn ngày tháng năm sinh ghi theo âm lịch mà người dân phải qua nhiều cấp ngành từ xã, huyện lên tỉnh, chờ đợi vài tháng mới được giải quyết. Nên chăng, giao việc cải chính hộ tịch đơn giản về cho cấp xã thực hiện để giảm bớt vất vả cho người dân.

Theo chúng tôi, trong khi chờ cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung các quy định đã bất cập của Nghị định số 83/NÐ-CP và các văn bản liên quan, ngành tư pháp tỉnh Hà Tây cần tích cực hơn nữa trong việc kiểm kê rà soát công tác cấp phát, đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trước mắt, tìm biện pháp giải tỏa gần 800 trường hợp chưa đăng ký khai sinh. Cán bộ tư pháp xã cần chủ động tuyên truyền, vận động người dân tự giác đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn. Có thể mở chiến dịch khai sinh tại chỗ ở nơi còn nhiều trường hợp trẻ em chưa được khai sinh.

Các xã nên tăng cường thời lượng tiếp dân, niêm yết công khai văn bản hướng dẫn tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân khi đến làm thủ tục đăng ký khai sinh. Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cơ sở, ngăn chặn những biểu hiện cửa quyền, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu người dân. Ðồng thời, làm tốt công tác thi đua, hoàn thiện chính sách tiền lương khen thưởng, kỷ luật để xây dựng bộ máy cán bộ tư pháp cấp xã tinh gọn, hiệu quả.

PHẠM VIỆT KHƯƠNG