* Thứ trưởng có thể đánh giá ý nghĩa của việc ban hành LKKGNĐƯQT?
- Trước những thách thức của toàn cầu hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế nói chung cũng như nhu cầu tham gia các điều ước quốc tế (ĐƯQT) song phương hay đa phương đang đặt ra những vấn đề pháp lý mới mẻ đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp xử lý một cách hệ thống, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế trên cơ sở các điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, LKKGNĐƯQT đã được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2006, thay thế cho Pháp lệnh 1998 để ký kết và thực hiện ĐƯQT. Luật này đều chỉnh việc ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại. Luật đã thể chế hóa kịp thời đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phục vụ cho hội nhập quốc tế, tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Về mặt đối nội, luật đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đồng bộ với những quy định đầy đủ chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục về ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, cơ quan đề xuất, cơ quan kiểm tra, cơ quan thẩm định, cơ quan giám sát thực hiện các ĐƯQT, khắc phục những bất cập trong pháp luật hiện hành và thực trạng công tác về ĐƯQT, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế của Việt Nam, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Về đối ngoại, Luật bảo đảm sự tương thích với các quy định trong Công ước Vienne năm 1969 về Luật ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Các quy định cụ thể của luật này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia các thể chế kinh tế quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
* Luật này có điểm hạn chế nào không, thưa Thứ trưởng?
Luật này vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần giải quyết. Luật đã quy định điều chỉnh các ĐƯQT nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ, còn các điều ước với danh nghĩa Đảng Cộng sản Việt Nam thì như thế nào? Với danh nghĩa các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp thì như thế nào? Riêng về phần Đảng thì còn phải tiếp tục bàn. Còn đối với các thỏa thuận quốc tế khác thì hôm 12-12, Ban soạn thảo đã nhất trí cần thiết phải soạn thảo và ban hành một pháp lệnh về thỏa thuận quốc tế để điều chỉnh các cam kết quốc tế của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp.
* Theo Thứ trưởng, có những điểm nào cần lưu ý về cơ chế phối hợp trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT?
- Trong Luật nói rất rõ, cơ quan nào đề xuất thì cơ quan đó có trách nhiệm phải chuẩn bị tất cả các lập luận, cơ sở pháp lý để đề xuất với Chính phủ hay Chủ tịch Nước cho phép mình tham gia ký kết, gia nhập một ĐƯQT. Bộ Ngoại giao, tuy không phải là cơ quan thẩm định, nhưng là cơ quan giám sát có nên tiến hành hay không việc ký kết, việc thực hiện như thế nào. Chính vì vậy, ngay từ đầu Bộ Ngoại giao phải có ý kiến tư vấn với các Bộ, ngành nên hay không nên và cần phải làm như thế nào.
* Thứ trưởng cho biết những biện pháp nào cần triển khai ngay để thi hành LKKGNĐƯQT?
- Có rất nhiều biện pháp và biện pháp nào cũng cần. Nhưng trước hết, muốn thực hiện tốt thì các Bộ, ngành, các địa phương và người dân phải thấm nhuần luật này (điều chỉnh cái gì, yêu cầu mục đích ra sao, trách nhiệm thực hiện của mỗi người như thế nào). Chính vì vậy biện pháp đầu tiên là phải phổ biến tốt. Trong tiến trình phổ biến pháp luật nói chung, thì việc phổ biến LKKGNĐƯQT là yêu cầu hàng đầu. Bây giờ cả nước đều hội nhập, toàn Đảng toàn dân đều hội nhập, nếu không nắm được luật này thì đôi khi mình đi những bước trong đàm phán ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT có thể sẽ sai. Bước thứ hai quan trọng là tạo sự phối hợp thật sự đồng bộ và chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, cơ quan địa phương trong việc đàm phán ký kết và gia nhập ĐƯQT. Thứ ba là các Bộ, ngành, nếu thay mặt Nhà nước, Chính phủ ký kết, thì phải có sự đầu tư rất nghiêm túc, sâu sắc để nắm được cơ sở pháp lý, yêu cầu của việc ký kết và gia nhập, đồng thời có những biện pháp cụ thể để triển khai một khi đã cam kết.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
|