Những điểm mới cơ bản của dự án Luật Bảo hiểm xã hội
Các Website khác - 14/12/2005
So với quy định hiện hành, trong nội dung các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có những điểm mới cơ bản sau đây:
Chế độ ốm đau

Điều kiện hưởng trợ cấp nhìn chung vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Riêng trường hợp con dưới 7 tuổi của người lao động ốm đau, theo Điều 20 Dự thảo, người lao động sẽ được nghỉ việc hưởng trợ cấp trong mọi trường hợp mà không bị khống chế bởi con thứ nhất và con thứ hai như quy định hiện nay. Đây là quy định tiến bộ, phù hợp với tinh thần không sử dụng bảo hiểm xã hội để thực hiện chính sách kế hoạch hóa dân số. Tuy nhiên, trong các điều kiện trợ cấp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu của người lao động vẫn chưa được đề cập trong Dự thảo. Đây là vấn đề Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bởi nó có ý nghĩa lớn trong việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Thời gian hưởng trợ cấp của người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên khi nghỉ ốm được tăng 10 ngày so với quy định hiện nay (Điều 21 Dự thảo). Mức trợ cấp trong hầu hết các trường hợp được giữ nguyên như quy định hiện hành. Riêng trường hợp người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày theo danh mục do Chính phủ quy định mà thời gian điều trị đã quá 180 ngày thì mức trợ cấp được thực hiện thấp hơn so với hiện nay từ 5% đến 10% tùy từng đối tượng (Điều 22 Dự thảo).

Điểm mới đáng lưu ý ở chế độ này là các đối tượng thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa dân số được chuyển sang chế độ trợ cấp thai sản. Đây là sự thay đổi có tính khoa học và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Chế độ thai sản

Trong điều kiện trợ cấp, ngoài việc bổ sung các trường hợp người lao động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa dân số, Điều 25 Dự thảo đã bổ sung thêm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu của người lao động hưởng chế độ sinh con và nuôi con nuôi (6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi nghỉ việc). Quy định này sẽ có tác dụng tích cực đối với vấn đề tài chính của quỹ bảo hiểm. Chế độ nhận nuôi con nuôi được thực hiện trong mọi trường hợp, không khống chế ở một con như quy định hiện nay.

Thời gian hưởng trợ cấp, theo Dự thảo, có sự thay đổi khá nhiều. Cụ thể: tăng thời gian nghỉ đi khám thai của lao động nữ (từ 3 lần với 3-6 ngày lên 5 lần với 5-10 ngày); tăng thời gian nghỉ khi người lao động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa dân số; giảm bớt đối tượng lao động nữ được nghỉ sinh con 5 tháng và 6 tháng; tăng thời gian nghỉ cho người lao động trong trường hợp sau khi sinh con chết; bổ sung thời gian nghỉ khi người lao động nhận nuôi từ 2 con nuôi trở lên... (Điều 26, 27, 28 và 29 Dự thảo). Nhìn chung những thay đổi này là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra hiện nay.

Trong quy định về mức trợ cấp, thay cơ bản nhất là việc điều chỉnh lại mức trợ cấp một lần cho lao động nữ khi sinh con theo hướng bảo đảm công bằng hơn (bằng 2 tháng mức lương tối thiểu chung). Một điểm mới nữa là khoản trợ cấp này cũng đồng thời áp dụng cho cả trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều kiện trợ cấp nhìn chung vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Song tại Điều 5 Dự thảo đã quy định tương đối cụ thể về vấn đề giám định mức suy giảm khả năng lao động làm cơ sở cho việc thực hiện trợ cấp.

Mức trợ cấp kể cả trong chế độ trợ cấp một lần và hàng tháng, theo Dự thảo, đều được tính theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cụ thể thay cho việc tính theo khung tỷ lệ thương tật hiện nay. Bên cạnh đó, Dự thảo còn quy định thêm chế độ trợ cấp theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 36, 37 Dự thảo). Mức trợ cấp phục vụ và mức trợ cấp cho gia đình của người lao động bị chết cũng được điều chỉnh tăng (Điều 40, 41 Dự thảo). Nhìn chung những thay đổi trong chế độ này theo Dự thảo là phù hợp.

Chế độ hưu trí

Điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Điều 44, 45 Dự thảo. Theo đó, người lao động thiếu 5 tuổi đời so với quy định chung mà có đủ 15 năm làm việc ở vùng có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; người lao động đủ tuổi đời nhưng chỉ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm và người lao động thiếu 5 tuổi đời so với quy định chung, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên, có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu không được xác định là đối tượng hưởng lương hưu như hiện nay. Sự giảm bớt các đối tượng này sẽ là một giải pháp tốt cho vấn đề tài chính của Bảo hiểm xã hội.

Cách tính lương hưu (được quy định tại Điều 46, 47 Dự thảo) về cơ bản vẫn được quy định như hiện nay. Song đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi bị giảm 2% (theo quy định hiện hành là 1%). Lao động nam có trên 30 năm, lao động nữ có trên 25 năm đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp một lần (ngoài lương hưu hàng tháng) không bị khống chế mức tối đa (quy định hiện nay khống chế mức tối đa là 5 tháng mức bình quân tiền lương).

Điều kiện hưởng trợ cấp một lần đối với người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu không có sự thay đổi so với quy định hiện hành. Mức trợ cấp một lần được điều chỉnh tăng. Theo Điều 49 Dự thảo, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được trợ cấp bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (quy định hiện hành là 1 tháng). Tại các điều 51, 52, 53 Dự thảo quy định rất nhiều cách tính mức bình quân tiền lương tương ứng với các trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1-1-1995; từ ngày 1-1-1995 đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực. Các quy định này nhằm tạo ra một lộ trình tương đối hợp lý để tiến tới thống nhất một cách tính chung cho tất cả những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực trở đi.

Chế độ tử tuất

Trong chế độ mai táng phí, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là đối tượng được bổ sung vào chế độ này theo Điều 54 Dự thảo. Mức trợ cấp mai táng cũng được nâng từ 8 tháng lương tối thiểu chung lên 10 tháng. Chế độ tiền tuất cũng có những thay đổi đáng lưu ý. Theo Điều 55 Dự thảo, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và người lao động đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% khi chết thân nhân của họ sẽ không được hưởng tiền tuất hàng tháng (theo quy định hiện hành trong các trường hợp này, thân nhân của người lao động vẫn được hưởng).

Cũng theo Điều 55, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng của người lao động không còn là đối tượng hưởng tuất hàng tháng như quy định hiện nay. Tuy nhiên Dự thảo quy định con trên 15 tuổi; vợ hoặc chồng, bố mẹ đẻ của người lao động chưa hết tuổi lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên cũng là đối tượng hưởng tuất hàng tháng. Mức trợ cấp tuất hàng tháng trong trường hợp bình thường tăng 10% so với quy định hiện hành (từ 40% lên 50% mức lương tối thiểu chung). Bên cạnh đó, Điều 56 Dự thảo còn quy định trường hợp có hai người chết trở lên thì một thân nhân sẽ được hưởng hai lần mức trợ cấp quy định.

Cách tính mức trợ cấp tiền tuất một lần có sự thay đổi cơ bản. Theo Điều 58 Dự thảo, trường hợp người lao động đang làm việc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết thì cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thân nhân của họ được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, nhưng thấp nhất cũng bằng ba tháng (không khống chế mức trợ cấp tối đa). Trường hợp người lao động chết trong thời gian hưởng lương hưu thì mức trợ cấp bị giảm trừ theo thời gian đã hưởng lương hưu (mức cao nhất là 48 tháng lương hưu và mức thấp nhất là ba tháng mức lương hưu của người lao động - xem Điều 58 Dự thảo).

Như vậy, với quy định như Dự thảo, quỹ tài chính dành cho chế độ tử tuất sẽ tăng, thậm chí là tăng đáng kể so với quy định hiện hành. Vì vậy bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phải tính toán hợp lý cơ cấu và sự phân chia nguồn tài chính cho các quỹ thành phần trong tổng quỹ tài chính của bảo hiểm xã hội.

Ngoài những điểm mới cơ bản trong năm chế độ bảo hiểm xã hội nêu trên, theo quy định của Dự thảo, chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được lồng ghép vào các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (Điều 23, 31, 42 Dự thảo). Thay vì ấn định mức trợ cấp cố định như hiện nay, Dự thảo đã quy định mức trợ cấp tính, theo tỷ lệ % so với mức lương tối thiểu chung. Quy định này sẽ mang tính ổn định cao hơn trong quy định của pháp luật và đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của người nghỉ dưỡng sức qua các thời kỳ khác nhau.

Những thuật ngữ cơ bản về bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu, chết và thất nghiệp trên cơ sở đóng góp của các bên tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia theo quy định.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người lao động tự nguyện tham gia theo quy định.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian mà người lao động và người sử dụng lao động hoặc người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội đã đóng đủ bảo hiểm xã hội.

(Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội)


Theo (Pháp luật Việt Nam)