Hỏi: Chúng tôi được biết, Chính phủ vừa có quy định về chế độ đối với những đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xin hỏi chế độ đối với lực lượng dân quân được quy định như thế nào?
Trả lời: Ngày 8-11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Về đối tượng và chế độ áp dụng, điểm c khoản 1, Điều 1 của quyết định này quy định rõ như sau:
Dân quân tập trung ở miền bắc từ ngày 27-01-1973 trở về trước, du kích tập trung ở miền nam (bao gồm cả lực lượng mật) từ ngày 30-4-1975 trở về trước do cấp có thẩm quyền quản lý đã về gia đình được hưởng trợ cấp một lần theo số năm thực tế tham gia dân quân, du kích tập trung, cứ mỗi năm được hưởng 400.000 đồng. Mức chi trợ cấp một lần thấp nhất bằng 800.000 đồng.
Trường hợp đối tượng này đã từ trần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành thì một trong những người sau đây được hưởng chế độ trợ cấp một lần: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần. Thời gian để tính khi thực hiện chế độ trợ cấp một lần: nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính nửa năm.
Xin lưu ý là những đối tượng này nếu thuộc diện đang công tác, đã hưởng chế độ trợ cấp một lần khi về địa phương, đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, chế độ bệnh binh hằng tháng thì không được áp dụng quy định này; nếu chưa được khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ thì được thực hiện theo quy định hiện hành.
.................................................................
Xin cấp giấy phép sửa chữa nhà có phải nộp tiền lệ phí?
Hỏi: Tôi làm thủ tục xin cấp giấy phép sửa chữa lớn ngôi nhà tại phố A, trước đây khi xin cấp giấy phép xây dựng tôi đã nộp lệ phí, vậy bây giờ xin giấy phép sửa chữa tôi có phải nộp lệ phí một lần nữa không? Nếu có thì khoản lệ phí đó là bao nhiêu?
Trả lời: Thông tư số 03/2001/TT-BTC ngày 11-1-2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép xây dựng thì đối tượng phải nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng công trình bao gồm công trình xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, sửa chữa lớn, trùng tu, tôn tạo thuộc diện phải được cấp giấy phép xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8-7-1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (trừ trường hợp các công trình được miễn lệ phí cấp giấy phép xây dựng - tuy nhiên, khi xin cấp giấy phép xây dựng bạn đã phải nộp lệ phí, vậy bạn không thuộc trường hợp được miễn lệ phí).
Chủ đầu tư các công trình thuộc đối tượng phải nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng quy định ở trên phải nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng theo các mức sau:
- Đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép) là 50.000 đồng/giấy phép.
- Đối với các công trình khác là 100.000 đồng/giấy phép.
- Gia hạn giấy phép xây dựng là 10.000 đồng/giấy phép.
Đối chiếu với các quy định nêu trên thì việc xin cấp giấy phép sửa chữa lớn ngôi nhà của ông tại phố A phải nộp lệ phí là 50.000 đồng.
.................................................................
Xử phạt vi phạm giao thông như vậy có đúng không?
Hỏi: Lái xe của công ty chúng tôi có lỗi không mang theo giấy phép lái xe, sổ kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới còn hiệu lực nên đã bị Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh H áp dụng khoản 4 Điều 25 Nghị định số 15/2003/14/2/2003 của Chính phủ xử phạt 600.000 đồng và đánh dấu giấy phép lái xe một lần. Vậy đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng được quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 15 là mức phạt đối với người không mang đủ tất cả các loại giấy tờ trên hay là mức phạt đối với từng loại giấy tờ trên? Việc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh H xử lý với lái xe công ty tôi như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 15/2003/NĐ-CP ngày 14-2-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thì: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt 1 lần, một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt".
Căn cứ vào quy định trên trường hợp lái xe của công ty chị đã có nhiều hành vi vi phạm đó là không mang theo giấy phép lái xe, sổ kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới còn hiệu lực nên Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh H. đã xử phạt đối với từng hành vi vi phạm và cộng lại thành mức phạt chung là 600.000 đồng và đánh dấu một lần vào giấy phép lái xe là có căn cứ và đúng pháp luật.
.................................................................
Bảo hiểm công trình xây dựng
Hỏi: Có những loại bảo hiểm công trình xây dựng nào và hồ sơ mua mỗi loại bảo hiểm bao gồm những giấy tờ gì?
Trả lời: Theo điểm 2 Mục II Thông tư số 137/1999/TT-BTC ngày 19-11-1999 của Bộ Tài chính thì bảo hiểm công trình xây dựng gồm các loại hình sau đây:
- Bảo hiểm công trình xây dựng trong quá trình thực hiện đầu tư. Chi phí bảo hiểm công trình được tính vào giá trị công trình trong khoản mục chi phí khác;
- Bảo hiểm vật tư, thiết bị xây dựng trong quá trình vận chuyển từ nơi mua (nhận hàng) đến chân công trình và đang bảo quản trong kho. Chi phí bảo hiểm được tính vào giá trị của vật tư, thiết bị;
- Bảo hiểm vật tư, thiết bị, nhà xưởng phục vụ thi công dự án thuộc trách nhiệm quản lý của các tổ chức có liên quan đến dự án đầu tư;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba trong quá trình thi công; bảo hiểm tai nạn đối với người lao động;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư và xây dựng thuộc trách nhiệm của các tổ chức tư vấn.
Theo khoản 3.3 điểm 3 Mục II Thông tư số 137/1999/TT-BTC ngày 19-11-1999 của Bộ Tài chính thì khi tổ chức, cá nhân tiến hành mua bảo hiểm công trình xây dựng phải lập hồ sơ mua bảo hiểm theo quy định như sau:
- Đối với bảo hiểm công trình xây dựng, hồ sơ mua bảo hiểm gồm có:
1. Sơ đồ mặt bằng công trình;
2. Văn bản tóm tắt về kết cấu và biện pháp thi công công trình;
3. Giá trúng thầu hoặc tổng dự toán được duyệt;
4. Hợp đồng mua vật tư, thiết bị;
5. Những văn bản cần thiết khác theo quy định của quy tắc bảo hiểm.
- Đối với bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của các tổ chức có liên quan đến dự án đầu tư: Các tổ chức này thực hiện việc mua bảo hiểm. Hồ sơ bảo hiểm gồm có:
1. Bản kê số lượng, giá trị vật tư, máy móc thiết bị thi công trên công trường;
2. Bản danh sách lao động tham gia mua bảo hiểm;
3. Dự kiến là sản chung quanh công trường có thể tổn thất trong quá trình thi công;
4. Những văn bản cần thiết khác theo quy định của quy tắc bảo hiểm.
- Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, hồ sơ mua bảo hiểm gồm có:
1. Các nội dung chính về dự án đầu tư;
2. Các thông tin về năng lực tổ chức tư vấn;
3. Các nội dung công việc của tổ chức tư vấn khi thực hiện dự án;
4. Các thông số kỹ thuật của công trình (thổ nhưỡng, mực nước ngầm, nền móng, kết cấu, vật liệu, biện pháp thi công...).
|