Cái chết bí ẩn của thiếu nữ và nỗi đau người mẹ
Các Website khác - 03/09/2008

Ngồi ở hàng ghế trên cùng của phòng xử án là người đàn bà đen nhẻm, gầy khẳng khiu trong bộ quần áo nhăn nhúm, bạc thếch. Một tay bà ôm chặt tấm ảnh người con gái trẻ, tay kia ôm lấy ngực thỉnh thoảng vừa ho rũ rượi vừa khóc.

Trên vành móng ngựa, người đàn ông to lớn, đen trùi trũi đứng dạng chân, hai tay buông thõng, nhìn chăm chăm vào Hội đồng xét xử bằng ánh mắt vô hồn. Miệng ông ta lặp đi lặp lại câu: “Tôi không giết người ạ”. Cứ mỗi lần như thế, người đàn bà lại ngước đôi mắt mệt mỏi chậm chạp nhìn lên, thở dài rồi ghì chặt hơn tấm ảnh cô gái vào lòng.

Vụ án xảy ra từ hơn hai năm trước. Tòa cũng đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc buộc tội đối với bị cáo. Bởi người này lúc thì nhận mình là hung thủ, lúc lại kêu oan. “Tôi chỉ là người chứng kiến Lợi giết chết Nhung thôi. Thấy Lợi còn quá trẻ, tương lai còn dài nên tôi mới nhận tội giết người cho nó. Không ngờ nó thật dại dột mà đi tự tử…”, bị cáo Nguyễn Văn Gioan nói.

Nguyễn Văn Gioan luôn miệng kêu không giết người. Ảnh: Vũ Mai.

Cáo trạng của Viện kiểm sát xác định, ông Gioan là chủ căng tin tại ký túc xá Đại học Nông Lâm (quận Thủ Đức, TP HCM). Một lần tuyển người phụ giúp, vợ chồng ông này nhận hai mẹ con Nhung (16 tuổi) vào làm việc. Tại đây, Nhung có tình cảm với một thanh niên làm cùng tên là Lợi. Thời gian sau đó, khi biết cô gái có ý định bỏ làm, về quê, Gioan liền rủ Lợi cùng nhau cưỡng hiếp Nhung.

Tối 20/5/2006, sau khi căng tin đã nghỉ bán, Gioan và Lợi trông thấy Nhung đi tắm tại nhà vệ sinh của ký túc xá nên đi theo. Lúc gặp cô tại cửa, Gioan đã giả vờ nói "cho chú vào lấy đồ để quên..." rồi xông vào bịt miệng, dùng dao sát hại và cùng Lợi thay nhau hãm hại cô gái. Thỏa mãn thú tính xong, Lợi bỏ trốn về quê ở Hậu Giang và 9 ngày sau thì treo cổ tự tử chết. Riêng Gioan, sau khi giết Nhung được vài ngày đã giả vờ đi dọn dẹp rồi hô hoán phát hiện xác cô. Quá trình điều tra, Gioan quanh co chối tội nhưng cuối cùng đã “xin khai lại” sự việc đã cùng Lợi thực hiện hành vi độc ác.

Giờ đây, khi ra tòa, Gioan lại một mực phản cung, khăng khăng cho rằng mình không phải hung thủ gây ra cái chết cho cô gái vừa chớm tuổi trăng rằm. Tuy nhiên, người này không thể lý giải được tại sao tất cả những lời khai của mình tại cơ quan điều tra và quá trình thực nghiệm hiện trường lại khớp với nội dung vụ án như thế. Và ông ta cũng chỉ biết im lặng khi vị chủ tọa công bố lời khai của mình: “Trong những ngày nằm trong trại giam, tôi thấy mình bị lương tâm cắn dứt vì gây ra cái chết cho cô bé nên xin khai lại cho đúng sự thật để tâm hồn được thanh thản…”

Lại thêm một tiếng thở dài não ruột của người đàn bà gầy gò, ốm yếu vang lên khiến những người có mặt tại khán phòng không khỏi chạnh lòng. Bà chính là người giúp việc cũ của bị cáo và là mẹ của cô gái đã chết. Được gọi thẩm vấn, bà chậm chạp đặt tấm di ảnh xuống bên cạnh, cố rướn thân người chỉ còn lại da bọc xương, đứng dậy.

“Thấy con không về, tôi đã bổ nhào đi tìm nhưng mãi chẳng thấy. Mới từ quê vào làm, lạ nước lạ cái nên tôi có biết chỗ nào để đi tìm đâu. Lúc đó, ông Gioan đã mắng tôi bảo rằng nếu cứ khóc lóc như vậy sẽ đuổi việc… Hai ngày sau thì ông chủ phát hiện xác con tôi trong nhà vệ sinh”. Người mẹ cất giọng thều thào, xen lẫn là những tiếng nấc nghẹn ngào, tức tưởi.

Đã hơn hai năm người mẹ này mong đến ngày lấy lại công bằng cho con gái. Ảnh: Vũ Mai.

Phiên xử vào ngày 15/8, lại bị hoãn lại, dời vào 3 ngày sau đó. Bị cáo nặng nề cúi đầu bước vào trong không quên ngước gương mặt vô hồn xuống dưới khán phòng như tìm kiếm điều gì. Còn người đàn bà cũng ngồi phịch xuống ghế, trên gương mặt quắt queo, xám xịt loang loáng nước.

Đưa chiếc khăn cũ nhàu nát lên lau nước mắt, bà chậm rãi từng lời: “Đây là lần thứ hai tôi khăn gói từ Thái Bình vào Sài Gòn. Suốt quãng đường hơn ngàn cây số tôi chưa từng chợp mắt, trong lòng chỉ mong đến phút giây tìm lại công bằng cho con gái. Tôi chỉ cần đợi được đến ngày đó rồi có chết cũng yên lòng…”. Bỏ lửng câu nói, người mẹ này ôm ngực ho rũ rượi rồi ngửa cổ thở dốc từng hơi hổn hển. Với tay lấy chai nước suối uống từng ngụm nhỏ, một hồi lâu, bà kể về cuộc đời mình như đoạn kết một cuốn phim buồn.

Hơn 30 tuổi bà mới sinh được Nhung. Cuộc sống vợ chồng cũng đứt đoạn từ khi cô bé lên một. Ngày làm đám tang cho chồng, bà đã thề sẽ dồn hết tình thương vào cô con gái nên đã không quản nắng mưa nhọc nhằn nuôi con ăn học. Tuy nhiên, hoàn cảnh mẹ góa con côi, cuộc sống khó khăn đã khiến con đường học hành của Nhung phải dở dang từ rất sớm. Vài năm sau, thấy mọi người trong làng đổ xô lên thành phố làm việc, Nhung bàn với mẹ vào Sài Gòn kiếm việc làm để “đổi đời”, rồi hai mẹ con khăn gói lên đường.

“Lúc xin vào phụ việc cho ông Gioan, Nhung không đủ tuổi nên phải mượn chứng minh nhân dân của người khác để được nhận vào làm. Không ngờ, chỉ 7 tháng sau thì tôi mất con", người mẹ nấc nghẹn. Ngừng giây lát, bà thổ lộ tiếp: "Từ ngày đó, tôi không sao ngủ được, hễ cứ nhắm mắt lại là thấy cảnh con mình bị chết thảm. Lúc nào bên tai tôi cũng văng vẳng tiếng kêu cứu của con. Giờ cuộc đời tôi chẳng còn gì để lưu luyến nữa… Nhưng những kẻ gây ra cái chết cho con tôi vẫn chưa đền tội làm sao tôi có thể nhắm mắt được nên cứ phải cố sống.”. Người mẹ khẽ nâng tấm di ảnh của con gái lên nhìn âu yếm rồi lại đưa tay bịt miệng, tấm tức khóc.

Ngày 18/8, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Văn Gioan mức án 20 năm tù về tội “giết người” (trước đó VKS đề nghị mức án tử hình). Việc cáo trạng truy buộc ông này về tội “hiếp dâm” đã bị tòa bác vì công văn phúc đáp của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự khẳng định, không có cơ sở để kết luận nạn nhân có bị cưỡng hiếp hay không.

Phiên tòa kết thúc, chiếc xe bít bùng chở phạm nhân chạy vút đi để lại một vệt khói trắng dài loang lổ. Thấp thoáng trong đó là dáng một người đàn bà nhỏ thó, gầy còm lầm lũi bước đi…

Vũ Mai