Thủ đoạn này đã và đang gây không ít hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh và nhà trường.
Con đường trở thành “công cụ”
Điển hình, Công an quận Thủ Đức, TPHCM vừa bắt giữ Mai Nguyễn Ngọc Vi (23 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (tự Lùn, 24 tuổi, cùng trú tại quận Thủ Đức), Lê Hoàng N. và Đinh Bảo L. (cùng sinh năm 1998, học sinh trường cấp 3 ở Thủ Đức) để xử lý hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra, các trinh sát tuần tra địa bàn đã phát hiện L. và N. mặc đồng phục học sinh, đi chung trên xe máy, rồi dừng lại trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức gặp 1 thanh niên với biểu hiện khả nghi.
Ngay khi nam thiếu niên mặc đồng phục học sinh mở gói khẩu trang y tế “giao hàng” thì các trinh sát ập đến, khống chế bắt quả tang bên trong chiếc khẩu trang có chứa chất màu trắng (kết quả giám định là ma túy tổng hợp dạng đá, nặng gần 3,9494 gram).
Trước chứng cứ không thể chối cãi, 2 thiếu niên khai nhận đang là học sinh một trường cấp 3, nhưng nghiện ma túy nặng và cả 2 phải đi bán ma túy để có tiền sử dụng ma túy.
Mở rộng điều tra, Cơ quan công an xác định 2 nam sinh bị các đối tượng tên Vi và Tuấn Anh lôi kéo sử dụng ma túy và nhanh chóng sa vào đường nghiện ngập.
Khi đã trở thành người nghiện và để thỏa mãn cơn nghiện, các em đã trở thành công cụ để chúng sử dụng vào việc đi giao ma túy cho các đối tượng nghiện.
Nữ quái Mai Nguyễn Ngọc Vi và Nguyễn Tuấn Anh - cầm đầu đường dây bán ma túy cho học sinh
Cũng với hành vi tương tự, trong thời gian qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an cũng đã điều tra, phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ án về ma túy có liên quan đến sinh viên bị các đối tượng phạm tội ma túy lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, khống chế vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.
Cụ thể, vụ việc lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất qua kiểm tra đã phát hiện 4,1 kg ma túy trong hành lý của Trần Hạ Tiên (SN 1991, sinh viên Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang, TPHCM).
Nữ sinh này vừa đáp chuyến bay từ Doha (Ấn Độ) về Việt Nam. Điều tra mở rộng, cảnh sát làm rõ sự liên quan của 3 sinh viên khác ở TPHCM, trong đó có chị gái của Tiên là Trần Hà Duy (SN 1989, sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Bàng).
Kết quả điều tra cho thấy, Duy được một người nước ngoài tên Francis dụ dỗ vận chuyển quần áo hàng mẫu từ nước ngoài về Việt Nam và sẽ được trả công hậu hĩnh.
Trước cơ hội dễ kiếm tiền, Duy đã vận chuyển 2 chuyến hàng cho đối tượng mà không hay biết bên trong cất giấu ma túy và được trả công 2.000 USD.
Khi Francis nói cần thêm người vận chuyển “hàng”, Duy lập tức giới thiệu em gái là Trần Hạ Tiên và hai người bạn tham gia.
Sau đó, phát hiện “hàng” có chứa ma túy, Duy phản ứng, không vận chuyển cho Francis nhưng bị đối tượng này khống chế, dọa giết... nên hai chị em Duy, Tiên phải tiếp tục vận chuyển “cái chết trắng” cho đến khi bị bắt.
Không từ thủ đoạn nào
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH đến cuối năm 2015, người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi.
Với độ tuổi dưới 18, sống phụ thuộc gia đình, không có thu nhập thì việc sử dụng ma túy, nghiện ma túy là con đường ngắn nhất dẫn đến việc phạm tội của lứa tuổi này.
Thiếu úy Đỗ Mạnh Tiến, Công an phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, thực tế tội phạm ma túy đang xuất hiện nhiều với những hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong đó các em học sinh đang là đối tượng mà bọn chúng hướng đến.
Để lôi kéo học sinh, sinh viên sa ngã vào con đường sử dụng ma túy, các đối tượng thường sử dụng chiêu bài “khuyến mại” để lôi kéo.
Theo đó, chúng “khuyến mại” ma túy một thời gian cho những học sinh, sinh viên nghiện ma túy để các em này lôi kéo được người khác vào sử dụng ma túy.
Một thủ đoạn khác, các đối tượng dựa vào những điểm yếu của một số em học sinh, sinh viên để khống chế. Nếu không tham gia vào các tệ nạn này chúng đe dọa sẽ công khai tất cả những điểm yếu của học sinh, sinh viên mà chúng tìm hiểu được.
Vì sợ hãi, nên không ít em học sinh đã phải phục tùng làm theo những gì mà tội phạm, những kẻ xấu buộc phải làm.
Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điêu tra về tội phạm về ma túy - Bộ Công an cho biết, không chỉ xảy ra tại các địa phương trong nước, các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng việc du học, du lịch làm ăn kinh tế để nhập cảnh vào Việt Nam, móc nối với một số đối tượng người Việt tổ chức thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.
Theo đó, đối tượng chủ mưu cầm đầu không trực tiếp vận chuyển ma túy mà tìm cách làm quen với một số nữ sinh viên qua trang mạng xã hội để vờ yêu đương, cặp bồ hoặc lấy vợ là phụ nữ biết tiếng Anh ở các nhà hàng, quán bar.
Sau đó, thông qua những người này sẽ tìm cách tuyển mộ những cô gái thích ăn chơi, đua đòi hoặc những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy.
Có thể thấy, vì lợi nhuận, các đối tượng chủ mưu mua bán ma túy không từ bỏ thủ đoạn nào, miễn là mua bán vận chuyển trót lọt, kiếm nhiều lợi nhuận.