Cảnh sát biển Việt Nam thành lập ngày 28-8-1998. Ðiều 1, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển ghi rõ: "Lực lượng cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước Quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Trên biển Ðông, diện tích biển của Việt Nam trên 1 triệu km2, trải từ Vịnh Bắc Bộ đến biển Tây Nam Bộ, có bờ biển dài khoảng 3.260 km2. Lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước ta, bọn tội phạm trong và ngoài nước đã đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển ngày càng tinh vi, phức tạp, trọng tâm là Vịnh Bắc Bộ, biển Tây Nam, khu vực miền trung như Nghệ An, Ðà Nẵng.
Ngoắt ngoéo những "lối mòn" trên Vịnh Bắc Bộ
Vịnh Bắc Bộ có diện tích 126.250 km2, chiều ngang rộng nhất là 310 km, nơi hẹp nhất là 207,4 km, tiếp giáp với mười tỉnh và thành phố của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, đảo Hải Nam của Trung Quốc. Riêng chiều dài phía Việt Nam khoảng 763 km. Cứ hình dung những con tàu đi trong vịnh không khác nào hạt cát li ti. Tàu cao tốc của cảnh sát biển đi hết cũng phải từ tám đến mười giờ. Các tàu buôn lậu chủ yếu xuất phát từ Việt Nam, sang Trung Quốc lấy hàng ở các cảng ven biển Trung Quốc, đi qua eo biển Quỳnh Châu của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khu vực tỉnh Quảng Ninh, đảo Bạch Long Vĩ về Việt Nam.
Thủ đoạn của bọn buôn lậu là: Cho tàu đi "thọc một đường" tắt qua Bạch Long Vĩ vào các tỉnh Bắc Bộ; nếu ở các tỉnh phía nam, thì chúng chạy dọc theo đường phân định, tới ngang bờ thì tạt vào để tránh cảnh sát biển. Năm 2000, cảnh sát biển bắt được tàu buôn lậu QN 3049 chứa hàng lậu với thủ đoạn tinh vi là làm ngăn hai đáy, chứa hàng trong két nước, két dầu. Từ tháng 6-1998 đến nay đã bắt được hơn 70 tàu buôn lậu các loại. Hàng lậu chủ yếu là hàng sành sứ, gạch bông, hàng điện tử, có khi cả cát silic chở lậu từ Việt Nam.
Ngày 3-5-1999, biên đội tàu của Hải đội 101, Vùng Cảnh sát biển 1, bắt giữ sáu tàu buôn lậu, bắt 75 người. Biên đội các tàu 4003, 5001 từ 1999 đến 2003 đã bắt được 20 tàu buôn lậu. Trong số các thuyền trưởng làm khiếp vía bọn buôn lậu có thuyền trưởng tàu 4002. Tàu 4002 được coi là con chim đầu đàn trong bắt buôn lậu, từ 2002 đến nay đã bắt mười tàu buôn lậu, trong đó tháng 12-2003 bắt bốn tàu, tháng 10-2004 bắt hai tàu, tháng 4-2005 vừa qua bắt một tàu. H, thuyền trưởng 4002, đã kể cho tôi nghe một kỷ niệm đáng nhớ nhất: Trong chuyến đi đầu năm 2004, qua màn hình rada, H phát hiện có một tàu đi từ hướng bắc xuống. Bằng kinh nghiệm, anh yêu cầu tàu lạ dừng lại để kiểm tra, nhưng tàu nọ tăng tốc bỏ chạy. H cho tàu đuổi theo và tìm cách tiếp cận, áp mạn để các chiến sĩ nhảy sang khống chế. Nhưng bọn buôn lậu đã dùng mã tấu chống lại. H đã động viên các chiến sĩ và dùng loa thuyết phục, kiên quyết tấn công.
Không chỉ riêng tàu của H bị bọn buôn lậu chống lại, gần đây tàu 3003, 4001, 2006 đã bị bọn buôn lậu chống cự. Ðó là một "cuộc chiến" đầy khó khăn, đã có đổ máu.
"Chảy máu dầu" trên biển
Tình trạng buôn lậu dầu nhiều đã diễn ra ở các tỉnh phía nam như ở Tây Ninh, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An và ở biên giới phía bắc. Nguyên nhân "chảy máu dầu" là do giá xăng dầu ở nước ta thấp hơn với giá dầu các nước láng giềng. Nhà nước đã trợ giá cho xăng dầu để giữ ổn định cho kinh tế. Giá xăng A92 ở nước ta khoảng 10.000 đ/lít, ở các nước chung quanh khoảng 15.000 đ/lít. Giá dầu DO ở nước ta hiện nay khoảng 6.500 đồng/lít, ở Trung Quốc khoảng 11.000 đ/lít. Như vậy lợi nhuận một lít xấp xỉ 40 - 50%. Trên đất liền, bọn buôn lậu chủ yếu dùng thủ đoạn chở nhỏ, lẻ từ vài chục lít đến vài trăm lít, nhưng đông người tham gia. Còn trên biển, chúng lại dùng ghe tàu với số lượng chở lớn hơn rất nhiều.
Những năm gần đây, Cảnh sát biển bắt được những tàu buôn lậu dầu với số lượng lớn từ 30 - 40 nghìn lít. Nếu 30 khối (30.000 lít) thu lợi khoảng 150 triệu, 40 khối thu lợi 200 triệu, trong khi Nhà nước mỗi ngày hiện nay ước tính phải bù khoảng 26 tỷ đồng để trợ giá xăng dầu. Trên Vịnh Bắc Bộ, thủ đoạn buôn lậu là: Sử dụng tàu giả dạng tàu đánh cá, vào cảng Việt Nam như các cảng Vạn Gia, cảng Móng Cái ở Quảng Ninh... để móc dầu xuống, sau đó bán lẻ trực tiếp cho tàu cá Trung Quốc. Khi bị phát hiện, chúng vờ tung lưới, kéo lưới, chạy loanh quanh, và thường thì chạy thoát. Các tàu này thường làm các thùng chứa dầu trong tàu, thay cho các hầm chứa cá như các tàu cá, có các đường ống bơm dầu... Ngày 25-8 vừa qua, Cảnh sát biển đã phối hợp với cơ quan chức năng bắt một tàu buôn lậu dầu ở Kiên Giang, chứa 16.000 lít.
Thiếu tá Ðới Văn Thịnh, Hải đội trưởng Hải đội 101, Vùng Cảnh sát biển 1, đơn vị quản lý Vịnh Bắc Bộ cho biết: Từ năm 1998 đến nay, các tàu của Hải đội đã bắt được trên mười tàu buôn lậu dầu. Chuyến bắt được gần đây nhất được hai tàu vào tháng 3-2005.
Có một điều chúng tôi muốn nói là: Tại sao những tàu này vào được cảng Việt Nam móc nối được dầu? Chắc chắn phải có sự tiếp tay của một số cơ sở và cá nhân người Việt Nam ở tỉnh Quảng Ninh. Việc này đề nghị cơ quan chức năng và tỉnh Quảng Ninh xem xét.
Chống "làm luật" để giữ nghiêm pháp luật
Nhiều người tò mò, có người hỏi thẳng: "Thế Cảnh sát biển có làm luật không?", "Cảnh sát biển có làm ăn được không?". Khi biết ai đó làm cảnh sát biển thì cho là "khấm khá" lắm. Xin đừng ai "vơ đũa cả nắm" khi vẫn còn thấy các hiện tượng không đẹp.
Tôi nhớ có một lần, một chiến sĩ trót nhận 2.000 nhân dân tệ của một tàu Trung Quốc, sau đó, đã bị kỷ luật nặng. Nhiều lần bắt được tàu buôn lậu, chúng mặc cả trắng trợn: "Xin các anh cứ làm luật chứ đừng bắt tàu, bắt hàng". Một số lần kiểm tra hàng hóa xong, không phải là hàng lậu, nhưng dân biển vẫn vứt tiền sang "Biếu các anh", những tiền đó đều được các cấp chỉ huy thu và nộp lên trên. Các chiến sĩ cảnh sát biển thường xuyên được giáo dục về đạo đức người chiến sĩ cảnh sát biển, lòng dũng cảm, bản lĩnh và ý chí chiến đấu.
Ðã có những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực thi pháp luật trên biển. Ðiển hình là thiếu úy Hoàng Quốc Hiệp đã dũng cảm tấn công tàu lạ, bảo vệ chủ quyền, bị thương nặng. Hành động của anh đã được cán bộ chiến sĩ học tập.
Tôi đã trực tiếp đi theo tàu 1011, tuần tra Vịnh Bắc Bộ vào ngày 20-8-2004. Khoảng 6 giờ sáng, tôi đang nói chuyện với đồng chí tổ phó tổ nghiệp vụ thì phát hiện một tàu vận tải loại nhỏ. Khi phát hiện tàu chúng tôi, họ quẹo lái chạy về phía nam. Tôi nhìn thấy rõ một người trèo lên cột tháo lá cờ Trung Quốc xuống! Rõ là bọn buôn lậu cố tình treo cờ Trung Quốc để ngụy trang. Tới gần, tàu cảnh sát biển phát loa yêu cầu tàu nọ dừng lại, nhắc đi nhắc lại mấy lần, đến khi các chiến sĩ phải giơ súng lên cảnh báo họ mới dừng. Tổ kiểm soát kiểm tra bằng thì cả thuyền trưởng và máy trưởng đều không có, hỏi chở hàng gì, căn vặn một hồi, biết không thoát được họ đã phải nhận là chở hàng lậu. Thuyền trưởng tên là Nguyễn Văn Tr, sinh năm 1958, quê Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tàu tên là Phương Anh 04, có biển đăng ký là TH-03464, trọng tải 200 tấn, 150 CV. Tàu khai chở hơn 1.000 thùng gạch men, không có hóa đơn chứng từ. Khi kiểm tra, các chiến sĩ phát hiện ở khoang máy, gầm giường còn có một số đầu đĩa Trung Quốc, đồ chơi điện tử... và khi về bờ, đếm số lượng thùng gạch thì lên hơn 3.000 thùng!
Một số điều cần thiết
Công tác chống buôn lậu trên biển, phải lấy lực lượng cảnh sát biển làm lực lượng nòng cốt, phối hợp với lực lượng khác như bộ đội biên phòng, hải quan, công an, thuế vụ... và chính quyền địa phương các tỉnh ven biển. Ðặc biệt là chống buôn lậu dầu từ Việt Nam qua đường biển cần phải có sự phối hợp với các địa phương, công an. Cần phải rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn dầu nhập về các cơ sở kinh doanh dầu và những dấu hiệu, thủ đoạn bán dầu cho các tàu trên các bến bãi trong các khu vực cảng và những nơi nhạy cảm ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nam...
|