Cặp sừng tê giác trị giá gần 3 tỷ đồng
Các Website khác - 13/12/2005
Là một sinh viên du học tại Angola, nhưng Nguyễn Linh Tùng lại tận dụng cơ hội để buôn lậu sừng tê giác. Tùng đã bị bắt tại cửa khẩu Nội Bài với tang vật trị giá gần 3 tỷ đồng. Ngày 13-12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án này.
Bị bắt ngay tại cửa khẩu sân bay Nội Bài cùng với tang vật là bộ sừng tê giác trị giá gần hai trăm nghìn đô-la Mỹ, cậu sinh viên với vẻ mặt "nai vàng" dường như không biết gì về cặp sừng loại động vật quý hiếm có tên trong danh sách đỏ của thế giới. Tuy nhiên vụ án bị phát giác khi một nhân vật buôn lậu động vật quý hiếm bị bắt trước đó cũng có trùng loại hàng đặc biệt này.

Một năm du học, xuất nhập cảnh... 16 lần!

Nguyễn Linh Tùng là con trai một vị nguyên là quan chức thuộc ngành đối ngoại nên việc Tùng được đi du học ở nước ngoài không phải là quá khó khăn. Tốt nghiệp cấp ba năm 2000, Tùng chuẩn bị học tiếng cho việc đi theo diện xuất khẩu lao động sang Angola cùng anh trai đang làm việc tại đất nước này. Sau hai năm lao động tại Angola, kế hoạch du học cho cậu út đã được gia đình Tùng tiến hành. Tháng 4-2003, Tùng được gia đình cho theo học tự túc tại Trường ĐH Fort Elizabert (UPE). Thời gian theo học tại Trường UPE, Tùng có quen với David - một người bạn quốc tịch Nam Phi làm việc tại một trang trại gần Johannesburg. Tùng đã mua của David hai chiếc sừng tê giác, mỗi chiếc nặng khoảng 5kg với giá 11.000 USD. Tháng 10-2004, Tùng lên máy bay về nước "thăm gia đình" lần thứ 16 trong năm cùng với cặp sừng tê giác vừa mua được. Tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay VN791 đường bay Hồng Công - Nội Bài, Tùng đã bị Hải quan cửa khẩu Nội Bài phát hiện, tạm giữ.

Sức hút của một mặt hàng siêu lợi nhuận

Tại Biên bản giám định số 404 ngày 9-12-2004 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận hai chiếc sừng tê giác mà Tùng mang về Việt Nam là loại sừng trước của tê giác trắng phía Nam Ceratotherinmsinrum. Chiếc thứ nhất có khối lượng 5,95kg, dài 47cm, chu vi gốc 67,2cm. Chiếc còn lại có khối lượng 4,8kg, dài 40cm, chu vi gốc 74,4cm. Theo phụ lục của Công ước quốc tế CITES phân loài tê giác này thuộc Phụ lục 11 (ký ngày 16-2-1995). Ngày 26-1-2005, tiến hành định giá tại Sở Tài chính Hà Nội, hai chiếc sừng trên có trọng lượng 10,55kg trị giá hơn 2,9 tỷ đồng (gần 200.000 USD). Như vậy, chỉ với hai chiếc sừng tê giác, nếu đem về trót lọt, Tùng có thể thu lãi suất gấp gần 20 lần số tiền gốc bỏ ra mua. Tính theo giá thị trường lậu, con số này có thể còn cao hơn rất nhiều. Đây là loại sừng động vật hoang dã quý hiếm, dân gian cho rằng nó có tác dụng chữa được rất nhiều bệnh, lãi suất cao ngất ngưởng khiến nhiều người nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Tùng vốn là một sinh viên có kinh nghiệm đi về giữa Việt Nam và một số nước Nam Phi, nơi tập trung khá phong phú thế giới động vật hoang dã quý hiếm. Hám siêu lợi nhuận từ những cặp sừng tê giác, Tùng đã phạm pháp khi con đường học vấn còn đang rộng mở phía trước.

Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 20-1-2002 của Chính phủ quy định về việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã quy định việc xuất nhập khẩu các loài động, thực vật hoang dã theo Công ước quốc tế CITES Việt Nam cấp. Nghị định số 48/CP ngày 22-4-2002, Nghị định số 139/CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ quy định những hành vi vi phạm hành chính là động vật, thực vật có tên trong phụ lục I, II của CITES nhưng không có tên trong danh mục Nghị định số 48/CP thì vẫn bị xử lý như hành vi vi phạm đối với động vật, thực vật hoang dã nhóm IIa, IIb của Nghị định 139/CP, có giá trị từ trên 5 triệu đồng thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Nguyễn Linh Tùng nhập cảnh vào Việt Nam qua đường cửa khẩu quốc tế Nội Bài mang theo hai chiếc sừng tê giác không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự.

Ngày 13-12-2005, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ án này.

Theo Pháp luật